34 cán bộ, nhân viên y tế Gia Lai được tập huấn nâng cao năng lực quản lý suy dinh dưỡng cấp tính

Tham gia tập huấn, các học viên được cập nhật kiến thức phòng-chống suy dinh dưỡng trẻ em; quản lý suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị vào công tác phòng-chống suy dinh dưỡng cho trẻ; điều trị ngoại trú suy dinh dưỡng nặng cấp tính và theo dõi, báo cáo số liệu liên quan công tác phòng-chống suy dinh dưỡng cho trẻ… Ngoài lý thuyết, các học viên được giảng viên hướng dẫn thực hành sử dụng bộ công cụ tổng hợp số liệu giám sát dinh dưỡng…

Quang cảnh lớp tập huấn. Ảnh: Như Nguyện

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lai, suy dinh dưỡng cấp tính là thể suy dinh dưỡng gây tử vong và là một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với tính mạng của trẻ em. Tại các tỉnh Tây Nguyên ghi nhận tỉ lệ suy dinh dưỡng cấp tính chiếm 6-8% trên tổng số trẻ dưới 5 tuổi. Trong đó, suy dinh dưỡng cấp tính nặng chiếm xấp xỉ 1%. Năm 2023, theo thông báo của Viện Dinh dưỡng, tỷ lệ suy dinh dưỡng cấp tính của tỉnh Gia Lai là 8,2% còn rất cao so với chỉ tiêu đề ra giảm xuống dưới 5% vào năm 2025.

Tuy nhiên đến nay, các chương trình can thiệp trẻ suy dinh dưỡng cấp tính chỉ tập trung vào một số huyện với sự hỗ trợ của các tổ chức như UNICEF trên phạm vi một vài xã của huyện được chọn. Tại một số huyện vùng sâu, vùng xa, công tác này vẫn còn bỏ ngỏ, dẫn đến việc quản lý, điều trị trẻ suy dinh dưỡng cấp tính thiếu đồng bộ, việc triển khai thực hiện còn lúng túng và gặp nhiều khó khăn.

Thông qua lớp học, các học viên sẽ nắm được các kiến thức cơ bản về suy dinh dưỡng cấp tính nặng và các bước quản lý trẻ suy dinh dưỡng cấp tính trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Như Nguyện

Thông qua lớp tập huấn giúp các học viên thành thạo về kiến thức, kỹ năng theo dõi, quản lý, điều trị trẻ suy dinh dưỡng cấp tính nặng tại cộng đồng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đây là một trong các hoạt động cơ bản phải thực hiện trong phạm vi Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Đồng thời giúp các học viên tăng cường khả năng xây dựng và phát triển kỹ năng giao tiếp thay đổi hành vi, có khả năng xây dựng kế hoạch dinh dưỡng và thực hiện các can thiệp dinh dưỡng tại cộng đồng, đặc biệt áp dụng trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.