Bác sĩ tư vấn miễn phí trong dịch: 'Tôi nhận 200 tin nhắn mỗi ngày'

Đại dịch tái bùng phát và đặc biệt nghiêm trọng ở một số tỉnh phía Nam như TP.HCM, nhiều người dân không thể tới bệnh viện có nhu cầu được tư vấn, hỗ trợ các vấn đề liên quan đến sức khỏe.

Nắm được tâm lý đó, nhiều bác sĩ đang công tác tại một số bệnh viện trên cả nước bắt đầu mở hoạt động thăm khám miễn phí qua một số kênh online như mạng xã hội hay điện thoại. Chia sẻ với Zing, 5 bác sĩ đang tiến hành hoạt động này kể về trải nghiệm ý nghĩa.

Bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Linh (khoa Chấn thương chỉnh hình - Cơ xương khớp, TP.HCM)

Đăng tin nhận tư vấn online thông qua một nhóm trao đổi trên mạng xã hội từ 26/7, tôi nghĩ chắc chỉ có vài người, cùng lắm là vài chục người hỏi. Không ngờ, chỉ sau khoảng một ngày, điện thoại tôi liên tục kêu, mấy trăm tin nhắn ập đến.

Bác sĩ Linh tư vấn cho nhiều người gặp vấn đề về chấn thương, cơ xương khớp.

Do dịch bệnh căng thẳng, nhiều bệnh nhân gãy tay, chân hay nhiễm trùng nhưng không đi khám được nên xử lý sơ sài.

Tôi sẽ hướng dẫn họ cách vệ sinh, theo dõi và sử dụng một số loại thuốc. Ca nào nặng, tôi theo dõi sát và báo họ đi khám ngay khi cần.

Vì vẫn phải đảm bảo công việc chính ở bệnh viện, tôi thường tranh thủ giờ nghỉ, lúc rảnh trả lời mọi người.

Với những tin nhắn mô tả chi tiết tình trạng bệnh, tôi xử lý khá nhanh, trong vòng 5 phút, trường hợp khác cần trao đổi kỹ hơn sẽ tốn khoảng 10-15 phút.

Vì tư vấn online gặp nhiều bất lợi, ít khi có sự hỗ trợ của các hình ảnh trực quan như siêu âm, X-quang, tôi luôn nhắn người bệnh cố gắng mô tả các triệu chứng, tiền sử, tình trạng bệnh càng chi tiết, rõ ràng càng tốt, chụp ảnh, quay video lại nếu được. Như vậy, việc chẩn đoán, hỗ trợ của tôi sẽ chính xác, nhanh chóng hơn.

Bác sĩ Linh tranh thủ thời gian rảnh để tư vấn cho người bệnh thông qua mạng xã hội.

Dù thông báo trước chuyên môn là Chấn thương chỉnh hình - Cơ xương khớp, tôi vẫn nhận được nhiều tin nhắn hỏi về chuyên khoa khác. Khi đó, tôi thường nhờ đến đồng nghiệp hỗ trợ.

Có khi, nhiều người tìm đến tôi không phải để được tư vấn về sức khỏe mà giống như cần người trò chuyện, giải tỏa sự lo lắng hơn. Những lúc như vậy, tôi giống như "kiêm" thêm vai trò tư vấn tâm lý, trấn an, động viên họ.

Nguyễn Khắc Huy (khoa Ngoại tiêu hóa, TP.HCM)

"Anh/chị phải luôn giữ tinh thần lạc quan nhé. Thời điểm khó khăn này, giữ được tinh thần lạc quan là quan trọng nhất". Đó là câu tôi thường nói với bệnh nhân tìm đến nhờ tư vấn những ngày qua.

Xung phong đến làm việc tại Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ 2 tuần qua, tôi phải trực chiến ở đây 24/7, luân phiên cùng đồng nghiệp làm việc theo ca, công việc khá áp lực và bận rộn. Tuy nhiên, nhận thấy nhu cầu tư vấn của người dân rất lớn, tôi vẫn muốn đóng góp chút gì đó.

1, 2 ngày đầu, tôi bị "ngợp" trước lượng tin nhắn đổ về quá lớn, có lúc hơn 100 tin chỉ trong một buổi sáng. Hiện, trung bình tôi nhận được 200 yêu cầu hỗ trợ mỗi ngày.

Khắc Huy nhận được lượng tin nhắn lớn mỗi ngày từ người bệnh.

Tôi thường tranh thủ giờ nghỉ để trả lời thắc mắc của bệnh nhân và thông báo trước theo khung giờ để mọi người không sốt ruột.

Thời điểm này, người dân cũng gặp nhiều vấn đề về tiêu hóa như trào ngược dạ dày, loét dạ dày, hội chứng ruột kích thích... Tôi hướng dẫn họ cách sử dụng một số loại thuốc, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và báo ngay cho tôi nếu tình trạng diễn biến xấu.

Bên cạnh một số bệnh lý ngoài, mối quan tâm của đa số người tìm đến tôi vẫn xoay quanh virus SARS-CoV-2. Các câu hỏi về cách phòng tránh, nhận biết dấu hiệu mắc bệnh, cách ly ra sao... thường xuất hiện.

Nam bác sĩ đang tham gia công tác điều trị bệnh nhân Covid-19.

Trong quá trình tư vấn online, tôi cũng không tránh khỏi nặng lòng khi gặp các trường hợp khó khăn: có chị kiều bào ở Australia vừa khóc vừa kể về gia đình ở Việt Nam có 5 người là F0; có những bà bầu trong tâm dịch, lo lắng, hoang mang khi ngày sinh cận kề.

Ngoài ra, không ít người còn có nhu cầu chia sẻ. Họ hoang mang vì đọc được rất nhiều thông tin tiêu cực hàng ngày. Vì vậy, tôi hy vọng có thể trở thành một kênh thông tin, định hình lại suy nghĩ của mọi người, để họ không quá bi quan, tiếp tục vững tin vượt qua đại dịch.

11 năm công tác trong ngành, có lẽ đây là thời điểm khó khăn nhưng cũng đáng nhớ và ý nghĩa khi tôi có thể góp sức làm chút gì đó cho mọi người.

Dương Văn Trung (khoa Ngoại - Tiết niệu, Hà Nội)

Những ngày qua, số lượng tin nhắn, cuộc gọi mỗi ngày nhờ hỗ trợ nhiều đến mức tôi không đếm xuể.

Không ít người vì lo lắng vẫn liên lạc lúc đêm muộn. Có trường hợp đặc biệt, một bệnh nhân vì quá gấp nên gọi điện cho tôi lúc 2h sáng.

Bác sĩ Dương Văn Trung thường xuyên trả lời yêu cầu tư vấn đến tối khuya.

Để đáp ứng nhu cầu của mọi người, tôi tranh thủ mọi lúc mọi nơi, có khi vừa đi vừa trả lời tin nhắn hay tận dụng giờ nghỉ trưa, vừa xong ca phẫu thuật lại quay ra giải đáp người bệnh.

Tôi cố gắng tự mình giải đáp hết thắc mắc của bệnh nhân song nhiều khi không tránh khỏi cảm giác nản lòng hay mệt, nhất là khi nhiều người mô tả tình trạng không đúng trọng tâm bác sĩ muốn.

Không ít lần, tôi phải cắt lời người gọi để tiết kiệm thời gian vì còn nhiều câu hỏi khác đang đợi.

Người hiểu thì không sao, còn người không hiểu sẽ nói tôi khó tính. Tôi từng gặp một trường hợp người bệnh trách mình như vậy. Cuối cùng, tôi phải quay ra nhắn tin, hỏi thăm họ lại từ đầu bởi đã mất công tư vấn, mình phải làm cho đủ trách nhiệm.

Hiện tại, số lượng yêu cầu gửi về quá tải, tôi đang kêu gọi thêm một số bác sĩ khác cùng tham gia.

Dương Quốc Phong (khoa Nội tiêu hóa, TP.HCM)

Hai năm trước, tôi và một số bác sĩ khác cũng đã mở một trang tư vấn giúp các bệnh nhân trên mạng xã hội.

Bác sĩ Phong cho hay các bài đăng tư vấn trong nhóm được gắn hashtag từng bài cho các thành viên tiện tìm đọc lại.

Khi đó, tôi thường nhận được khoảng 4-6 yêu cầu tư vấn mỗi ngày. Gần đây, con số đã tăng gấp nhiều lần vì nhu cầu hỗ trợ sức khỏe mùa dịch rất cao.

Khi nhận được câu hỏi, tôi và các bác sĩ sẽ đánh giá xem lượng thông tin cung cấp đã đủ chưa và cần hỏi gì thêm.

Tư vấn online chỉ có thể nghe được lời kể của bệnh nhân và xem kết quả xét nghiệm. Điều này hạn chế việc chẩn đoán vì không thể thực hiện nghe tim, nghe phổi...

Do đó, tôi thường yêu cầu bệnh nhân mô tả càng chi tiết càng tốt, bắt đầu bằng những thông tin cơ bản như tuổi, giới tính, triệu chứng gây khó chịu khởi phát khi nào, tăng giảm ra sao.

Khi chưa đủ hoặc còn nghi ngờ thông tin chưa chính xác, tôi sẽ chuyển qua cách khác kiểm tra. Ví dụ, nếu bệnh nhân đau bụng, tôi có thể hướng dẫn họ tự sờ kiểm tra bụng, ấn vào các vị trí khác nhau, xác định điểm đau nhất và mô tả lại.

Bùi Cao Thanh Trang (khoa Nội Thần kinh, Đồng Nai)

Khoảng hơn một tuần nay, tôi đảm nhận thêm công tác tư vấn sức khỏe cho những người chưa thể đi khám, trong đó có người đang sống trong nơi phong tỏa hay khu vực cách ly.

Ở lĩnh vực nội thần kinh, biểu hiện của người mắc bệnh thường bao gồm đau đầu, chóng mặt, mất ngủ, tê tay chân.

Với những ca nhẹ, có thể kê thuốc, bác sĩ Bùi Cao Thanh Trang sẽ thường hẹn tư vấn lại sau một tuần bệnh nhân tự chữa trị.

Triệu chứng này mọi người thường rất hay gặp phải, liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau nên tôi cần cẩn thận hỏi kỹ từng trường hợp trước khi đưa ra lời khuyên phù hợp.

Những bước cần làm gồm khai thác kỹ tiền sử bệnh, nhờ họ chụp gửi toa thuốc dùng trước đó hay hướng dẫn một số bài kiểm tra nhỏ.

Với những ca nhẹ, có thể xử lý ngay, tôi sẽ kê toa thuốc cho người bệnh tự mua, tiếp tục theo dõi triệu chứng và báo lại kết quả sau một tuần.

Những ngày này, đúng là khó có thời gian nghỉ ngơi trọn vẹn. Nhiều đồng nghiệp của tôi đã lên đường vào bệnh viện dã chiến, các khu điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 nặng. Phần việc ở cơ quan của tôi và các bác sĩ còn lại cũng dày thêm.

Tuy nhiên, hiểu được tâm lý của nhiều người là e ngại chuyện đi khám, lại càng không muốn đến bệnh viện vào thời điểm dịch bệnh, tôi sẵn sàng hỗ trợ từ xa, giúp họ yên tâm phần nào.

Ánh Hoàng - Trà My

Ảnh: NVCC