Chung tay hướng về y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch

TP.HCM đã có hơn 30.000 ca bệnh COVID-19 và hơn 20 cơ sở dã chiến, bệnh viện (BV) chuyển đổi công năng để chuyên điều trị bệnh nhân. Lãnh đạo TP.HCM cùng Bộ Y tế, ngành y tế TP đang nỗ lực điều động nhân sự, trang thiết bị phòng hộ, chăm lo sức khỏe, đời sống cho nhân viên y tế và người bệnh. Tuy nhiên, với tình hình ca bệnh tăng nhanh, các BV được phân công phụ trách cơ sở dã chiến và BV điều trị COVID-19 cũng chủ động trang bị dụng cụ phòng hộ cho nhân viên để yên tâm chăm sóc bệnh nhân.

Nỗi lo thiếu thiết bị phòng hộ và vật tư y tế

BS Lê Thị Tuyết Phượng, BV Nhân dân 115, cho biết hiện BV đang trực tiếp phụ trách điều trị hơn 40 giường hồi sức, 300 giường nặng và vừa ở BV hồi sức COVID-19 quy mô 1.000 giường. Bên cạnh đó, BV cũng tham gia điều trị, hỗ trợ nhân lực tại BV điều trị COVID-19 huyện Bình Chánh, BV dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 1, BV điều trị COVID-19 Cần Giờ, khu cách ly tập trung tại ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM…

Công tác trong điều kiện phơi nhiễm dịch bệnh và bệnh nhân nặng nhiều, nỗi lo lắng nhất của các y, bác sĩ là thiếu trang thiết bị phòng hộ và vật tư y tế. Mới đây, BV hồi sức COVID-19 đưa vào hoạt động, trang thiết bị vẫn còn thiếu nhiều.

Theo BS Phượng, để kịp thời trang bị cho đồng nghiệp tham gia công tác phòng chống dich, nhân viên y tế của BV đã tự đóng góp với nhau và huy động bạn bè để mua máy thử đường huyết, que thử đường huyết, đồ bảo hộ, khẩu trang N95... cho các đồng nghiệp đi chi viện.

BS Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc BV Ung bướu kiêm Phó Giám đốc BV hồi sức COVID-19, cho biết BV đã tiếp nhận hơn 200 ca bệnh nhân nặng và nguy kịch. BS Tuấn cho biết thường xuyên tiếp cận bệnh nhân trong môi trường hồi sức, nhân viên y tế rất dễ bị lây nhiễm COVID-19, phải trang bị các dụng cụ bảo hộ tốt nhất giúp họ an tâm làm việc. Với tình hình ca bệnh tăng càng nhiều và nhập viện cùng một lúc, BV mới thành lập chưa thể huy động nguồn lực máy móc kịp thời, sự hỗ trợ phương tiện, máy móc của cộng đồng rất đáng quý.

Tại BV dã chiến thu dung số 4 (huyện Bình Chánh) do BV Nhi đồng TP phụ trách, BS Tống Hồ Tứ Phương cho biết từ những ngày đầu thành lập, cơ sở dã chiến gặp rất nhiều khó khăn. Lực lượng y tế khá mỏng khi chỉ có hai bác sĩ và bốn điều dưỡng theo dõi 200 bệnh nhân. Bệnh nhân được chuyển vào liên tục, đặc biệt là buổi tối, 20, 21 giờ nhận bệnh và thăm khám sức khỏe, phân loại, chuyển viện đến 2, 3 giờ sáng là bình thường có khi đến 4, 5 giờ. Trong khi đó, máy đo nồng độ ôxy trong máu cho bệnh nhân SpO2 còn hạn chế, do đó ban giám đốc BV đã chủ động tăng cường máy SpO2 và hiện đã chăm sóc bệnh nhân được tốt hơn.

BS Phương chia sẻ các nhân viên và đội hỗ trợ đều rất vui khi nhận được sự quan tâm hỗ trợ trang thiết bị như máy SpO2, bổ sung bữa ăn dinh dưỡng khi là sữa chua, nước trái cây... của các đơn vị, nhóm tình nguyện.

Chương trình thiện nguyện Vòng tay Việt trao phần ăn dinh dưỡng cho BV điều trị COVID-19 Củ Chi. Ảnh: H.LAN

Sẵn sàng “đỏ lửa” đ cung cấp suất ăn cho tuyến đầu

Một trong những đơn vị tích cực hỗ trợ cho các BV tuyến đầu, chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, Hội trưởng Hội quán Các bà mẹ, cho biết hiện có nhiều nhóm bếp hằng ngày hỗ trợ cả ngàn suất ăn cho các BV dã chiến như bếp của chị Khánh, cô Tư, bếp của cô Quỳnh Chi, bếp của chị Trang Tara, bếp của chị Đan Hà, bếp của chị Kiều Hương, bếp Bông Súng...

Ngoài hỗ trợ suất ăn, các mẹ, các chị còn tự tay nấu những phần nước như cà phê đen, cà phê sữa, trà sữa, trà thảo mộc, nước ép trái cây... đem gửi cho lực lượng tuyến đầu và bệnh nhân, đến nay đã cung cấp 30.000 chai thức uống.

Chị Thúy cho biết vừa kêu gọi hỗ trợ nệm, tủ lạnh lưu thuốc, máy SpO2, xe đạp để hỗ trợ cho các y, bác sĩ ở BV dã chiến số 4 di chuyển qua các block tòa nhà nhanh hơn. Dự kiến tình hình dịch kéo dài, hội quán đã chủ động lắp các máy lọc nước cho các BV, trước mắt vừa lắp được chín máy lọc nước cho ba BV dã chiến 4, số 7 và BV Quân dân y miền Đông... Ngoài ra, hội quán còn là cầu nối chuyển các trang thiết bị y tế như đồ bảo hộ, khẩu trang N95, máy SpO2 từ các mạnh thường quân tiếp sức BV chống dịch.

Chị Thúy nhận thấy các hoạt động ủng hộ cần cố gắng tập trung cho các đầu mối, tránh chuyển lắt nhắt đến cho BV vì nhân sự hiện đang quá tải.

Từ ngày 16-7, chiến dịch thiện nguyện Vòng tay Việt do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao khởi xướng cung cấp mỗi ngày hơn 23.000 phần ăn bổ sung dưỡng chất cho các bệnh nhân, nhân viên điều trị và nhân viên phục vụ tại chín BV dã chiến thu dung trên địa bàn ở Củ Chi, Cần Giờ, Bình Chánh, Thuận Kiều, Thủ Thiêm, Huflit…

Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, chủ trì chương trình, đây là chương trình mới được lãnh đạo TP gợi ý Vòng tay Việt thực hiện, phối hợp với Thành đoàn TP.HCM với sự bảo trợ của Ủy ban MTTQ TP.HCM.

Bà Hạnh cho hay ngân sách thực hiện những bữa ăn phụ nghĩa tình đến từ các nhà tài trợ, có những nơi vừa bán hàng vừa làm từ thiện.

Trước đó, từ đầu tháng 6 khi TP thực hiện Chỉ thị 15, Vòng tay Việt cũng được đề nghị của Sở Y tế chăm lo giúp suất ăn bổ sung đêm cho các đội ngũ trung tâm y tế quận và các đội lấy mẫu. Trước đó nữa, một nhánh của Vòng tay Việt đã phối hợp với các hội tổ chức chuỗi siêu thị mini 0 đồng để giúp đỡ bà con nghèo.

GIA NGHI