COVID-19 tại ASEAN hết 26/8: Ca mắc mới ở Malaysia cao kỷ lục; Lào tăng cường chống dịch bệnh

Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân ở Bangkok, Thái Lan, ngày 23/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trong ngày 26/8, quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc nhất tiếp tục là Malaysia với 24.599 ca. Tổng số ca mắc tại quốc gia này đã là 1.640.843 ca.

Đứng số 2 ASEAN về ca mắc hàng ngày là Thái Lan với 18.501 ca. Tới nay, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 1.120.869 ca mắc COVID-19. Số ca mắc ở Thái Lan đang có xu hướng giảm dần sau khi đã qua đỉnh.

Indonesia đứng thứ 3 ASEAN về ca mắc trong ngày 26/8 với 16.889 ca, nâng tổng số ca từ đầu dịch lên 4.043.736 ca.

Tiếp đó là Philippines với 16.313 ca mắc, Việt Nam với 11.575 ca, Campuchia với 423 ca, Timor-Leste với 307 ca, Lào với 195 ca, Singapore với 116 ca và Brunei với 106 ca.

Về số ca tử vong, có 8 quốc gia ghi nhận ca tử vong mới: Indonesia (889 ca), Malaysia (393 ca), Philippines (236 ca), Thái Lan (229 ca), Campuchia (6 ca), Lào (1 ca) và Brunei (1 ca).

Malaysia ghi nhận kỷ lục mới về số ca mắc nhiễm trên toàn quốc

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Selangor, Malaysia,, ngày 14/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trong ngày 26/8, Malaysia ghi nhận kỷ lục mới về số ca mắc COVID-19 trên toàn quốc.

Cụ thể, theo Bộ Y tế Malaysia, bộ này đã ghi nhận 24.599 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này, đưa tổng số ca mắc tới nay ở Malaysia là 1.640.843 ca.

Nguyên nhân là do tình hình dịch bệnh bên ngoài Thung lũng Klang (gồm thủ đô Kuala Lumpur, bang Selangor và một phần của bang Nigeri Sembilan). Ba bang ghi nhận kỉ lục mới về số ca mắc COVID-19 là Sabah với 3.487 ca, Johor với 2.785 ca và Penang với 2.078 ca, trong đó bang Johor lần đầu vượt ngưỡng 2.000 ca/ngày, còn bang Penang lần thứ 2 vượt ngưỡng này.

Cùng ngày, Bộ Y tế Malaysia cho biết việc tiêm mũi vaccine thứ 3 (mũi tăng cường) cho những người đã hoàn thành tiêm chủng ngừa bệnh COVID-19 không có tác dụng kiểm soát sự lây lan của biến thể Delta nếu toàn bộ người dân chưa tiêm chủng đầy đủ. Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh dư luận Malaysia đang quan tâm tới vấn đề khi nào tiêm mũi tăng cường cho những người đã hoàn thành tiêm chủng.

Trong một phát biểu, Tổng Thư ký Bộ Y tế Malaysia Noor Hisham Abdullah nêu rõ thay vì bàn tới việc tiêm mũi tăng cường cho những người đã hoàn thành tiêm chủng, thì nên tập trung vào việc tiêm chủng đầy đủ cho tất cả người dân. Ông cho biết tới khi hoàn tất tiêm chủng đầy đủ cho toàn dân thì việc bàn về tiêm mũi vaccine tăng cường cũng chưa muộn.

Theo ông Noor Hisham, việc tiêm mũi vaccine tăng cường cho những người đã hoàn thành tiêm chủng COVID-19 không có tác dụng kiểm soát sự lây lan của biến thể Delta. Tuy nhiên, để có thể kiềm chế sự lây lan của biến thể Delta thì những người chưa tiêm chủng cần được tiêm chủng đầy đủ bởi vì trước khi tất cả mọi người được an toàn thì mỗi người đều phải được an toàn.

Tính đến hết ngày 25/8, Malaysia đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 cho 18.792.979 người (tương đương 57,5% dân số), trong đó, 13.842.928 người đã hoàn thành tiêm chủng (tương đương 42,4% dân số). Tốc độ tiêm chủng của Malaysia hiện ở mức trên 400.000 mũi/ngày.

Campuchia tìm cách khắc phục sai số trong thống kê số ca mắc theo ngày

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 19/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ Y tế Campuchia cho biết lý do khiến thống kê chính thức về số ca mắc mới COVID-19 hàng ngày ở nước này thường thấp hơn dự kiến và không tương ứng với số liệu của các tỉnh cộng lại là vì thống kê trên đã không tính đến số ca mắc mới tại các tỉnh sau 6 giờ chiều hôm trước. Bộ Y tế Campuchia đã nhận ra sai số này và đang tìm cách để đưa ra con số thống kê hàng ngày phù hợp hơn.

Ngày 26/8, Bộ Y tế Campuchia ra thông cáo xác nhận có 6 ca tử vong và 423 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, bao gồm 111 ca nhập cảnh và 312 ca lây nhiễm cộng đồng. Tính từ đầu mùa dịch đến nay, Campuchia phát hiện tổng cộng 90.958 ca mắc COVID-19, trong đó 86.993 người đã khỏi bệnh và 1.841 người tử vong.

Cũng theo bộ trên, trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 và số ca nhiễm biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 tại các tỉnh tiếp tục tăng, đặc biệt tại 8 tỉnh giáp biên giới Thái Lan, thành phố Stung Treng (tỉnh Stung Treng) tiếp tục phong tỏa cho đến hết tháng 8/2021 và tỉnh Siem Reap đã phải xác lập “Vùng Vàng đậm” để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Tối 25/8, chính quyền thủ đô Phnom Penh ra thông báo tiếp tục hạn chế các hoạt động nghề nghiệp và kinh doanh có nguy cơ làm lây nhiễm COVID-19 ở mức cao thêm 14 ngày, từ 0 giờ ngày 27/8 đến 9/9/2021. Theo đó, các trường học chưa được mở cửa trở lại, cấm tụ tập trên 15 người (trừ một số trường hợp đặc biệt), các rạp chiếu phim, bảo tàng, khu vui chơi, cơ sở mát xa, quán bar, karaoke, sòng bạc, phòng tập gym, câu lạc bộ thể thao, các cơ sở kinh doanh đồ uống có cồn tiếp tục ngừng hoạt động.

Các tỉnh của Lào tăng cường các biện pháp phòng chống dịch

Tài xế xe Tuk-Tuk đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Viêng Chăn, Lào, ngày 21/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trong bối cảnh các ca lây nhiễm cộng đồng tăng trở lại những ngày gần đây, các biện pháp phòng ngừa chặt chẽ đã được thông báo áp dụng trở lại tại một số tỉnh của Lào.

Theo đó, chính quyền tỉnh Luang Namtha vừa có công văn gửi tỉnh Bokeo về việc tạm dừng hoạt động giao thông giữa hai tỉnh này có thời hạn ít nhất cho đến ngày 8/9 tới. Quyết định này được đưa ra ngay khi lịch trình di chuyển của ca lây nhiễm cộng đồng được ghi nhận ở tỉnh Bokeo có đến tỉnh Luang Namtha và tiếp xúc với nhiều người, khiến nhà chức trách phải dồn lực truy vết để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

Ngay sau khi ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng, tỉnh Luang Prabang cũng ra thông báo không cho phép tổ chức hội họp dưới mọi hình thức trên toàn tỉnh. Một số bản của thành phố Luang Prabang cũng bị phong tỏa kể từ ngày 25/8, cấm người dân ra vào những khu vực đỏ mà không được phép; đồng thời yêu cầu cơ quan chức năng dồn toàn lực lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc những trường hợp có liên quan.

Liên quan đến tình hình dịch COVID-19 tại Lào, Bộ Y tế nước này ngày 26/8 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 195 ca mắc mới COVID-19 và 1 ca tử vong. Trong số các ca nhiễm mới có 149 ca nhập cảnh được cách ly ngay và 46 ca lây nhiễm trong nước. Các ca lây nhiễm trọng cộng đồng tiếp tục được ghi nhận rải rác ở nhiều tỉnh của Lào. Ca tử vong thứ 12 do COVID-19 ở Lào là một người đàn ông 35 tuổi trong trại giam ở tỉnh Savannakhet – nơi đang là điểm nóng của dịch COVID-19 tại nước này. Trường hợp này đã tử vong trước khi mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.

Bộ Y tế Lào đã đặt mua thêm 32 xe cứu thương chuyên dụng để phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 ở cả trung ương và các tỉnh có số ca bệnh lớn tại miền Nam nước này. Các xe cứu thương sẽ được trang bị máy soi chụp di động, thiết bị xét nghiệm nhanh, máy tạo oxy di động và các thiết bị cần thiết.

Đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào đã lên tới 14.104 ca, trong đó có 12 người tử vong.

Tỷ lệ sử dụng giường cho bệnh nhân COVID-19 ở Indonesia chỉ còn 29%

Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho một thiếu niên tại Pekanbaru, Riau, Indonesia, ngày 9/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 26/8, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết tỷ lệ sử dụng giường (BOR) tại các bệnh viện được chỉ định chữa trị bệnh nhân COVID-19 trên toàn quốc hiện chỉ còn 29%.

Phát biểu tại cuộc gặp trực tuyến với 100 nhà kinh tế Indonesia, Tổng thống Jokowi cho hay tỷ lệ BOR quốc gia ở mức 68% vào cuối tháng 12/2020, sau đó giảm xuống còn 29% vào giữa tháng 5/2021. Tuy nhiên, vào giữa tháng 7 vừa qua, các ca mắc COVID-19 tăng vọt do sự xuất hiện của biến thể Delta dễ lây lan. Ngày 18/7, tỷ lệ BOR quốc gia đã lên tới 80%, thậm chí 100% tại một số khu vực.

Theo Tổng thống Jokowi, ông thường xuyên theo dõi tỷ lệ BOR của Bệnh viện cấp cứu Wisma Atlet Kemayoran tại Jakarta với lý do đây là một chỉ báo quan trọng về tình trạng của đại dịch COVID-19. BOR của bệnh viện này giảm xuống còn 15% vào giữa tháng 5. Tuy nhiên, vào ngày 30/6 vừa qua, chỉ số này lại vọt lên 91% và nếu xu hướng tăng tiếp tục trong hai tuần nữa bệnh viện này sẽ bị quá tải.

Chính phủ Indonesia sau đó đã ban hành lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM). Hiện tỷ lệ BOR của Bệnh viện cấp cứu Wisma Atlet Kemayoran đã giảm xuống còn 12%. Tuy nhiên, Tổng thống Jokowi kêu gọi người dân tiếp tục cảnh giác trước sự lây lan của COVID-19.

Thùy Dương/Báo Tin tức