Dịch COVID-19: Hàng nghìn bác sĩ cùng nhau thiết lập mạng lưới tư vấn, khám bệnh online miễn phí

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt là từ thời điểm TP Hồ Chí Minh cùng nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, để nhanh chóng khống chế, dập dịch, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, nhiều tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Nhằm chia sẻ với hệ thống y tế và người dân, đặc biệt với những địa phương phải thực hiện giãn cách, nhiều y bác sĩ, cán bộ y tế đã thiết lập mạng lưới, nền tảng kết nối "khám bệnh online" với mục đích tư vấn, giải đáp thắc mắc về COVID-19 và các bệnh lý thường gặp, đặt lịch khám bệnh...

Tính đến sáng nay 29/7, sau ba ngày Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam gửi thư ngỏ, mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" đã thu hút khoảng hơn 3.000 tình nguyện viên khắp cả nước đăng ký tham gia. Đội ngũ này là các bác sĩ đa khoa, chuyên khoa, dược sĩ, điều dưỡng, chuyên viên tâm lý... đang công tác hoặc đã nghỉ hưu trên khắp cả nước. Mạng lưới này sẽ tư vấn, hướng dẫn các ca mới nhiễm, trường hợp F1 có nguy cơ nhiễm cao chưa kịp đến cơ sở y tế hoặc đang cách ly tại nhà.

Tại phía Nam, ngay từ tháng 7/2021, BS Đỗ Triều Hưng, Tổng Thư ký liên chi hội Hành nghề Y tư nhân thành phố Hồ Chí Minh đã kêu gọi đồng nghiệp nhiều chuyên khoa, ở cả bệnh viện công lập và tư nhân, cùng nhau thiết lập mạng lưới tư vấn sức khỏe (về các bệnh thông thường ngoài Covid-19) hoàn toàn miễn phí cho người dân. Sau gần hai tuần kêu gọi, có hơn 250 y, bác sĩ đã cùng tham gia hoạt động thiện nguyện này.

Cùng chung mong muốn góp sức chống dịch, hỗ trợ người dân, nền tảng đặt lịch khám bệnh và chăm sóc sức khỏe toàn diện miễn phí có tên ISOFHCARE với chuyên mục "Bác sĩ ơi" đã ra đời. Chương trình hỗ trợ kết nối trực tuyến giữa những người gặp khó khăn khi tiếp cận dịch vụ y tế, những người thuộc diện cách ly hoặc đang trong khu vực phong tỏa với bác sĩ và cơ sở y tế một cách nhanh chóng, hạn chế các thủ tục đăng ký và tiết kiệm thời gian chờ đợi.

Đến tháng 7/2021, nền tảng này đã kết nối được với hơn 40 cơ sở y tế, với nhiều bệnh viện lớn như: Bệnh viện Phổi trung ương, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện E, Bệnh viện 199 Đà Nẵng, Đa khoa tỉnh Thanh Hóa... Cùng với đó, khoảng 1.900 y, bác sĩ đồng hành, luôn sẵn sàng tư vấn người bệnh.

Với 3 công cụ sẵn có (gồm: Cộng đồng trên Facebook, website chia sẻ thông tin bác sĩ và ứng dụng đặt khám thông minh), trung bình, mỗi tuần nền tảng ISOFHCARE hỗ trợ thành công tới hơn 1.500 lượt đặt khám và khoảng 50 câu hỏi được trả lời.

Thời gian qua tại các bệnh viện như: Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Việt Đức... liên tục đưa ra cảnh báo về những trường hợp bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch, thậm chí đã có người tử vong. Nguyên nhân được chỉ ra, đó là trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, không ít người phát sinh tâm lý hoang mang, ngại không dám đến bệnh viện khám dẫn đến bệnh trở nặng, khó điều trị. Các chuyên gia mong muốn việc thiết lập nên hệ thống mạng lưới tư vấn khám chữa bệnh online sẽ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân trong thời gian chống dịch.

Thái Bình