Các địa phương phía Nam hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết 68

Lãnh đạo Sở LĐTB&XH TPHCM thông tin về việc triển khai Nghị quyết 68

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung lưu ý các địa phương trong việc triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Bộ trưởng nhấn mạnh: “Tôi đề nghị rà soát kiểm tra ngay tình hình tại các địa phương. Sau ngày mai, đơn vị nào làm tốt, đơn vị nào chậm triển khai sẽ cập nhật trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Báo Dân trí”.

Bộ trưởng cho rằng, bên cạnh việc triển khai Nghị quyết 68, các địa phương phải chủ động ban hành chính sách hỗ trợ lao động tự do. Trên cơ sở Chính phủ đưa ra mức hỗ trợ “sàn” là 50.000 đồng/ngày, địa phương cần linh hoạt các cách thức hỗ khác như ATM gạo, siêu thị 0 đồng…

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung hoan nghênh một số địa phương đã chủ động triển khai, thực hiện nhanh và quyết liệt như TPHCM, Đồng Nai, Long An… và phê bình một số địa phương triển khai chậm. Thống kê tới ngày 14/7, Bộ LĐTB&XH mới nhận được 33/63 văn bản cụ thể ban hành thực hiện Nghị quyết 68 và Quyết định 23 của các tỉnh, thành phố. “Các chính sách Chính phủ ban hành đã thông thoáng, cởi mở hết mức, các địa phương không cần thêm thủ tục gì nữa. Căn cứ vào tình hình địa phương, bớt được thủ tục thì càng tốt”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Tại TPHCM: Trong khi nhiều địa phương chưa triển khai Quyết định 23, TPHCM đã hoàn thành thực hiện chi trả hỗ trợ cho gần 50% lao động tự do và cam kết trong ngày mai (15/7) sẽ chi trả hỗ trợ cho toàn bộ 260.000 lao động tự do, hoàn thành công tác hỗ trợ theo Nghị quyết 68 trong tháng 7.

Giám đốc Sở LĐTB&XH Lê Minh Tấn cho biết, HĐND Thành phố đã thông qua gói an sinh hỗ trợ người dân gặp khó vì đại dịch COVID-19 với tổng kinh phí 886 tỷ đồng, hỗ trợ 6 nhóm đối tượng, trong đó có khoảng 226.000 lao động tự do.

Đến ngày 13/7, 46% lao động tự do đã nhận được nhận mức hỗ trợ tối đa 50.000 đồng/ người/ ngày trong thời gian 30 ngày, từ 31/5 đến 29/6. TPHCM cũng tiếp tục có chính sách hỗ trợ lao động tự do trong 2 tuần thành phố phải phong tỏa để chống dịch, vẫn với mức 50.000 đồng/ người/ ngày, trong 15 ngày.

Theo ông Lê Minh Tấn, gói hỗ trợ 886 tỷ đồng đang triển khai sẽ được hỗ trợ đến các nhóm đối tượng là: Người cách ly tập trung, với mức 80.000 đồng/ người/ ngày; lực lượng tham gia phòng chống dịch các cấp với mức 120.000 đồng/ người/ ngày; khoảng 80.000 người lao động hoãn hợp đồng, nghỉ không lương, giáo viên mẫu giáo, giáo viên trường nghề cũng được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/ người…

Ông Lê Minh Tấn cho biết, các cơ quan chức năng đã tạo mọi điều kiện thuận lợi, đơn giản các thủ tục, làm nhanh nhất để người dân, doanh nghiệp, tiểu thương nhanh chóng nhận được hỗ trợ. Thậm chí có nhóm đối tượng, người lao động, người dân không phải làm bất cứ thủ tục gì, các cơ quan chức năng chủ động lo thủ tục để chuyển tiền cho người dân, người lao động sớm nhất.

“Ngày 15/7 việc chi trả cho 226.000 lao động tự do sẽ kết thúc. Đến 30/7 sẽ kết thúc hỗ trợ cho các đối tượng có giao kết hợp đồng. Đặc biệt, người sử dụng lao động sẽ làm thủ tục nhận hỗ trợ cho người lao động, thẩm định 7 ngày sau đó chi trả trực tiếp tiền hỗ trợ qua số tài khoản của người lao động. Dự kiến, từ 19 đến 23/7 sẽ là đợt cao điểm của Thành phố thực hiện chi trả hỗ trợ theo Nghị quyết 68”, ông Lê Minh Tấn cho biết.

Giám đốc Sở LĐTB&XH Đồng Nai Nguyễn Thị Thu Hiền báo cáo tình hình triển khai Nghị quyết 68

Tại Đồng Nai: Giám đốc Sở LĐTB&XH Đồng Nai Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ các nhóm đối tượng với tinh thần rút ngắn nhanh nhất các thủ tục để triển khai thực hiện kịp thời.

Đối với lao động tự do, UBND tỉnh đã ban hành riêng Quyết định 2379/QĐ-UBND để triển khai thực hiện, trong đó hỗ trợ 1 lần mức 1,5 triệu đồng/người cho các nhóm đối tượng, gồm: Thu gom rác, phế liệu, bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái mô tô 2 bánh chở khách (xe ôm), lái xe công nghệ 2 bánh; bán lẻ vé số lưu động, bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; lao động giúp việc gia đình, lao động trong các cơ sở giáo dục mầm non; tự làm hoặc lao động làm việc trong các lĩnh vực như ăn uống, lưu trú, du lịch, cơ sở làm đẹp; lao động làm việc tại các cơ sở dịch vụ phải tạm dừng hoạt động từ ngày 1/5.

Dự kiến khoảng 25.000-30.000 đối tượng sẽ được hỗ trợ, với kinh phí khoảng 45 tỷ đồng.

Tại Vĩnh Long: Sở LĐTB&XH tỉnh Vĩnh Long vừa có kế hoạch triển khai gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng tới người lao động bị ảnh hưởng COVID-19 với phương châm "khẩn trương, trách nhiệm, đúng đối tượng, đúng quy định". Trong tổ chức thực hiện đảm bảo kịp thời, công khai, có kiểm tra, giám sát, không để xảy ra sai sót hoặc bỏ sót đối tượng; tránh tình trạng trục lợi chính sách.

Bà Huỳnh Thị Mỹ Hà, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Vĩnh Long cho biết, UBND tỉnh đã có văn bản triển khai thực hiện Nghị quyết số 68.

Đối với đối tượng là lao động tự do sẽ do từng địa phương đề xuất cụ thể vì sử dụng ngân sách của địa phương. Sở LĐ-TB&XH đang đề nghị xem xét cho đối tượng là người bán lẻ vé số. Đây là một lực lượng lao động tự do có số lượng lớn không chỉ ở Vĩnh Long, mà còn trong toàn vùng Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ.

Thu Cúc