Ân hận muộn màng

Theo thông tin từ Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia về tình hình tai nạn giao thông (TNGT), trong năm 2023, toàn quốc xảy ra 22.067 vụ TNGT, làm chết 11.628 người, bị thương 15.292 người. Như vậy, trung bình mỗi ngày ở nước ta ước tính có khoảng 30 người chết vì TNGT.

Sang đến năm 2024, theo báo cáo vừa được Tổng cục Thống kê, tính chung 5 tháng đầu năm, cả nước xảy ra 10.427 vụ TNGT, bao gồm 7.267 vụ TNGT từ ít nghiêm trọng trở lên và 3.160 vụ va chạm giao thông, làm 4.405 người chết, 4.725 người bị thương và 3.501 người bị thương nhẹ. So với cùng kỳ năm trước, số vụ TNGT trong 5 tháng đầu năm tăng 20% (số vụ TNGT từ ít nghiêm trọng trở lên tăng 2,5%; số vụ va chạm giao thông tăng 58,5%); số người chết giảm 12,2%; số người bị thương tăng 28,9% và số người bị thương nhẹ tăng 75,8%. Bình quân 1 ngày trong 5 tháng đầu năm, trên địa bàn cả nước xảy ra 69 vụ TNGT, gồm 48 vụ TNGT từ ít nghiêm trọng trở lên và 21 vụ va chạm giao thông, làm 29 người chết, 31 người bị thương và 23 người bị thương nhẹ.

Ông Nguyễn Văn Thắng - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia

Từ những con số trên, có thể thấy TNGT là một trong những thảm họa lớn nhất đe dọa trực tiếp sinh mạng và sức khỏe của con người. Hậu quả của các vụ TNGT là rất nặng nề, không chỉ ảnh hưởng về mặt tinh thần mà còn dễ dẫn đến nghèo đói, lạc hậu, bệnh tật bởi chiếm tỷ lệ lớn trong số vụ, số người tử vong là những trụ cột trong gia đình. Các TNGT không chỉ để lại nỗi đau tinh thần và gánh nặng kinh tế cho người thân của họ mà ngay chính người gây ra tai nạn cũng rơi vào hoàn cảnh khó khăn.

Ông Khuất Việt Hùng

Theo đánh giá từ các cơ quan chức năng, nguyên nhân của các vụ TNGT phần lớn do ý thức chủ quan của chủ phương tiện và người điều khiển. Và, một trong những nguyên nhân gây ra các vụ TNGT nghiêm trọng mà xã hội lên án chính là hành vi đưa vào sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe chuyên dụng không bảo đảm an toàn.

Hiện trường vụ xe khách gây tai nạn liên hoàn trên Quốc lộ 6 khiến 3 người tử vong khiến 3 người tử vong, 1 người bị thương trong đêm cận Tết Giáp Thìn. Đáng nói, chiếc xe này đã hết hạn đăng kiểm từ ngày 14/01/2023.

Xe hết niên hạn gây tai nạn chết người, tài xế-chủ xe cùng lĩnh án
Một buổi chiều tháng 8/2023, tại trụ sở TAND TP. Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) đã diễn ra phiên xét xử vụ án hình sự về các tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” và “Đưa vào sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không đảm bảo an toàn” đối với các bị cáo Đinh Văn H và Dương Thanh P. Bị hại trong vụ án là N.B.Q.A (18 tuổi, thời điểm bị tai nạn Q.A 17 tuổi, ngụ tại TP. Bảo Lộc).

Theo hồ sơ vụ án, Đinh Văn H (42 tuổi, ngụ TP. Bảo Lộc) điều khiển xe cẩu lưu thông trên đường, do thiếu quan sát nên xảy ra va chạm với xe máy do N.B.Q.A điều khiển. Hậu quả, Q.A bị thương nặng, giám định thương tích là 68%. Đáng nói, thời điểm Đinh Văn H điều khiển xe cẩu gây tại nạn, chiếc xe này đã hết niên hạn sử dụng từ ngày 31/12/2021.

Tại hiện trường, Cơ quan điều tra phát hiện chiếc xe H gây tai nạn có hai biển số là 49H và 49C. Chủ của chiếc xe cẩu này là Dương Thanh P (63 tuổi, quản lý doanh nghiệp tư nhân, đóng tại TP. Bảo Lộc). Kết quả điều tra thể hiện, chiếc xe cẩu gây tai nạn thực chất mang biển số 49C, còn 49H là biển số giả. Theo quy định, sau khi hết niên hạn, xe không được phép tham gia giao thông, nên P đã gửi tại một gara trên địa bàn TP. Bảo Lộc để bán. Đến ngày 15/4/2022, P điều Đinh Văn H (đang làm thuê cho P) đến gara điều khiển chiếc xe nói trên, khi lưu thông trên đường thì xảy ra tai nạn.
Sau khi làm rõ các tình tiết liên quan đến vụ tai nạn, Công an TP. Bảo Lộc và VKSND cùng cấp đã phê chuẩn các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đinh Văn H về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” và Dương Thanh P về tội “Đưa vào sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không đảm bảo an toàn”.

Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên phạt bị cáo Đinh Văn H 18 tháng tù giam về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” được quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 260 Bộ luật Hình sự (BLHS); tuyên phạt bị cáo Dương Thanh P 12 tháng tù giam về tội “Đưa vào sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không đảm bảo an toàn” quy định tại điểm b, Khoản 1, Điều 162 BLHS.

Phiên xét xử vụ án các bị cáo Đinh Văn H và Dương Thanh P.

Hành vi đưa vào sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không đảm bảo an toàn là vi phạm áp luật. Trong ảnh: Hai bị cáo Đinh Văn H và Dương Thanh P tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vào tháng 8/2023.

Hậu quả đau lòng

từ những chiếc xe hết hạn đăng kiểm

Trước đó, tháng 8/2022, TAND TP. Bảo Lộc cũng đã đưa ra xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự đối với bị cáo Nguyễn C (sinh năm 1972; trú tại huyện B, tỉnh Lâm Đồng). C là chủ chiếc xe ô tô tải nhãn hiệu Huyndai, biển số 49H-95xx, thời hạn kiểm định an toàn kỹ thuật đã hết hạn từ ngày 18/02/2021, nhưng C không mang xe đi kiểm định.

Theo hồ sơ vụ án, sáng ngày 24/10/2021, C điều khiển xe ô tô nói trên đi thu mua cà phê, sau đó chở về xã L. Khi đến Km 124+200 Quốc lộ 20 (là đoạn đường dốc) thì C phát hiện xe bị mất phanh chân, nên đã kéo phanh tay, nhưng xe chạy ngày càng nhanh hơn. C bật đèn ưu tiên, bóp còi liên tục và ra hiệu… để người đi đường tránh ra. Khi xe chạy đến giao lộ giữa Quốc lộ 20 và đường Trần Hưng Đạo, lẽ ra phải cho xe chuyển hướng (vào đường Trần Hưng Đạo) để về nhà, nhưng do xe chạy nhanh, mà phía đầu đường Trần Hưng Đạo lại có nhiều phương tiện đang chờ qua đường nên C không dám chuyển hướng mà tiếp tục điều khiển xe chạy theo Quốc lộ 20 về hướng Đà Lạt.

Khi chạy đến Km 124 + 800 Quốc lộ 20, do xe mất phanh nên C mất bình tĩnh, điều khiển xe va chạm với một chiếc xe tải khác, rồi tiếp tục gây tai nạn liên hoàn với một loạt phương tiện. Hậu quả làm ông Trần Đại H tử vong và gây hư hỏng nặng, thiệt hại về tài sản cho các phương tiện xe ô tô, mô tô, thiết bị, hạ tầng người dân. Biên bản giám định kỹ thuật của Sở Giao thông vận tải tỉnh Lâm Đồng xác định, xe ô tô biển số 49H-95xx có hệ thống phanh không đạt yêu cầu.

Tại phiên tòa, HĐXX nhận định, bị cáo C là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, phạm tội do lỗi cố ý. Bị cáo biết rõ xe ô tô là nguồn nguy hiểm cao độ, phải được bảo dưỡng, kiểm định an toàn kỹ thuật thường xuyên theo định kỳ. Chủ xe chỉ được phép đưa xe đảm bảo an toàn kỹ thuật vào sử dụng, nhưng bị cáo đã không chấp hành. Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, không những xâm phạm đến trật tự ATGT, gây thiệt hại về tính mạng, tài sản cho người khác mà còn gây mất trật tự trị an tại địa phương. Vì vậy cần đưa ra cho bị cáo một hình phạt phù hợp để giáo dục riêng và phòng ngừa chung.

Căn cứ vào tính chất mức độ, hậu quả hành vi phạm tội của bị cáo, HĐXX tuyên bố bị cáo Nguyễn C phạm tội “Đưa vào sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không đảm bảo an toàn”. Áp dụng các điểm a, d khoản 1 Điều 262, các điểm b, i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 65 BLHS 2015, xử phạt bị cáo Nguyễn C 30 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 5 năm, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Cũng liên quan đến hành vi phạm tội “Đưa vào sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không đảm bảo an toàn”, Tếnh A Đ (SN 1982 tại huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) là chủ sở hữu chiếc xe ô tô tải nhãn hiệu HOA MAI, hết hạn đăng kiểm nhưng Đ vẫn đưa xe vào sử dụng và phải chịu bản án nghiêm minh của pháp luật.

Theo hồ sơ vụ án, khoảng 18h00 ngày 06/11/2021, Đ điều khiển xe ô tô chở củ dong đi từ nương về bản. Để đảm bảo an toàn, Đ đã chủ động đi chậm, về số thấp và cài số phụ. Khi xe đang xuống dốc Đ đạp phanh chậm và kéo phanh tay nhưng không có tác dụng. Xe lao xuống dốc tự do và đâm vào bờ tường rào xây của gia đình chị Mùa Thị M làm tường gạch văng trúng người chị M, chị Giảng Thị L và cháu Sồng A Đ1. Hậu quả làm cháu Đ1 tổn hại sức khỏe 64%; chị M tổn hại sức khỏe 16%; chị L bị thương nhẹ và làm hư hỏng 10,85 mét tường rào của gia đình chị M.

Sau khi sự việc xảy ra, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã phối hợp với VKSND huyện Vân Hồ tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm phương tiện. Ngày 29/11/2021, Giám định viên Sở Giao thông vận tải tỉnh Sơn La kết luận: “Kiểm tra thông tin kỹ thuật thực tế của xe, đối chiếu với hồ sơ cơ sở dữ liệu, hiện tại xe có hạn kiểm định đến hết ngày 07/12/2014. Hệ thống phanh, lái và truyền dẫn hư hỏng không hoạt động.

Với hành vi phạm tội nêu trên, Tòa án sơ thẩm kết án Tếnh A Đ về tội “Đưa vào sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không đảm bảo an toàn”, theo điểm c khoản 1 Điều 262 BLHS là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Tại phiên tòa phúc thẩm, xét thấy không nhất thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội, mở lượng khoan hồng đối với bị cáo, HĐXX căn cứ điểm c khoản 1 Điều 262; điểm b, s, i khoản 1, 2 Điều 51, khoản 1, 3, 5 Điều 65 BLHS, xử phạt bị cáo Tếnh A Đ 10 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách.

Trên đây chỉ là một số vụ án liên quan đến hành vi vi phạm về bảo đảm trật tự ATGT, trong đó có tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” và “Đưa vào sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không đảm bảo an toàn” mà hệ thống Tòa án nhân dân đã đưa ra chức xét xử trong thời gian qua. Rõ ràng, dù các cơ quan chức năng liên tục đưa ra cảnh báo, nhiều vụ tai nạn thương tâm bắt nguồn từ lỗi “quên” đăng kiểm đã xảy ra; nhiều bản án nghiêm minh đã được tuyên về tội “Đưa vào sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không đảm bảo an toàn”, theo điểm c khoản 1 Điều 262 BLHS; nhưng nhiều người chỉ vì chủ quan hoặc bất chấp lợi ích trước mắt mà “nhắm mắt làm ngơ”, bỏ qua kiểm tra chất lượng kỹ thuật trước khi cho xe lăn bánh. Thậm chí, một số xe hết “đát” còn được “cải tiến”, thay đổi kết cấu đưa xe vào sử dụng hoặc thuê, mượn các thiết bị, phụ tùng để đối phó khi đến hạn đăng kiểm nhằm vô hiệu hóa công tác giám sát tiêu chuẩn an toàn của phương tiện khi tham gia giao thông.
Chính những suy nghĩ, hành động này của các chủ xe và tài xế đã gây ra không ít vụ tai nạn thương tâm, vô tình đẩy mình vào cảnh tù tội, tan cửa nát nhà và nhiều hậu quả đau lòng không gì bù đắp được cho gia đình các nạn nhân. Ngoài bị xử lý vi phạm hình sự, đối tượng gây ra TNGT còn bị “Tòa án lương tâm” phán xét, dằn vặt suốt quãng đời còn lại.

Thời gian qua, hệ thống Tòa án nhân dân đã chủ động tổ chức xét xử hàng nghìn vụ án liên quan đến hành vi vi phạm về bảo đảm trật tự ATGT, trong đó có tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” và “Đưa vào sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không đảm bảo an toàn”. Bên cạnh việc xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm quy định về ATGT, việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật tại mỗi phiên tòa luôn được HĐXX giải thích, phân tích thấu đáo. Việc này không chỉ giúp bị cáo nhận thức pháp luật về hành vi của mình mà qua đó ngăn ngừa và nâng cao nhận thức pháp luật của người dân, góp phần giảm các vụ việc vi phạm ATGT và các nguy cơ TNGT.

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cùng các đại biểu trong phút tưởng niệm nạn nhân tai nạn giao thông - Ảnh: Hồng Quang

* Nguồn các bản án được dẫn từ Trang thông tin điện tử công bố bản án, quyết định của Tòa án.

Thực hiện nội dung: Lâm Thanh- Ý Thơ