Chăm sóc sức khỏe tâm thần trong dịch Covid-19

Tập thể thao thường xuyên để tăng sức khỏe tâm thần. Ảnh minh họa.

Trong cơn lốc xoáy của đại dịch, trạng thái tâm thần của nhiều người cũng không tránh khỏi tác động của cuồng phong. Sự lo lắng, sợ hãi, căng thẳng, buồn bã là điều khó tránh khỏi và có thể thông cảm, chia sẻ...

Sức khỏe tâm thần là gì?

Con người, nói một cách bao quát mang tính tượng trưng gồm có 2 phần là phần xác và phần hồn. Phần xác là... vật chất, có thể sờ nắn, cân đo, đong đếm được. Phần hồn phi vật chất không thể sờ nắn, cân đo và đong đếm được như phần xác. Tuy nhiên, phần hồn mượn phần xác để biểu lộ ra bên ngoài các mức độ trạng thái đang có.

Phần xác là cơ thể hay thể chất, phần hồn là tinh thần hay tâm thần. Sức khỏe của phần hồn không kém gì sức khỏe của phần xác. Thật ra, ở góc độ nào đó, sức khỏe của phần hồn còn quan trọng hơn cả phần xác.

Chúng ta từng chứng kiến, hoặc bản thân đã trải qua các trạng thái cảm xúc trong đời người. Minh chứng rõ rệt nhất cho các trạng thái cảm xúc đó là trong khi chân tay đang múa may một cách hoạt bát, khỏe khoắn chợt bủn rủn ra vì nghe được tin dữ như người thân gặp tai nạn, chết hay đầu tư kinh doanh bị thất bại...

Theo các nhà chuyên môn, sức khỏe tâm thần là nền tảng của sự khỏe mạnh và hoạt động một cách có hiệu quả của mỗi cá nhân. Sức khỏe tâm thần không chỉ là trạng thái không có bệnh tâm thần hay các rối loạn về tâm thần mà đó còn bao gồm các khả năng như suy nghĩ, học hỏi, sáng tạo, hiểu được cảm xúc và phản ứng của người khác.

Đó còn là trạng thái cân bằng giữa bên trong cơ thể và môi trường. Các yếu tố như văn hóa, xã hội, tôn giáo, tâm lý, thể chất và nhiều yêu tố có liên quan khác đều tham gia tạo ra sự cân bằng này. Mối liên hệ giữa sức khỏe phần xác hay thể chất và phần hồn hay tâm thần là một mối quan hệ khăng khít, không thể tách rời nhau.

Vì tính chất quan trọng của sức khỏe tâm thần nên Tổ chức Y tế Thế giới chọn ngày 10/10 hằng năm là “Ngày sức khỏe tâm thần”. Qua đó, nâng cao nhận thức của mỗi người, mỗi cộng đồng và toàn xã hội về tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần. Đồng thời, thay đổi nhận thức, quan niệm và thái độ đối với những người không may mắc bệnh tâm thần.

Các hình thức rối loạn tâm thần

Theo số liệu điều tra quốc gia năm 1999 - 2000, tỉ lệ người có các vấn đề về tâm thần chiếm khoảng 15%. Tỉ lệ này cũng tương đồng với tỉ lệ chung trên phạm vi toàn cầu.

Theo thống kê của Viện Sức khỏe Tâm thần Trung ương, tỉ lệ người Việt Nam có một vấn đề tâm thần nào đó trong đời chiếm khoảng 15 - 20% dân số. Các rối loạn tâm thần hay bệnh tâm thần nói chung có rất nhiều loại.

Sau đây, trong phạm vi bài viết, chỉ xin liệt kê 10 hình thái bệnh lý tâm thần thường gặp nhất: Tâm thần phân liệt; Trầm cảm; Rối loạn lưỡng cực; Bệnh Alzheimer; Chứng chán ăn tâm thần; Ám ảnh cưỡng chế; Rối loạn ám sợ; Lo âu lan tỏa; Rối loạn tâm thần do rượu hay ma túy; Chậm phát triển trí tuệ.

Các nguyên nhân gây ra những vấn đề về tâm thần thường gặp bao gồm: Các bệnh lý ở não như viêm não, viêm màng não, u não, áp xe não, tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não, nhiễm độc thần kinh (do rượu, do thuốc và độc chất), do các bệnh lý khác gây tác động lên não như nhược giáp, cường giáp, suy thận mạn tính..., do cấu tạo thể chất bất thường và phát triển tâm thần bệnh lý hoặc do nội sinh mà không tìm thấy bất kỳ một nguyên nhân nào.

Điều đáng nói trong số các nguyên nhân gây bệnh lý tâm thần có thể cải thiện và phòng tránh được là yếu tố tâm lý của người bệnh từ áp lực lao động, học tập, thi cử, kinh doanh và thậm chí là nỗi sợ hãi, lo lắng về bệnh tật hay dịch bệnh.

Sức khỏe tâm thần trong dịch Covid-19

Tham gia hoạt động xã hội cũng tăng sức khỏe tâm thần trong đại dịch. Ảnh: ITN.

Đại dịch Covid-19 đã gây ra khủng hoảng tinh thần của nhiều người. Chính vì lẽ đó, tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe tâm thần trong cơn đại dịch Covid-19 được nhiều quốc gia đặc biệt quan tâm. Ngày 14/5/2020, Bộ Y tế đã ban hành tài liệu “Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe tâm thần trong dịch Covid-19” (Quyết định số 2057/QĐ-BYT). Hướng dẫn nêu ra 3 chủ điểm, gồm:

- Các khuyến nghị phòng chống sang chấn tâm lý trong dịch Covid-19.

- Phát hiện và xử lý một số rồi loạn tâm thần chủ yếu ở người nghi ngờ mắc Covid-19.

- Quản lý và điều trị bệnh tâm thần.

Theo chuyên gia tâm thần học PGS.TS Bùi Quang Huy thì dịch Covid-19 đã tác động đến sức khỏe tâm thần của nhiều người theo hai phương thức là tác động trực tiếp và tác đông gián tiếp.

- Tác động trực tiếp: Bệnh dịch tác động lên toàn xã hội, đặc biệt là người dân ở vùng có dịch, vùng bị giãn cách hay phong tỏa, người bị cách ly tại các khu cách ly hay tại ngay các hộ gia đình. Nguyên tắc của sự tác động này là người nào càng gần nguồn lây càng bị ảnh hưởng nặng nề hơn.

- Tác động gián tiếp: Khi dịch xảy ra, việc đi lại khó khăn, công việc làm bị giảm thiểu, thu nhập thấp, thất nghiệp. Kinh tế xã hội, gia đình và cá nhân suy giảm một cách nghiêm trọng. Điều đó tạo ra sự lo âu, căng thẳng vượt quá lằn ranh chịu đựng của cá nhân tạo ra các rối loạn tâm lý và tâm thần.

Dù chịu sự tác động trực tiếp, gián tiếp hay cả hai, các rối loạn tâm thần do dịch Covid-19 gây ra gặp ở hai hình thái đáng lưu ý sau đây: Trầm cảm và lo âu lan tỏa.

- Trầm cảm: Người bệnh đột nhiên mất hết tất cả sự hứng thú và sở thích cá nhân, than phiền mệt mỏi, mất năng lượng, mất nhuệ khí, vẻ mặt luôn cau có và u sầu. Ăn uống mất ngon, cân nặng giảm sút, mất ngủ, chán nản âu lo về bệnh tật, bi quan về đại dịch Covid-19, mất niềm tin vào cuộc sống.

Các hoạt động cá nhân trở nên chậm chạp, phát sinh những suy nghĩ tiêu cực về ngày mai và tương lai u ám, số phận bi thương, tuyệt vọng và sẽ chết... Các trường hợp trầm cảm nặng còn mong muốn được chết hoặc có ý đồ và hành vi tự sát.

- Lo âu lan tỏa: Người bị rối loạn tâm thần dạng này có sự lo âu quá mức, khó có thể kiểm soát. Trong đầu luôn luôn vang lên những con số liên quan đến Covid-19: Bao nhiêu người đã nhiễm, bao nhiêu vùng đã bị phong tỏa, bao nhiêu người đã chết và khi nào thì dịch Covi-19 sẽ đi qua.

Mặc dù bản thân người bệnh còn đủ tỉnh táo hiểu rằng sự lo lắng đó là thái quá, là vô lý quá. Tuy nhiên, họ lại bất lực trong việc kiểm soát chúng. Điều đó đã nhuộm đen dần bức tranh hồng của cuộc sống.

Ngoài ra, dịch Covid-19 còn gây ra những thương tổn về mặt tâm thần khác như stress, nhức đầu, suy nhược thần kinh và rối loạn giấc ngủ.

Một số cách nâng cao sức khỏe tâm thần

Nhìn chung, đối với hầu hết mọi người, trong lúc dịch đang diễn ra thì các cảm giác như lo lắng, căng thẳng là điều hết sức bình thường. Tuy nhiên, đó không phải là các cảm giác thường trực. Một tinh thần lạc quan, một thái độ tích cực, biết cách biến thời gian nhàn rỗi do giãn cách, do cách ly thành cơ hội để thực hiện những “dự án” cá nhân mà trước đó còn ấp ủ do thiếu thời gian thực hiện.

Đó có thể là chăm sóc vườn cây, tự làm một số vật dụng gia đình, đồ chơi cho trẻ em, viết hồi ký, sửa lại các trang bản thảo, tập hát, tập đàn, đọc sách, xem phim, gọi điện thăm hỏi bà con và những người quen thân...

Những người có tạng thần kinh yếu hãy điện hỏi những người có tạng thần kinh mạnh sẽ nhận được từ họ những lời khuyên và sự chia sẻ nguồn năng lượng sống mạnh mẽ, niềm lạc quan vô bờ.

Trong thời đại kỹ thuật số thì việc kết nối nhau trong một thế giới ảo sẽ có những tác động tích cực, thậm chí cả ở những người không quen biết. Nhờ đó tạo nên sự cảm thông, chia sẻ, chống lại cảm giác cô độc đang vây bủa.

Cần nghĩ ra cách thực hiện các hoạt động mang tính rèn luyện thân thể trong một không gian giới hạn như tập thể dục, yoga, ngồi thiền, chạy tại chỗ, múa võ và thậm chí là chỉ múa may chân tay cho khí huyết được lưu thông cũng là những hoạt động mang tính tích cực hơn ngồi chống cằm than vãn...

Trong dịch Covid-19, không những tự bảo vệ mình, bảo vệ gia đình mình mà còn quan tâm bảo vệ cộng đồng, xã hội. Sự quan tâm, niềm cảm thông và chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn hơn qua các hoạt động quyên góp, ủng hộ, cung cấp thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết cho đời sống, chắc chắn sẽ mang lại niềm vui và sức khỏe tâm thần cho những ai giàu lòng nhân ái.