Câm điếc bẩm sinh

Ảnh minh họa: ITN

Tuy nhiên, không phải thiên thần nào xuất hiện cũng hoàn mỹ vì có những đứa trẻ không may mắc chứng câm điếc bẩm sinh.

Di truyền hay bệnh lý từ mẹ?

Thật khó xác định một nguyên nhân chính xác khi đứa trẻ không may mắc phải bệnh câm điếc bẩm sinh. Các nghiên cứu cho rằng, bệnh có thể do nguyên nhân di truyền hoặc do bị ảnh hưởng từ bệnh lý của mẹ trong chu kỳ mang thai ở 3 tháng đầu tiên. Cũng có những trường hợp được xác định kết hợp cả hai nguyên nhân vừa mang tính di truyền vừa mang tính bệnh lý.

Thực ra, câm và điếc là hai bệnh lý khác nhau. Tuy nhiên, chúng lại có mối liên hệ gắn kết rất chặt chẽ và tạo vòng lẩn quẩn. Ở trẻ nhỏ, rất nhiều trường hợp bệnh câm là hậu quả của bệnh điếc mà ra. Vì điếc nên trẻ không thể thu nhận tín hiệu âm thanh vào não bộ để bắt chước theo. Do không nói được, không hát được thì trẻ trở thành câm. Các thống kê cho thấy, cứ 1.000 trẻ ra đời có 1 - 3 trẻ bị điếc bẩm sinh.

- Câm: Câm là tình trang không nói được thành lời, thành câu, mà chỉ có thể im lặng hoặc chỉ là những âm thanh ú ớ… Câm có các nguyên nhân như di truyền, trầm cảm, rối loạn ngôn ngữ hoặc rối loạn các chức năng khác trong cơ thể, do khiếm khuyết hoặc tổn thương các bộ phận phát âm như dây thanh âm, vòm họng, lưỡi và môi. Ngoài ra, còn do chấn thương vùng não Broca liên quan đến sự tạo ra ngôn ngữ.

- Điếc: Điếc là tình trạng mất khả năng nghe (mất thính lực) xảy ra khi tai bị mất hay giảm khả năng chuyển đổi các rung động mang năng lượng cơ học của âm thanh thành sóng điện mang năng lượng của các xung thần kinh trong não bộ.

Điếc có các nguyên nhân như di truyền, mắc một số hội chứng mà thường gặp nhất là hội chứng Down, nhiễm các loại virus từ mẹ, thường gặp là bệnh Rubella, Sởi, Quai bị hoặc do mẹ nhiễm herpes, cytomegalovirus, toxoplasmosis, do tác động từ thuốc chữa bệnh của người mẹ gây ảnh hưởng hệ thống thính giác đang phát triển của thai nhi.

Ngoài ra còn có thể do người mẹ hút nhiều thuốc lá, chấn thương khi trẻ ra đời; trẻ sinh non, vàng da nặng, ngạt gây thiếu oxy, áp lực của tiếng ồn lớn dội liên tục vào bào thai hoặc vào tai trẻ.

Do đó, việc phát hiện sớm một trẻ chỉ bị điếc bẩm sinh mà không bị câm bẩm sinh là điều hết sức quan trọng để có thể can thiệp sớm, giúp trẻ phát triển tốt hơn hoặc cũng có những trường hợp trẻ phát triển gần như bình thường.

Việc khám sàng lọc câm điếc bẩm sinh là cơ hội dành cho các bé không may là những “thiên thần bị khiếm khuyết”. Đưa trẻ đi khám sáng lọc câm điếc bẩm sinh là trách nhiệm của các bậc cha mẹ dành cho thế hệ tương lai.

Ảnh minh họa: ITN

Dấu hiệu nghi ngờ và nhận biết

- Trẻ sơ sinh đến 3 tháng tuổi nhưng không quấy khóc, không có chút phản ứng nào với những tiếng ồn, tiếng động lớn và bất ngờ. Đặc biệt hơn là ở những trẻ gần như không “thèm” cử động chân tay.

- Trẻ từ 3 - 6 tháng tuổi không đáp ứng chính xác hướng của tiếng nói, nghĩa là không xác định được phương hướng của người nói với mình, đặc biệt là không nhận ra được tiếng nói của người chăm sóc gần gũi nhất.

- Trẻ từ 6 - 9 tháng tuổi nhưng không hiểu được ý của người thân đưa ra. Chẳng hạn như bảo đưa tay hoặc cười thì trẻ hoàn toàn không có sự đáp ứng nào.

- Trẻ từ 10 - 12 tháng tuổi nhưng không biết bập bẹ nói ba, mẹ, ông, bà, ăn, uống, nóng, lạnh, đau… hay nói chung là những từ đơn giản khác.

Tùy theo độ tuồi, nếu có dấu hiệu nghi ngờ ở trên, cần đưa trẻ đi khám ngay ở chuyên khoa nhi tại các bệnh viện lớn để được xác định sớm có bị mắc bệnh câm điếc bẩm sinh hay không.

Nếu trẻ chỉ bị điếc bẩm sinh mà không được xác định sớm để can thiệp thì chắc chắn sẽ bị câm theo và trở thành “câm điếc bẩm sinh”. Trong trường hợp này, trẻ rất bị thiệt thòi quyền lợi được sống một cách bình thường và mang khuyết tật suốt đời.

* Hướng điều trị:

- Với trẻ chỉ bị điếc: Đeo máy trợ thính, cấy ốc tai điện tử để trẻ có thể nghe và tập nói, tập hát như những đứa trẻ bình thường khác. Trẻ cần các phương tiện hỗ trợ đó càng sớm càng tốt. Vì, trong vòng 2 - 3 năm đầu đời, vùng não bộ và thần kinh phụ trách việc nghe - nói nếu không được kích thích và sử dụng sẽ bị thoái hóa vĩnh viễn.

Trẻ càng lớn thì việc can thiệp càng khó khăn và ít hiệu quả. Các chuyên gia đã chứng minh, nếu trẻ sau 7 tuổi mới cấy ống tai điện tử thì gần như không còn giá trị sử dụng.

- Huấn luyện đọc môi và ngôn ngữ ký hiệu. Người câm điếc có thể học được một hệ thống ngôn ngữ ký hiệu khác để giao tiếp cho dù họ không nghe và không nói. Thị giác và những cử động của môi, đặc biệt là đôi bàn tay sẽ giúp họ giao tiếp bình thường với những ai “giải mã” được hệ thống ngôn ngữ ký hiệu đặc biệt đó.

* Hướng phòng ngừa

- Người mẹ cần tránh các yếu tố nguy cơ như thuốc lá, không hút thuốc cũng như tránh hít phải khói thuốc thụ động. Người mẹ mang thai tránh những nơi có tiếng ồn và tiếng hát liên tục với tần số cao, không dùng thuốc điều trị có ảnh hưởng đến quá trính phát triển của thai, nhất là trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ. Việc dùng thuốc, tốt nhất theo chỉ định của bác sĩ.

- Cần cho trẻ khám sàng lọc câm điếc bẩm sinh càng sớm càng tốt. Bác sĩ chuyên khoa sẽ có những lời khuyên tốt nhất để chăm sóc cho trẻ có dấu hiệu nghi ngờ bị câm điếc bẩm sinh.

Thạc sĩ y học Mai Hữu Phước