Có nên không bắt buộc trang bị ghế trẻ em trên taxi?

An toàn nhưng khó khả thi

Đặt vấn đề trước Quốc hội Singapore, Nghị sĩ Louis Ng nêu câu hỏi tại sao luật quy định phương tiện cá nhân phải trang bị ghế an toàn cho trẻ em cao dưới 1,35m trong khi taxi lại được miễn?

"Bạn có thể phải ngồi tù nếu để con ngồi trên phương tiện cá nhân không có ghế trẻ em nhưng thật kỳ lạ là cùng một chiếc xe đó, kiểu xe đó có gắn thêm mào taxi, quy định an toàn cho trẻ em lại không được áp dụng." - Ông Louis Ng nói.

Trả lời chất vấn của ông Ng, ông Baey Yam Keng, Thư ký cấp cao về Giao thông vận tải của Quốc hội cho rằng, việc bắt buộc trang bị ghế trẻ em trên xe taxi có thể khiến các gia đình đông người phải gọi thêm một chiếc taxi khác. "Nếu được áp dụng, quy định này sẽ khiến những gia đình đông con nhỏ không vui vẻ vì có thể một chiếc taxi sẽ không đủ ghế an toàn cho tất cả trẻ nhỏ. Do đó, họ sẽ phải gọi một thêm chiếc taxi khác hoặc một xe cỡ lớn hơn. Điều đó đồng nghĩa gia đình sẽ phải chịu chi phí cao hơn. Tôi nghĩ điều đó không hợp lý trong tình hình kinh tế hiện nay."

Ông Baey dẫn chứng về chương trình thử nghiệm kéo dài 6 tháng do SMRT khởi động vào tháng 3 năm ngoái nhằm trang bị cho đội xe 2.800 taxi của hãng ghế trẻ em. Chương trình sau đó đã được kéo dài đến tháng 12/2020, với 1.750 xe taxi được trang bị ghế trẻ em. Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng những ghế này rất thấp vì có rất ít hành khách yêu cầu.

Đồng tình với quan điểm này, Cục Giao thông Đường bộ (LTA) Singapore cho biết, taxi được miễn quy định này vì tính chất được khách gọi ngẫu nhiên trên đường phố. "Sẽ rất bất hợp lý nếu yêu cầu tài xế taxi luôn trang bị ghế trẻ em, hoặc từ chối hành khách có trẻ sơ sinh và con nhỏ. Tính chất của taxi là vẫy và đi. Sự nhanh chóng, thuận tiện của taxi sẽ bị giảm đi nếu tài xế taxi mất thời gian để lắp đặt ghế trẻ em suốt chặng đường." - Đại diện LTA cho hay.

Ông Baey cho biết thêm, điều quan trọng nhất là phải cân bằng tốt trong mọi chính sách. Chính phủ đã đưa ra quan điểm sau khi tham khảo nhiều ý kiến của các bên liên quan khác nhau, bao gồm cả tài xế taxi. Các công ty kinh doanh taxi đã chỉ rõ những hạn chế nếu taxi áp dụng quy định này, chẳng hạn như phải đáp ứng yêu cầu về kích thước cốp cho hành lý hoặc những thứ mà hành khách mang theo. Hơn nữa, việc lắp thêm ghế trẻ em có thể gây trở ngại vì các mẫu xe hybrid mới đang có xu hướng cốp nhỏ hơn. Mặc dù trên thị trường hiện nay có nhiều ghế trẻ em nhỏ gọn hơn nhưng taxi được trang bị đầy đủ các loại ghế trẻ em là không khả thi.

Mặc dù vậy, ông Baey gợi ý phụ huynh có thể lựa chọn thuê xe cá nhân, loại hình không được miễn quy định vì hành khách có thể đặt trước ghế trẻ em bằng cách trả thêm phụ phí. Ông cũng khẳng định Bộ GTVT sẽ tiếp tục theo dõi tình hình để điều chỉnh luật phù hợp. "An toàn là quan trọng nhưng chúng tôi cũng cần phải xem xét các tác động khác, đặc biệt là khi nó ảnh hưởng đến kế sinh nhai của người dân."

ATGT cho trẻ em chưa được coi trọng

Một nghiên cứu được công bố tên tạp chí Elsevier’s Accident Analysis and Prevention của Bệnh viện KK Women's and Children's (KKH) vào năm 2016 cho thấy, 1/2 số trẻ em ngồi trên ô tô không có ghế trẻ em hoặc không được cố định đúng cách. Con số này thậm chí còn cao hơn đối với trẻ sơ sinh, khi có tới 3/5 số trẻ dưới 2 tuổi không được bảo hộ khi va chạm xe xảy ra.

Kết quả trên có được sau khi phân tích các thương tật liên quan đến giao thông đường bộ ở trẻ sơ sinh và trẻ em ở Singapore từ tháng 1/2012 đến tháng 4/2016.Nghiên cứu bao gồm 2.468 trẻ em dưới 16 tuổi được đưa đến khoa cấp cứu tai nạn của Bệnh viện Đại học Quốc gia và KKH trong vòng 24h sau chấn thương do tai nạn giao thông đường bộ. Các trường hợp gồm trẻ sơ sinh và trẻ em ngồi trên ô tô trong tai nạn, đi bộ, đi xe đạp hoặc xe máy có liên quan đến một vụ va chạm ô tô. Trong số những trẻ em ngồi trong ô tô, có đến 51,1% không được giữ cố định tại thời điểm xảy ra tai nạn. Con số này lên tới 65,7% ở trẻ em dưới 1 tuổi và 61,5% ở trẻ từ 1-2 tuổi.

Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Chong Shu-Ling cho biết so với các nước tiên tiến khác, ý thức sử dụng ghế trẻ em trên ô tô ở Singapore còn rất hạn chế. Đáng lo ngại hơn nữa là việc coi thường này đã bắt đầu từ giai đoạn sơ sinh của trẻ nhỏ.

Gần 1/4 trong số trẻ em thuộc nghiên cứu (24%) phải nhập viện. Trong đó, 67% bị chấn thương mô mềm và 5,4% được đưa đến bệnh viện trong tình trạng nguy kịch cần hồi sức tim phổi hoặc phẫu thuật. 06 đứa trẻ đã chết và 51 trẻ được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt.

Một nghiên cứu khác trước đó của KKH đã cho thấy, tai nạn xe cộ và xe đạp là nguyên nhân hàng đầu gây chấn thương nặng ở đầu trẻ em dẫn đến tử vong, suy giảm thần kinh và thể chất hoặc chất lượng cuộc sống kém.

Tiến sĩ Chong nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ các biện pháp an toàn giao thông cho trẻ em và mong các bậc phụ huynh nhận thức rõ hơn về nguy cơ thương tích đối với trẻ em khi các biện pháp an toàn như ghế trẻ em bị bỏ qua.

Minh Phương (Theo CNA)