Cầu giảm và cạnh tranh tăng, lối nào cho hàng thời trang Việt?

Đại diện các nhãn hàng cho rằng cuộc chơi của thị trường đã thay đổi sau dịch và còn nhiều biến chuyển trước làn sóng ngày càng thu hẹp tiêu dùng của khách hàng, với những mặt hàng không thiết yếu.

Linh hoạt mô hình trên mạng – ngoài đời

Theo Vietnam Market Report Platform, báo cáo của Euromonitor chỉ ra ở Việt Nam, thị phần các thương hiệu thời trang của các nhãn hiệu có tên tuổi trong và ngoài nước như Zara, Uniquilo, H&M, Việt Tiến, Ivy, Canifa… chỉ chiếm có 20%, 80% miếng bánh còn lại là các nhãn hàng nhỏ lẻ hoặc không tên tuổi. Con số này ngược lại hoàn toàn so với thị trường thời trang toàn cầu.

Trong năm 2022, doanh số ngành hàng thời trang được ghi nhận đã bán gần 400 triệu sản phẩm, thu về khoảng 66.000 tỉ đồng thấp hơn so với trước dịch Covid-19 năm 2019 khoảng 15% và đang hồi phục qua từng năm.

Đại diện thương hiệu Gumac đồng tình thời trang Việt có những bước đi sát sao với kinh tế chung của thị trường. Trong năm 2023, doanh thu của nhãn hàng Việt này giảm so với 2022 khoảng 10-15%.

Các nền tảng mua sắm online, ương mại điện tử (TMĐT) phát triển như “vũ bão” chứng kiến loạt doanh nghiệp mới nhảy vào. Hành vi mua sắm của khách hàng thay đổi buộc doanh nghiệp kinh doanh ngành hàng không thể đứng ngoài xu hướng. Đại diện Gumac chỉ ra công ty phải thay đổi thích ứng, chú trọng nghiên cứu sản phẩm, dành nguồn lực lớn phân tích thị hiếu khách hàng, mở rộng kênh bán, thêm mô hình siêu thị thời trang linh động, phân chia lại mức đầu tư kênh bán online, offline phù hợp.

Cụ thể, sự hấp dẫn từ các kênh bán hàng online đã chiếm khoảng 50% doanh thu so với toàn bộ các kênh còn lại. “Khách hàng ở đâu chúng tôi đều tập trung phục vụ ở đó, hiểu được tình hình khó khăn trong chi tiêu của người mua thời điểm này, chúng tôi cũng sản xuất sản lượng ít hơn. Hàng tồn, lẻ kích cỡ, mẫu mã sẽ được chuyển sang tiêu thụ dạng thời trang giá rẻ, tận dụng tối đa các hình thức bán hàng”, vị này cho biết.

Ông Nguyễn Lê Vũ Linh, CEO của thương hiệu thời trang Việt IVY Moda nhìn nhận công ty đã đưa ra nhiều phương án xử lý ngắn hạn, chia nhỏ mục tiêu để ứng phó với những khó khăn chung hiện tại. Ba tháng đầu năm 2024, IVY moda đã có những chuyển biến tích cực hơn, tuy nhiên vẫn chưa đạt được những con số như cùng kì 2023. Riêng năm 2023 doanh số bán ra giảm 20-25% so với năm 2022, đạt khoảng 90% trước dịch.

Trước đây, thay vì liên tục tạo ra sản phẩm “trend” (xu hướng), xưởng sản xuất hàng loạt dễ dẫn đến lượng hàng tồn thì bây giờ doanh nghiệp có cách làm khác. Đại diện cho biết công ty sẽ lắng nghe thị trường trước, biết nhu cầu khách hàng đang “khát” những gì qua các công cụ ứng dụng công nghệ AI, sau đó mới sản xuất số lượng lớn, bổ sung sản phẩm khách hàng cần trên gian hàng để giảm hàng tồn kho, tiết kiệm được chi phí sản xuất.

Ở mỗi thị trường khác nhau như miền Nam – Bắc, lượng sản phẩm trưng bày sẽ linh động theo sở thích, văn hóa thời trang của họ. Điều này tuy không giúp doanh nghiệp tối ưu được chi phí, năng suất sản xuất nhưng giảm được áp lực hàng tồn, lỗi mốt.

Xưởng sản xuất của thương hiệu thời trang Việt. Ảnh: DNCC

Với những mặt bằng kinh doanh không hiệu quả, IVY moda sẽ dừng hoạt động, tối ưu chi phí cố định, tìm vị trí trọng điểm, song song đẩy mạnh chuyển đổi số bán hàng đa kênh. Trong năm qua, các sàn thương mại điện tử, website của nhãn hàng cho doanh số ổn định chiếm 30% tổng doanh thu các kênh bán.

“Tiềm năng từ các kênh online không nhỏ, tuy nhiên với những mặt hàng có giá trị cao thì trải nghiệm tại các cửa hàng cũng quan trọng. Chúng tôi có chiến lược đẩy mạnh song song hai kênh bán, tăng sự trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng cả hai phương thức, không ngừng tìm kiếm mở rộng khách hàng mới”, ông Vũ Linh nói.

Chẳng hạn với những kênh online, doanh nghiệp thêm mặt hàng có giá thành rẻ, mẫu mã đơn giản khách không có quá nhiều nhu cầu để thử, họ sẽ dễ quyết định mua hàng hơn. Nhìn nhận xu hướng tiêu dùng 2024, ông nói thêm khách chuộng những sản phẩm dễ sử dụng trong nhiều dịp. Các món đồ may mặc có tính bền vững và công năng cao.

Bỏ ngỏ con đường xuất khẩu thời trang Việt

Nhìn chung, hiện nay thương hiệu Việt không chỉ chịu áp lực từ các đối thủ trong nước mà còn cạnh tranh với hàng Trung Quốc giao nhận quốc tế nhanh chóng, giá rẻ, mẫu mã phong phú trên các sàn TMĐT, một chuyên gia trong ngành cho biết.

Theo báo cáo tổng quan thị trường TMĐT Việt Nam ngành thời trang quý 1-2024 của Metric, doanh số của ngành trên toàn sàn đạt khoảng 14.000 tỉ đồng với khoảng 132 triệu sản phẩm bán ra. Trong đó, hàng thời trang nữ chiếm tỉ trọng cao nhất, một số thương hiệu nội địa Việt có doanh thu chiếm thứ hạng cao.

Ông Nguyễn Thành Trung, Trưởng phòng xúc tiến thương mại tại công ty Smart Minds, chuyên về lĩnh vực tư vấn cho các doanh nghiệp ở Việt Nam về nền tảng công nghệ định tuyến nhìn nhận, việc mua bán hàng hóa Việt Nam trên các sàn TMĐT còn nhiều hạn chế về thời gian giao nhận. Chẳng hạn, đơn hàng nội địa Trung đến trung tâm Hà Nội chỉ mất từ 2-4 ngày cho toàn quá trình đơn hàng, nhưng với tuyến giao từ TPHCM đến địa điểm tương tự ở Hà Nội thì trung bình mất từ 3-5 ngày.

Việc hàng hóa Trung Quốc ngày càng được đóng kho bãi gần cửa khẩu Việt Nam về mặt tổng thể logistics sẽ giúp khách mua hàng nhận hàng nhanh chóng hơn, dễ dàng tiếp cận với nguồn hàng hóa nội địa Trung đa dạng, giá thành rẻ hơn trước đây.

Sở dĩ, thời gian giao hàng nội địa Trung được rút ngắn lại như bây giờ nhờ vào quy trình thông quan. Lúc trước, thủ tục thông quan chiếm khá nhiều thời gian, nhưng sau một thời gian cải tiến quy trình, cùng với sự xuất hiện của nhiều bên đơn vị chuyên hỗ trợ dịch vụ thông quan 2 đầu xuất khẩu và nhập khẩu thì quy trình được thông suốt hơn. Do đó, thời gian vận đơn của doanh nghiệp được rút ngắn đáng kể, từ một vài ngày xuống thành vài giờ nếu suôn sẻ.

Theo ông Thành Trung, để nâng cao năng lực xuất khẩu, mở rộng thị trường bán lẻ trên kênh online sang các quốc gia khác thì nhà bán hàng phải chú trọng vào chất lượng sản phẩm, dung lượng của thị trường muốn kinh doanh. Bên cạnh đó, doanh nghiệp tập trung nhiều vào tìm hiểu sở thích, thói quen mua hàng của khách hàng ở từng thị trường. Đồng thời, nhà bán hàng nắm rõ quy định nhập khẩu và thủ tục hải quan tại các quốc gia muốn hướng đến để cắt giảm chi phí tổng thể.

Các doanh nghiệp biến hóa bán đa kênh, thích nghi nhiều phương thức bán hàng khác nhau. Ảnh: DNCC

Ông nhìn nhận, Việt Nam ngoài các sản phẩm ưu thế như hàng thủ công truyền thống, đặc sản và các sản phẩm được chiết xuất từ tự nhiên thì hiện tại vẫn rất khó tiếp cận khách hàng ở các quốc gia khác trong khu vực với các mặt hàng phổ biến khác như thời trang, hàng gia dụng… Lý do chính nhất vẫn là giá thành, nếu so sánh với 1 số nước cung cấp cùng ngành hàng này thì khó cạnh tranh được từ nhân công, giá nguyên vật liệu.

Đồng thời, ở Trung Quốc chính phủ đã có chính sách hỗ trợ chi phí vận chuyển kích cầu xuất khẩu, nên nhà bán hàng bên quốc gia này lại có thêm nhiều ưu đãi về giá vận chuyển. “Còn về quy trình bán hàng xuyên biên giới thì không phải trở ngại như thời điểm trước. Hiện tại ngoài sàn TMĐT thì cũng có nhiều đơn vị hỗ trợ dịch vụ cho các nhà bán hàng. Tổng hợp lại thì rào cản lớn nhất vẫn là mặt đầu ra cho sản phẩm”, ông kể.

Chuyên gia về ngành bán lẻ, ông Phùng Thanh Ngọc, đại diện Retail Hub cũng nhìn nhận, thời trang Việt Nam luôn xuất hiện rất nhiều gương mặt mới vì đây là ngành có sự xâm nhập thị trường dễ dàng. Tuy vậy, thị trường càng đa dạng, sự cạnh tranh càng khốc liệt từ chính những nhà bán nhỏ lẻ trong nước kèm đối thủ nước ngoài.

“Để nói về xuất khẩu hàng thời trang nước ta qua các con đường khác nhau, năng lực sản xuất từ nhà máy, xưởng còn hạn chế, giá nguyên vật liệu, nguyên phụ liệu khó cạnh tranh với số lượng lớn từ các nhà bán hàng ở Trung Quốc”, ông Ngọc nhấn mạnh.

Những làn sóng thời trang theo xu hướng cũng bắt nguồn sớm từ Trung Quốc nên khi ta đi sau, đơn vị kinh doanh rất khó bán với giá cả hấp dẫn, mẫu mã thu hút.

Nhìn chung, sân chơi của những nhà kinh doanh thời trang Việt vẫn còn nhiều đất diễn và cơ hội mở rộng thị trường ngay trong thời điểm kinh tế biến động. Tuy vậy, các thương hiệu nội địa cần tập trung tạo nên bản sắc riêng, tăng độ nhận diện thương hiệu để tránh ảnh hưởng khi bị sao chép mẫu mã, đồng thời tìm lối đi riêng trong và ngoài nước, chuyên gia nói thêm.

Hoàng An