'Chị chị em em 2' - Minh Hằng tỏa sáng, Ngọc Trinh thảm họa

Genre: Hài, tâm lý
Director: Vũ Ngọc Đãng
Cast: Minh Hằng, Ngọc Trinh, Lê Giang
Rating: 6/10

Hình ảnh trong phim Chị chị em em 2.

(*) Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim

Năm 2019, điện ảnh Việt có thêm một nữ đạo diễn sáng giá là Kathy Uyên. Sau thời gian chuẩn bị, cô giới thiệu phim đầu tay Chị chị em em và lập tức gây được tiếng vang. Dự án quy tụ các gương mặt nổi tiếng (Thanh Hằng, Chi Pu, Lãnh Thanh), thu hơn 70 tỷ đồng phòng vé và được chiếu tại Liên hoan phim Busan 2020.

Thành tích khiến các nhà sản xuất quyết định đổ tiền thực hiện phần 2, với mong muốn tạo thành một thương hiệu ăn khách. Tuy nhiên, Chị chị em em 2 có nội dung độc lập, phong cách cũng hoàn toàn khác.

Thay đổi hướng đi

Tác phẩm do Vũ Ngọc Đãng đạo diễn. Kịch bản được anh chấp bút cùng một biên kịch trẻ tên Nhung Khìn. Bộ đôi có hướng đi táo bạo khi chọn bối cảnh Sài Gòn thập niên 1930. Theo ê-kíp, nguyên liệu được sử dụng là giai thoại về 2 mỹ nhân nổi tiếng miền Nam thời xưa: Ba Trà và Tư Nhị.

Tạo hình của Minh Hằng, Ngọc Trinh trong phim.

Ở đầu phim, Ba Trà (Minh Hằng) xuất hiện như một ngôi sao. Cô vừa đẹp "sắc nước hương trời", vừa giàu có bậc nhất lại được không ít đại gia săn đón, chiều chuộng. Đó là lý do người đời ngưỡng mộ, tôn cô làm “đệ nhất mỹ nhân” khiến bao người đẹp khác phải ganh tị.

Trái ngược với một Ba Trà đang ở đỉnh cao danh vọng là Nhi (Ngọc Trinh) đang ở tận đáy vũng bùn. Vì thiếu tiền, nhân vật chấp nhận bán mình và trở thành gái làng chơi. Cô không còn được tự quyết định số phận mà trở thành quân cờ trong tay người khác, hàng ngày mua vui cho đàn ông để tồn tại.

Một lần, Nhi tình cờ gặp được Ba Trà trên đường. Vì quá mê mẩn hào quang của người đẹp, nhân vật nảy sinh tham vọng, khao khát được nổi tiếng và giàu có như Ba Trà. Kể từ đó, chuyện phim xoay quanh những âm mưu, toan tính của Nhi, hành trình “lột xác” từ gái làng chơi vươn lên chiếm đoạt ngôi vị mỹ nhân đệ nhất.

Về cơ bản, giữa hai phần phim Chị chị em em có sự khác biệt rõ rệt. Phần đầu thuộc dòng giật gân (thriller), mang màu sắc u ám, bí ẩn. Đến phần 2, ê-kíp chuyển hướng sang thể loại hài hước (comedy), tông màu tươi sáng để phù hợp với thời điểm phát hành là dịp Tết Nguyên đán.

Phim có sự chuyển hướng, chọn màu sắc hài hước và tươi sáng hơn phần đầu.

Điểm kết nối các phần phim là cách xây dựng tuyến nhân vật chính. Biên kịch luôn đặt 2 phụ nữ ở trung tâm, liên tục cài cắm tình tiết tạo kịch tính, dàn xếp những màn đấu đá nhằm tăng tính giải trí, khiến cả 2 phần đều mang hơi hướm chick flick (dòng phim dành cho phụ nữ).

Các nhân vật nam nếu có chỉ như mắt xích đẩy 2 nữ chính tiến lại gần nhau. Thậm chí, lần này Vũ Ngọc Đãng còn mạnh tay loại hẳn nam chính. Khán giả sẽ không còn tìm thấy những “chàng thơ” trong phim. Ngay cả 2 diễn viên gạo cội là NSƯT Trung Dân, NSƯT Công Ninh cũng chỉ đóng những vai nhỏ, tham gia như thể khách mời.

Kịch bản lỏng lẻo

Dù có ý tưởng thú vị, Chị chị em em 2 lại chưa thể tạo ra một câu chuyện hấp dẫn. Kịch bản vẫn đi theo lối mòn quen thuộc của phim Việt: Lạm dụng những tình huống tạo tiếng cười và xử lý chưa khéo.

Ở khoảng nửa tiếng đầu, nội dung phim chủ yếu xoay quanh nhà chứa nơi Nhi làm việc. Cuộc sống của gái làng chơi được khắc họa qua lăng kính dí dỏm. Song, những tình huống gây cười còn cũ kỹ, lời thoại chưa đủ sâu cay. Các nhân vật đối đáp quá nhiều, khiến tác phẩm tạo cảm giác như một vở kịch sân khấu được dựng lên màn bạc.

Nhiều tình tiết trong phim còn tạo cảm giác của kịch hơn là điện ảnh.

Cách khai thác nhân vật cũng hời hợt. Ba Trà có sắc vóc và tiền bạc nhưng thiếu sự thông minh, liên tục để cho gái làng chơi qua mặt nhiều lần. Trong khi đó, kế hoạch của Nhi lại đơn giản, gần như ai cũng có thể nghĩ được. Biên kịch quá ưu ái gái làng chơi mà hạ bệ “đệ nhất mỹ nhân”, khiến 2 nhân vật chưa thực sự ở thế ngang bằng. Độ kịch tính vì thế cũng có phần giảm sút.

Nhiều tình tiết được sắp đặt một cách lộ liễu. Đơn cử như việc Nhi dễ dàng lẻn vào dinh thự Ba Trà mà không bị ai phát hiện. Hay việc gái làng chơi dễ dàng và nhanh chóng mua chuộc 2 binh lính, khiến họ quyết định bỏ trốn. Ngay cả các cú “twist” ở cuối phim cũng không bất ngờ mà còn mang tính khiên cưỡng.

Bù lại, các nhà làm phim đầu tư mạnh vào phần nhìn. Từ trang phục, đạo cụ cho đến bối cảnh đều được chăm chút, cho thấy đây không phải là dự án được làm qua loa. Nhiều ý kiến khán giả cho rằng phim chưa tái hiện đúng không khí Sài Gòn thập niên 1930. Song, với một tác phẩm giải trí ngày Tết thì mọi thứ vẫn ở mức chấp nhận được.

Minh Hằng lấn át Ngọc Trinh

Về diễn xuất, hai nữ chính Minh Hằng – Ngọc Trinh có sự chênh lệch rõ rệt. Ngọc Trinh vẫn trung thành với lối xử lý nhân vật không đặt nặng kỹ thuật. Tuy nhiên, cô chưa đóng tròn vai dù kịch bản ưu ái nhân vật. Gương mặt Ngọc Trinh còn thiếu sự đa dạng trong nét diễn. Nữ diễn viên không đủ ngây thơ để tạo sự thương cảm, cũng không đủ nham hiểm để gây sợ hay khiến khán giả phải rùng mình.

So với Ngọc Trinh, Minh Hằng ít đất diễn hơn nhưng vẫn tỏa sáng trong vai Ba Trà. Ngay từ những cảnh đầu tiên, cô thực sự trở thành một phụ nữ sang trọng, quyền lực. Từ lời nói đến cử chỉ đều toát lên khí chất thượng lưu, khiến người khác phải nể phục.

Khi đứng chung khung hình, Minh Hằng càng chứng tỏ bản lĩnh lẫn kinh nghiệm diễn xuất. Cô hoàn toàn lấn át Ngọc Trinh, thu hút sự chú ý bằng lối diễn dung hòa giữa sự tự nhiên và kỹ thuật.

Minh Hằng chứng tỏ được bản lĩnh diễn xuất và có phần lấn át bạn diễn Ngọc Trinh.

Ngoài Minh Hằng – Ngọc Trinh, dự án còn quy tụ các gương mặt quen thuộc như Lê Giang, Thanh Hằng, Cao Thiên Trang, Lê Trang… Song, các diễn viên chủ yếu tham gia để tạo tiếng cười, không để lại nhiều ấn tượng.

Theo nhà sản xuất, thương hiệu Chị chị em em chưa dừng lại ở phần 2 mà còn có thể được phát triển tiếp phần 3. Mỗi phần do một đạo diễn thực hiện, nội dung tách biệt và không liên quan đến nhau, với mô-típ 2 nữ chính đối đầu vẫn là điểm chung. Đáng tiếc, Chị chị em em 2 chưa thể xây dựng niềm tin cho thương hiệu, thậm chí còn là một bước hụt nếu so với phần đầu.

Ra rạp vào dịp Tết Nguyên đán, tác phẩm cạnh tranh trực tiếp với Nhà bà Nữ do Trấn Thành đạo diễn. 2 năm trước, Vũ Ngọc Đãng và Trấn Thành từng là bộ đôi làm nên thành công của Bố già (2021) – hiện là phim Việt ăn khách nhất mọi thời với tổng doanh thu hơn 420 tỷ đồng.

Lần này, Vũ Ngọc Đãng cho thấy sự xuống tay. Dù kinh nghiệm đến mấy, anh cũng không thể cứu được một kịch bản lỏng lẻo, nhiều điểm trừ. Tác phẩm chỉ dừng ở mức xem cho vui ngày Tết, sau khi xem xong thì rất dễ quên.

Sơn Phước