Để hôn nhân cận huyết thống không còn là 'lời ru buồn'

Cán bộ dân số Trạm Y tế xã Phúc Than (huyện Than Uyên) hỏi thăm về cuộc sống của học sinh Mùa Thị Mỷ. Ảnh: CTV

Thực trạng đáng buồn

Tại các vùng DTTS, miền núi, vùng sâu vùng xa hiện nay, một trong những tập tục được coi là thách thức lớn trong nỗ lực thay đổi hành vi đó là tình trạng hôn nhân cận huyết thống. Hôn nhân cận huyết thống là hôn nhân giữa nam và nữ trong cùng họ hàng thân thuộc chưa quá ba thế hệ. Đó là việc kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng huyết thống trực hệ với nhau; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời. Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì những người trong phạm vi ba đời được xác định như sau: Đời thứ nhất là cha mẹ; đời thứ hai là anh chị em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; đời thứ ba là anh chị em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì.

Hôn nhân cận huyết thống thường phổ biến ở miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Điều này đã trở thành tập tục lâu đời của bà con các dân tộc nơi đây… Theo lời của một cán bộ dân số, có tình trạng này, là do người dân cứ thấy "ưng cái bụng" là nên vợ, nên chồng. Nhiều người "thành vợ, thành chồng" mà không qua cán bộ tư pháp hoặc chính quyền xã để đăng ký kết hôn. Vì vậy, đã xảy ra nhiều hệ lụy cho chất lượng sinh sản như không quan tâm việc khám sức khỏe tiền hôn nhân, dẫn đến vẫn có những đứa trẻ sinh ra bị hội chứng Down, dị tật bẩm sinh, bạch tạng, rối loạn chuyển hóa, thiếu men G6PD, các bệnh dị dạng về xương, bụng phình to, lùn, ốm yếu…

Trẻ em sinh ra từ các cặp vợ chồng hôn nhân cận huyết thống dễ có nguy cơ mắc các bệnh di truyền như mù màu, bạch tạng, da vảy cá, đặc biệt là bệnh tan máu bẩm sinh - Thalassemia. Các bệnh này khiến cho người mắc sống cuộc đời tàn tật, nguy cơ tử vong rất cao và bệnh di truyền tiếp cho thế hệ sau. Bên cạnh đó, hôn nhân cận huyết thống không chỉ gây suy giảm chất lượng giống nòi, mà trực tiếp ảnh hướng tới kinh tế gia đình, là rào cản cho sự phát triển của đời sống, xã hội.

Một trong những câu chuyện đau lòng về hôn nhân cận huyết thống mà chúng tôi được biết là trường hợp của gia đình em Mùa Thị Mỷ. Mùa Thị Mỷ là học sinh lớp 6, trường THCS xã Phúc Than (huyện Than Uyên, Lai Châu). Dù đã học lớp 6 nhưng Mỷ lại có dáng người còi cọc, mảnh khảnh chỉ như học sinh lớp 3, mái tóc dài màu trắng vàng, đôi mắt vàng hoe, làn da trắng nhưng thô ráp. Mỷ là con gái của anh Mùa A Rồng (sinh năm 1977) và chị Hờ Thị Dơ (sinh năm 1980) ở bản Sam Sẩu (xã Phúc Than).

Được biết, cuộc hôn nhân của bố mẹ Mỷ là con của chị gái lấy con của em trai. Mỷ là út trong gia đình, trên Mỷ có 2 anh trai cũng có màu tóc, da giống em. 2 anh em Mỷ đều bị thiểu năng trí tuệ, học theo kiểu tái hòa nhập. Tuy học lớp 6 nhưng nhận thức của Mỷ chỉ ở mức độ đơn giản như đứa trẻ 6 tuổi, biết cộng phép tính trong phạm vi 10, không biết đọc chữ, không biết viết tên mình…

Hay trường hợp cậu con trai 10 tuổi của vợ chồng chị Lô Thị H. (27 tuổi và anh Lô Văn Th. (29 tuổi), xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) đang được điều trị tại Khoa Tiêu hóa - Huyết học (Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An) vì chứng bệnh tan máu bẩm sinh, hay còn gọi là Thalassemia. Mặc dù đã lớn tuổi, nhưng tâm trí con trai chị Lô Thị H vẫn như đứa trẻ 3 tuổi, vì thế, đến nay con chị vẫn chưa biết chữ. Cậu bé chính là hệ quả của cuộc hôn nhân giữa hai người có chung một ông cố.

Khi đưa con xuống bệnh viện, được nghe bác sĩ nói, chị mới biết đến chứng bệnh này. Và đây cũng là lần đầu, vợ chồng chị được biết con trai bị bệnh là do bố mẹ chúng cùng chung huyết thống. “Chúng tôi cứ nghĩ 3 đời rồi thì cưới nhau được, không sao cả. Vì ở trên này có nhiều trường hợp con anh còn lấy con em làm vợ”, chị Lô Thị H cho biết.

Nỗ lực vượt qua rào cản, thay đổi tập tục

Theo báo cáo của Viện Dân tộc học Việt Nam, tại một số dân tộc miền núi phía Bắc hiện nay, tình trạng hôn nhân cận huyết thống diễn ra phổ biến, điển hình là các dân tộc: Si La, Pu Péo, Rơ Măm, Brâu, Ơ Ðu, Lô Lô, Hà Nhì... Những dân tộc này thường có tập quán nội hôn tộc người và phổ biến là hôn nhân con cô, con cậu.

Ngoài ra, còn rất nhiều dân tộc khác như: Si La (Ðiện Biên, Lai Châu), Pu Péo (Hà Giang), Rơ Măm, Brâu (Kon Tum)... là những dân tộc có số dân dưới 1.000 người đang có nguy cơ suy giảm bởi nguyên nhân chủ yếu là có quan hệ huyết thống làm ảnh hưởng tới sức khỏe, dẫn tới chất lượng dân số thấp.

Thông qua các hoạt động tư vấn, khám chữa bệnh cho bà con, các bác sĩ và tuyên truyền viên dân số đã vận động bà con từ bỏ những hủ tục hôn nhân cận huyết thống. Ảnh: CTV

Trước tình hình trên, Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình đã và đang triển khai mô hình can thiệp làm giảm tình trạng hôn nhân cận huyết thống tại một số tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Theo đó, công tác tuyên truyền và giám sát tại cộng đồng sẽ được ưu tiên với việc xây dựng và tập huấn mạng lưới tuyên truyền viên cơ sở cho từng nhóm dân tộc. Xây dựng tốt mối quan hệ với những người có uy tín (già làng, những người cao tuổi...) trong cộng đồng dân cư để họ dạy và tuyên truyền con cháu, họ hàng của chính gia đình mình.

Tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề với sự tham gia của chính quyền, trưởng thôn bản, các tuyên truyền viên, người dân về vấn đề Luật Hôn nhân và Gia đình. Xây dựng chế tài ở cấp cộng đồng về việc xử lý những trường hợp vi phạm Luật Hôn nhân. Tổ chức các buổi biểu diễn liên hoan văn nghệ hoặc chiếu phim có chủ đề hôn nhân cận huyết thống nhằm nâng cao nhận thức của người dân...

Đồng thời, chính quyền và các đoàn thể cũng phát huy mạnh mẽ vai trò của mình trong việc nâng cao nhận thức của đồng bào và ngăn ngừa tình trạng kết hôn cận huyết trên địa bàn. Không chỉ biên soạn, cung cấp tài liệu cho người dân, Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, già làng, trưởng bản và những người có uy tín trong vùng DTTS nên đổi mới và vận dụng linh hoạt các hình thức tuyên truyền để thu hút sự quan tâm của người dân, từ đó, thuyết phục họ từ bỏ những suy nghĩ đã không còn phù hợp và chú trọng vào việc gây dựng tổ ấm hạnh phúc với những đối tượng được pháp luật cho phép.

Thiết nghĩ, cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể cần phối hợp hơn nữa để tăng cường tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi hành vi, nhận thức của người dân, nhất là vùng có nguy cơ cao các trường hợp hôn nhân cận huyết thống. Pháp luật cần có chế tài xử phạt “mạnh tay” để răn đe. Và, trên hết là người trẻ tuổi cần nâng cao ý thức trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.

Nguyên Thanh