Ca thụ tinh ống nghiệm thành công ngoài mong đợi

Niềm vui vỡ òa của gia đình khi hai bé Lương Gia Hưng và Lương Khánh Ngọc chào đời

Hạnh phúc vỡ òa của mái ấm, người chồng không may bị suy thận

Anh Lương Văn Trường (sinh năm 1991, ở Tân Mỹ, Bắc Giang) là con một trong gia đình. Bố anh mất sớm, trong khi anh vừa phát hiện bị suy thận. Ở tuổi 22, (năm 2013), anh Trường phải tạm gác mọi ước mơ của chàng trai mới trưởng thành để bắt đầu những ngày lọc máu điều trị bệnh. Hoàn cảnh khó khăn, mẹ anh phải mưu sinh bằng nghề phụ hồ lấy tiền lo cho con chữa bệnh.

Hiện nay anh đang ở giai đoạn 4, hàng tuần vẫn phải đến bệnh viện tỉnh lọc máu ba lần. Tổng chi phí hàng tháng từ tiền lọc máu, cộng với tiền thuốc lên tới hơn 10 triệu đồng. Trong khi đó, kinh tế gia đình anh nay chủ yếu phụ thuộc vào đồng lương công nhân ít ỏi của chị Nguyễn Thị Liên (sinh năm 1991) - vợ anh và một phần nhờ sự hỗ trợ của người mẹ vẫn đang tiếp tục công việc phụ hồ. Lẽ là lao động chính trong gia đình, nhưng anh Trường không thể đi làm vì mắc bệnh.

Tuy sức khỏe yếu, song năm 2017 anh Trường gặp người yêu thương và đi đến kết hôn. Trước khi lấy nhau, chị Liên đã biết rõ tình trạng sức khỏe của anh, lấy nhau việc có con sẽ gặp nhiều khó khăn. Song vì tình yêu dành cho anh, chị vẫn quyết tâm gắn bó. Hai năm sau, chị Liên có thai tự nhiên, nhưng không may bị sảy khi thai được 5 tuần. Cũng từ đó, suốt 3–4 năm là hành trình tìm con, cứ ai mách đâu có thầy giỏi, thuốc tốt là vợ chồng lại lặn lội tìm đến song vẫn không có kết quả. Tiền bạc kiếm được bao nhiêu anh chị cũng dành để chữa trị hiếm muộn và lo toan thuốc men cho chồng.

Áp lực sinh con của vợ chồng ngày càng lớn khi mẹ anh ngày một cao tuổi, khát khao có đứa cháu nội bế bồng, nhất là bà chỉ sinh mỗi anh Trường. Anh em họ hàng ai cũng lo lắng, sốt ruột, động viên vợ chồng anh bằng mọi cách chạy chữa. Họ khuyên, kinh tế không có thì vay mượn rồi làm lụng trả dần. "Nhà chỉ có một mình Trường, lại có bệnh nữa nên tôi cũng lo lắm, song nếu phải vay mượn thì cũng cố gắng miễn sao có cháu bế bồng" - mẹ chồng chị Liên chia sẻ.

Thế rồi, năm 2020, vợ chồng anh Trường dành dụm được một ít tiền, liền xuống Hà Nội tìm đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội để thăm khám. Tại đây, họ biết đến chương trình hỗ trợ thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí cho các cặp vợ chồng có hoàn cảnh khó khăn, vợ chồng bàn nhau nộp hồ sơ hy vọng may mắn sẽ đến với gia đình.

Một ngày tháng 7 năm 2020, khi đang nghỉ ngơi sau buổi lọc máu định kỳ, anh Trường nhận được cuộc gọi từ Bệnh viện thông báo anh chị là một trong 10 gia đình nhận được hỗ trợ thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí của Bệnh viện. Khỏi phải nói, anh mừng lắm. Thế là vợ chồng anh đã có cơ hội được làm cha, làm mẹ.

Giữa tháng 8 năm 2020, chị Liên bắt đầu được kích trứng. Đến ngày 25/8 chị được chọc trứng, kết hợp với tinh trùng của người chồng tạo được 5 phôi. Rất may lần đầu chuyển phô chị đã thành công. Ba tháng đầu thai kỳ chị bị nghén nhiều, nên từ một phụ nữ nặng 40kg, chị sụt còn 37kg, người gầy gò xanh xao. Rồi những lần dọa sảy phải nằm viện. Vất vả là vậy nhưng chỉ cần nghĩ đến con, nghĩ đến ngày được bồng bế các con trên tay là mọi mệt mỏi, khó khăn tan biến hết.

Sáng ngày 27/3, khi anh Trường đang thực hiện lọc máu định kỳ tại bệnh viện thì chị Liên chuyển dạ. Chị cùng mẹ chồng ngay lập tức nhập viện sản nhi tỉnh. Bác sĩ thông báo chị sắp sinh và chị được chuyển ngay vào phòng sinh để chuẩn bị vượt cạn. Chị kể lại: "Lúc nằm trên bàn sinh, tôi chỉ lo các con có an toàn không? Vì một bé đã quay đầu nhưng một bé vẫn còn đang bị ngược. Chỉ đến khi nghe tiếng con khóc chào đời mới thở phào nhẹ nhõm. Hạnh phúc không gì có thể diễn tả được khi các bác sĩ đón từng bé ra ngoài và thông báo an toàn" - chị Liên xúc động nhớ lại khoảnh khắc hai con chào đời. Người mẹ trẻ có vóc dáng nhỏ bé nhưng đã sinh hai con, đặt tên Lương Gia Hưng và Lương Khánh Ngọc bằng phương pháp sinh thường.

Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Thị Thu Hiền - Phó Giám đốc chuyên môn, Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội tư vấn cho 1 cặp vợ chồng hiếm muộn

Gỡ vướng cho nhiều vợ chồng hiếm muộn khó khăn kinh tế

"Gia đình anh Lương Văn Trường là một trong mười gia đình có hoàn cảnh đặc biệt nhận được hỗ trợ miễn phí thụ tinh trong ống nghiệm từ Bệnh viện trong Tuần lễ Vàng 2020. Về mặt chuyên môn, trường hợp của cặp vợ chồng không quá khó để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, nhưng lại vướng ở phần chi phí, vì gần như mọi thu nhập của gia đình đều dồn hết để điều trị suy thận cho chồng" - Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Thị Thu Hiền - Phó Giám đốc, Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết.

Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Thị Thu Hiền, các gói hỗ trợ 100% chi phí thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên khắp cả nước được Bệnh viện triển khai từ năm 2019. Sau hai năm, chương trình đã đem lại "trái ngọt" cho nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn ngỡ vì rào cản kinh tế mà phải gác lại giấc mơ làm cha, làm mẹ. Trong các ca được thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí từ năm 2019 đến nay, 85% các gia đình đã có tin vui và sinh con khỏe mạnh, với 25 em bé chào đời, một số đang chờ sinh với sự theo dõi, hỗ trợ tối đa từ Bệnh viện.

Vợ chồng anh Lương Văn Trường - chị Nguyễn Thị Liên (thứ hai từ trái qua) nhận hỗ trợ thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí năm 2020

Tiếp tục mang đến "trái ngọt" cho các vợ chồng vô sinh, hiếm muộn đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế, ngày 3/7/2021, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đã "Công bố và trao quyết định: 10 ca thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí 100% và các chương trình xét duyệt miễn phí trong Tuần lễ Vàng 2021". Đây là năm thứ ba liên tiếp Bệnh viện hỗ trợ thụ tinh trong ống nghiệm hoàn toàn miễn phí cho các cặp vợ chồng khó khăn. Bên cạnh, Bệnh viện còn hỗ trợ chi phí thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm thêm cho một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, trị giá 30 triệu đồng. Đó là gia đình chị Hoàng Thị Hoan (1992) - anh Đặng Hoàng Việt (1988, ở Bút Sơn, Hoằng Hóa, Thanh Hóa). Kinh phí này được trích từ Quỹ Tấm lòng Vàng của Bệnh viện.

Hoàng Nam