Cháo lòng, bánh ướt vị quê... ship hàng nóng đúng bữa

Bánh ướt, cháo lòng - "thèm" là có

“Bánh ướt 25.000 đồng/phần, ship từ 2 phần, phí ship 5.000-10.000 đồng tại khu vực quận Phú Nhuận”.

“Thứ hai, ngày 2/8. Nhắn tin chốt đơn sáng thứ tư (4/8) bên em sẽ giao hàng cho quý khách. Hôm nay nhà em có 3 món: hủ tiếu xương (giò heo): 35.000 đồng/tô; bánh canh xương (giò heo): 35.000 đồng/tô; nui xương (giò heo): 35.000 đồng/tô,... Khung giờ giao hàng từ 6h đến 7h”.

Đây chỉ là hai trong số hàng vạn thông tin rao vặt được đăng tải trong thời gian gần đây trên các trang mạng xã hội tại TP.HCM. Giãn cách theo Chỉ thị 16 không đồng nghĩa với nhu cầu về thưởng thức ẩm thực của người dân giảm đi, trái lại, thời gian rỗi ở nhà khiến nhiều người có xu hướng “thèm” các món ăn vặt nhiều hơn. Hiểu được tâm lý này, nhiều quán ăn ẩm thực tại nhà và bán online đã nhanh chóng xuất hiện để kịp thời phục vụ thực khách.

Bán bún bò online

Quốc Đô (quận Phú Nhuận) cho biết, việc bán cháo lòng tại nhà những ngày này diễn ra thuận lợi. Khách gọi điện thoại đặt hàng trước một ngày, sau đó chủ quán dựa trên số lượng đơn hàng đã chốt mới tính toán khối lượng nguyên liệu cần mua để nấu ra lượng thành phẩm (tô cháo) tương ứng của ngày hôm sau.

“Tôi giao cháo từ 7-9h sáng hàng ngày cho khách. Giá 30.000 đồng/tô và chủ yếu ship trên địa bàn quận. Vì nấu nguyên liệu trong ngày nên đảm bảo tô cháo nóng hổi, ngon đến với khách hàng”, Đô nói.

Chị Hồ Xuân (quận Tân Phú) lại đắt khách với món pate heo tự làm, ngày nào bán hết ngày đó với mức giá 80.000 đồng/hộp pate/500 gram.

Theo chị Xuân, để có pate ngon cho khách và bảo quản được lâu, chị sẽ chốt đơn hàng để đặt thịt nguyên liệu về trước 13h hàng ngày, đến 16h thành phẩm ra lò là có thể vận chuyển hàng đến tận nơi.

“Tủ đá thì trữ được 20 ngày. Tủ mát thì trữ được tầm 10 ngày. Khách đặt pate khen quá trời. Lượng khách sỉ quen đặt nhiều và ổn định trong khi khách mua lẻ của nhà tôi thì rải rác”, chị Xuân chia sẻ.

Chả lụa nhà làm trước khi giao hàng

Một người chuyên bán trứng lộn tại khu vực quận Bình Thạnh thông tin, mỗi ngày có thể bán từ 180-200 quả trứng phục vụ nhu cầu ăn tại nhà của người dân. Người bán hàng này nhà cho biết, điều quan trọng là mức giá hợp lý và món ăn giữ được độ ngon như thưởng thức tại quán khi đến tay khách hàng.

Thời điểm hiện tại, việc mua thực phẩm nguyên liệu gặp một số khó khăn nhất định thì không phải ai cũng có thể kinh doanh thành công đồ ăn tự làm.

Bên cạnh đó, do sợ khách hàng chờ đợi lâu và tránh rủi ro nên nhiều chủ quán chỉ chấp nhận đơn hàng tại cùng địa bàn quận - huyện, không muốn làm khó đội ngũ shipper khi phải giao hàng xa, liên quận. Chưa kể tình huống, khách đặt hàng có thể đang ở trong những khu vực phong tỏa, bị kiểm soát chặt ra vào.

Sống đơn giản cho đời thanh thản

Nguyễn Hương (quận Phú Nhuận) lý giải, lúc rảnh rỗi khi làm việc ở nhà, nhiều phụ nữ thường tự tay làm các món ăn yêu thích. Tuy nhiên, do việc đi chợ mua nguyên liệu gặp khó khăn, phiếu đi chợ chia theo ngày trong thời gian áp dụng giãn cách xã hội nên họ có xu hướng tìm kiếm các món ăn trên mạng để đặt cho thuận tiện.

“Các quán ăn tại TP.HCM đều đã đóng cửa trong một thời gian dài do đó nhiều người có cảm giác thèm đồ ăn vặt cũng như nhớ hương vị các món ăn đường phố”, Hương nói.

Các món ăn Kỳ Hoa (TP. Thủ Đức) tự làm trong thời gian giãn cách

Dẫu vậy, Hương cũng không quá cầu kỳ về chuyện ăn uống trong giai đoạn này. Với tâm lý ngại tiếp xúc người lạ nên cô sẽ cân nhắc kỹ trước khi đặt các món ăn yêu thích.

Đồng quan điểm, Kỳ Hoa (TP. Thủ Đức) vốn là một tín đồ ăn vặt, song, nhân viên văn phòng này cho rằng, khi thành phố đang áp dụng Chỉ thị 16 siết chặt, nên để lực lượng shipper tập trung công việc vận chuyển hàng hóa, thực phẩm thiết yếu phục vụ người dân, nếu không có thể sẽ dẫn đến tình trạng quá tải.

Để hạn chế “cơn thèm” đồ ăn vặt, Hoa tìm cách chế biến những món ăn mình thích dựa trên nguyên liệu có sẵn trong nhà. Ví dụ: bánh rán làm từ bột và đậu xanh; khoai chiên, chè khoai làm từ khoai; bánh bông lan làm bằng nồi cơm điện từ nguyên liệu trứng và bột...

Theo Hoa, lúc này tư duy sẽ quay về chuyện ăn no chứ không phải ăn ngon. Bên cạnh đó, mỗi người cần phải thích nghi để sinh hoạt được tiện lợi nhất trong mùa dịch.

“Nếu ai giờ cũng loay hoay với chuyện ăn uống chắc dễ bị stress lắm. Tôi thấy nên đơn giản hóa mọi thứ, sống đơn giản cho đời thanh thản”, Hoa tâm sự.

Quảng Định