Đàn ông đẹp như hoa và cách xây dựng nhân vật đồng tính ở phim Hàn

Vào ngày 28/6, trong cuộc phỏng vấn với tờ OSEN, nữ diễn viên Kim Seo Hyung tiết lộ: “Lý do tôi chọn đóng Mine là vì bộ phim nói về cộng đồng tính dục thiểu số”.

Trong những năm gần đây, các bộ phim Hàn Quốc đang ngày càng khai thác sâu hơn về cộng đồng LGBTQ+, điển hình như bộ phim Mine đề cập tới mối tình không thành của cặp đôi đồng tính nữ, hay bộ phim Itaewon Class cho xuất hiện nhân vật chuyển giới. Phim ảnh Hàn Quốc dần thay đổi cách xây dựng, thể hiện tuyến nhân vật thuộc cộng đồng LGBTQ+.

Kim Seo Hyung nhận vai đồng tính nữ trong Mine vì muốn cổ vũ cộng đồng LGBTQ+.

Từng sử dụng LGBTQ+ để gây cười phản cảm

Trong quá khứ, nhân vật LGBTQ+ hiếm khi được đặt vào các phân đoạn quan trọng về nội dung và thường xuất hiện không quá ba tập. Hầu hết nhân vật này mang tình yêu đơn phương và đóng vai trò hỗ trợ nhân vật chính. Nếu xuất hiện trong phim, đa phần nhân vật người đồng tính có lối hành xử thái quá, chưa trưởng thành hay thậm chí tinh thần không ổn định.

Một trong những mô típ phim truyền hình Hàn Quốc gây tranh cãi nhất là nhân vật nữ giả trang thành nam. Trong các bộ phim như Coffee Prince, You’re Beautiful, Sungkyunkwan Scandal, Mây họa ánh trăng… nhân vật nam có tình cảm với nhân vật nữ khi họ đang cải trang là con trai, và thường nhà làm phim thể hiện phân cảnh nam chính gặp khó khăn khi xác định xu hướng tính dục của bản thân theo lối hài hước.

Nhiều khán giả cho rằng mô-típ kể trên đã vô tình xem nhẹ vấn đề người đồng tính phải đối mặt ngoài đời thực. Trên thực tế, đa phần người đồng tính trải qua một khoảng thời gian khó khăn trong quá trình xác định xu hướng tính dục, đặc biệt khi đối diện với áp lực từ xã hội. Có ý kiến cho rằng những bộ phim có nhân vật nữ giả trang thành nam chỉ sử dụng yếu tố đồng tính luyến ái để gây hài hoặc tạo ra xung đột tình cảm trong phim.

Trước định kiến khắt khe từ xã hội Hàn Quốc, đa phần nhà làm phim không thể chọn đồng tính luyến ái làm chủ đề chính trong phim. Tương tác tình cảm giữa hai nhân vật cùng giới hiếm khi được thể hiện trong phim ảnh Hàn Quốc, trừ cảnh phim mang tính chất gây hài và ít nhất một trong hai nhân vật bản chất là người dị tính, điển hình như nụ hôn nổi tiếng của Hyun Bin và Yoon Sang Hyun trong bộ phim Secret Garden.

Năm 2010, bộ phim xuất hiện chủ đề đồng tính luyến ái Life Is Beautiful của đài truyền hình SBS bị nêu tên trong một bài đăng chống đối, phản ứng với tình yêu đồng tính trên báo.

Mô-típ phim có nhân vật nữ giả nam vấp phải tranh cãi trái chiều về việc coi thường cảm xúc của nhóm người đồng tính.

Thay đổi tích cực theo thời gian

Những năm gần đây, sự xuất hiện của nhân vật thuộc cộng đồng LGBTQ+ trong phim truyền hình Hàn Quốc có nhiều thay đổi và phát triển. Các nhân vật thuộc cộng đồng tính dục thiểu số đã xuất hiện nhiều hơn dưới tư cách nhân vật chính lẫn nhân vật phụ.

Một trong những bước ngoặt đánh dấu sự thay đổi của nền giải trí Hàn Quốc là khi nam diễn viên Hong Seok Cheon quay lại màn ảnh sau thời gian dài vắng bóng với bộ phim Perfect Love phát sóng năm 2013. Sau khi công khai là người đồng tính, anh đã không thể xuất hiện trên TV trong ba năm vì không có nhà sản xuất nào chịu tuyển anh.

Vai diễn đánh dấu sự quay trở lại của Hong Seok Cheon là nhân vật đồng tính nam với tính cách tốt bụng, thông minh và luôn quan tâm đến bạn bè là nữ giới của mình. Kể từ đó, nhiều nhân vật đồng tính nam trong phim truyền hình được miêu tả như người đàn ông đẹp trai và thông minh, khác hoàn toàn so với hình ảnh nữ tính mang hướng chế giễu, gây hài trước đây.

Bên cạnh đó, phim truyền hình Hàn Quốc bắt đầu thể hiện nhân vật thuộc cộng đồng LGBTQ+ theo cách từng bị coi là cấm kỵ. Cụ thể hơn, một số sản phẩm ra mắt gần đây cho thấy sự tiến bộ rõ rệt trong tư tưởng khi trực tiếp đề cập tới áp lực nặng nề về tâm lý và tình cảm mà cộng đồng tính dục thiểu số phải đối mặt trong xã hội Hàn Quốc.

Trong bộ phim My Unfamiliar Family của đài tVN, diễn viên Kim Tae Hoon vào vai người đồng tính nam cố che giấu xu hướng tính dục của mình bằng cách kết hôn với một người phụ nữ. Sau khi vợ anh phát hiện sự thật, những mâu thuẫn tình cảm nảy sinh từ biến cố đã được miêu tả rất chi tiết.

Giáo sư Kim Chul Kwon tại Đại học Dong-a cho rằng việc cộng đồng LGBTQ+ xuất hiện nhiều hơn trong điện ảnh và phim truyền hình có thể giúp thay đổi định kiến và sự phân biệt đối xử mà cộng đồng tính dục thiểu số phải hứng chịu.

Hong Seok Cheon là nghệ sĩ Hàn Quốc hiếm hoi công khai thừa nhận đồng tính.

"Đàn ông đẹp như hoa" và các vấn đề tồn đọng

Dù có thay đổi rõ rệt, đa phần khán giả cho rằng còn tồn tại nhiều vấn đề cần giải quyết xoay quanh việc thể hiện nhân vật thuộc cộng đồng LGBTQ+ trong phim ảnh.

Tuy phim ảnh Hàn Quốc đã xuất hiện nhiều nhân vật thuộc cộng đồng tính dục thiểu số hơn, cách thể hiện những nhân vật này còn gây tranh cãi. Phần lớn nhân vật thuộc cộng đồng LGBTQ+ xuất hiện trong phim đều sở hữu diện mạo ưa nhìn, đặc biệt là nhân vật đồng tính nam.

Hiện tượng “đàn ông đẹp như hoa” trong điện ảnh và phim truyền hình Hàn Quốc đã phải nhận chỉ trích nặng nề. Một nghiên cứu xã hội tại Hàn Quốc chỉ ra rằng cách các nhà làm phim thể hiện cộng đồng LGBTQ+ có thể khiến nhiều người có cái nhìn phi thực tế về cộng đồng LGBTQ+ ngoài đời thực. Qua thời gian dài, điều này gây tác động tiêu cực tới cộng đồng tính dục thiểu số.

Ngoài ra, định kiến xã hội là một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến nền giải trí Hàn Quốc gặp khó khăn lúc tìm cách thể hiện cộng đồng LGBTQ+.

Sau khi đóng phim, các diễn viên đóng vai nhân vật thuộc cộng đồng tính dục thiểu số thường nhận đánh giá tiêu cực từ khán giả. Mới đây, nữ diễn viên Kim Jung Hwa phải chịu chỉ trích nặng nề vì vai diễn đồng tính nữ của cô trong bộ phim Mine. Khi đài jTBC chiếu cảnh hôn của hai nữ sinh trung học trong bộ phim Seonam Girls High School Investigators (2014), Ủy ban tiêu chuẩn truyền thông Hàn Quốc đã đưa ra lời cảnh cáo cho bộ phim. Theo ủy ban, phân cảnh này của bộ phim phá vỡ quy tắc đạo đức chuẩn mực.

Trước cái nhìn hà khắc của công chúng, phim ảnh Hàn Quốc vẫn kiên trì cho ra mắt các tác phẩm có sự góp mặt của cộng đồng LGBTQ+. Có ý kiến cho rằng tuy định kiến xã hội là một trong những rào cản đối với nhà làm phim về LGBTQ+, nhưng chính việc thể hiện nhân vật LGBTQ+ trong phim ảnh sẽ giúp xóa bỏ những suy nghĩ mang tính cổ hủ, cũ kỹ.

Ủy ban tiêu chuẩn truyền thông Hàn Quốc xử phạt phim Seonam Girls High School Investigators vì có cảnh hai nữ sinh hôn nhau.

Thúy Hà