Em bé chào đời với cân nặng 'khủng' 6,2 kg: Điều gì có thể xảy ra nếu thai to 'vượt chuẩn'?

Mới đây, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang cho biết, đơn vị vừa mổ đẻ thành công cho một sản phụ sinh con lần 3 với cân nặng "khủng". Theo đó, thai phụ Đ.T.H (30 tuổi, địa chỉ tại Liên Chung, Tân Yên, Bắc Giang) được đưa vào Khoa Phụ sản của Bệnh viện trong tình trạng đau bụng, thai 39 tuần.

Tại khoa Phụ sản, sau khi làm xét nhiệm và siêu âm trước sinh, sản phụ được đánh giá thai nhi to, trọng lượng lớn hơn mức bình thường. Các bác sĩ đã hội chẩn và kết luận sản phụ chuyển dạ đẻ con lần 3, thai 39 tuần 4 ngày trên nền mổ đẻ cũ, tiền sản giật kèm thai to, chỉ định phẫu thuật lấy thai cấp cứu.

Sau 30 phút tiến hành mổ lấy thai, bé gái đã chào đời an toàn với cân nặng 6,2 kg trước sự bất ngờ của mẹ và toàn bộ kíp phẫu thuật.

Em bé nặng 6,2kg được chào đời tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang. Ảnh BVCC

Theo BS.CKII Trần Hoàng Hưng, Khoa Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang, đây là trường hợp hiếm gặp, em bé có trọng lượng lớn nhất từ trước đến nay được chào đời tại Bệnh viện.

Trên thực tế, đây cũng là một trong những em bé có trọng lượng lớn nhất được sinh ra ở nước ta. Hiện nay, kỷ lục bé sơ sinh nặng nhất Việt Nam đang thuộc về một bé trai sinh năm 2017 tại tỉnh Vĩnh Phúc, chào đời với cân nặng 7,1kg. Gần đây nhất, vào đầu năm 2020, tại Khánh Hòa, sản phụ H.T.A.T. (28 tuổi, ngụ tại huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) đã sinh một bé trai nặng 6,5kg thành công.

Tất cả những ca thai nhi có cân nặng lớn này đều được chỉ định mổ lấy thai để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con. Với mức cân nặng này, các em bé sinh ra tương đương với một đứa trẻ 2-3 tháng tuổi.

Tại sao nhiều thai nhi lại có mức cân nặng "vượt chuẩn"?

Các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, cân nặng trung bình của trẻ sơ sinh dao động trong khoảng 2,8 - 3,5kg nếu sinh đủ tháng. Theo các nước phương Tây, trẻ sơ sinh từ 4kg trở lên được gọi thai to hay thai thừa cân. Còn ở nước ta, thai trên 3,5kg được xem là thai to (đánh giá dựa trên cơ thể phụ nữ Việt Nam).

Đề cập đến nguyên nhân nhiều thai nhi có cân nặng lớn hơn mức bình thường, theo BS sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung (Trung tâm Y tế Thái Hà, Hà Nội), cân nặng của một đứa trẻ trong bụng mẹ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn do di truyền, tức là bố mẹ cao to, khỏe mạnh sẽ dễ sinh ra những đứa trẻ nặng cân hơn bình thường hoặc người mẹ đã sinh nhiều lần, con sau có thể sẽ to hơn con trước.

Bên cạnh đó, trong quá trình mang thai, chế độ dinh dưỡng của thai phụ chứa nhiều chất dinh dưỡng, thai nhi hấp thu tốt cũng khiến cân nặng của đứa trẻ phát triển hơn. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho biết, ăn nhiều tinh bột, đường, ngủ nhiều, ít vận động dẫn đến mắc đái tháo đường thai kỳ được xem là nguyên nhân chủ yếu khiến thai nhi phát triển "vượt trội" trong bụng mẹ.

Ngoài ra, một số yếu tố khác dẫn đến thai to như: Thời gian mang thai vượt qua ngày dự sinh; mang thai trên 35 tuổi; mẹ có tiền sử sinh con to trước đó…

Thai to đáng mừng hay đáng lo?

Hiện nay, rất nhiều người vẫn cho rằng, sinh con to thì sẽ khỏe, dễ nuôi, tuy nhiên, thực tế không hẳn là như vậy. Đã có nhiều trường hợp trẻ sinh ra nặng cân nhưng lại có sức đề kháng yếu và dễ nhiễm bệnh.

Ảnh minh họa

Đơn cử, cách đây không lâu, ngay khi chào đời tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội với cân nặng đạt 4,7kg, bé N.B.K (Hà Nội) đã trong tình trạng không thở được, suy hô hấp nặng, người tím tái, phải thở máy tức thì và chuyển sang Bệnh viện Nhi Trung ương để điều trị. Hệ quả, cháu bé phải nằm điều trị hơn 10 ngày trong bệnh viện với các bệnh lý hạ đường huyết, nhiễm trùng máu và suy hô hấp.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, nhiều năm gần đây, trẻ sinh ra quá to và mắc các bệnh lý phát sinh từ cân nặng "vượt ngưỡng" phải điều trị tại viện ngày càng gia tăng. Điều lo lắng nhất với những ca sơ sinh nặng cân là trẻ dễ bị hạ đường huyết, hạ canxi huyết, kéo theo một loạt biến chứng nguy hiểm như hạ thân nhiệt, suy hô hấp, suy tuần hoàn. Điều này làm trẻ sơ sinh có thể xuất hiện phản ứng chậm chạp, tiếng khóc nhỏ, yếu, trường hợp nặng có thể ngưng thở từng cơn.

Ngoài ra, trẻ sinh ra quá to cũng tăng nguy cơ thừa cân, béo phì hoặc mắc phải đái tháo đường và các rối loạn chuyển hóa trong tương lai.

Riêng đối với người mẹ, theo BS Kim Dung, trong quá trình mang thai, nếu thai nhi phát triển quá to sẽ khiến cổ tử cung lớn, gây chèn ép cơ hoành và làm cho người mẹ dễ mệt mỏi, khó thở.

Bên cạnh đó, ảnh hưởng dễ thấy nhất là khi trẻ càng to thì quá trình chuyển dạ, sinh đẻ bằng con đường tự nhiên càng khó khăn. Nếu thai quá to thì khi sinh bình thường, trẻ chỉ lọt được đầu rồi kẹt ở phần vai, có nhiều trường hợp, bác sĩ phải cắt mở rộng tầng sinh môn để giúp trẻ ra ngoài.

Việc kéo dài thời gian sinh và bị chảy máu do tổn thương tầng sinh môn khiến người mẹ dễ có nguy cơ gặp các tai biến sản khoa khi sinh.

Chính vì vậy, để có một thai kỳ khỏe mạnh cho cả mẹ và bé, các chuyên gia khuyến cáo, thai phụ nên thường xuyên khám thai định kỳ và có chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân bằng giữa tinh bột, chất béo, chất đạm và vitamin.

Cùng với đó, hạn chế ăn đường, đồ ngọt và chất béo quá nhiều, nên tập luyện các bài thể dục dành cho bà bầu để nâng cao sức khỏe, kiểm soát cân nặng một cách hợp lý, tốt nhất không nên tăng quá 15kg trong suốt thai kỳ.

Với những thai phụ đã được các bác sĩ chẩn đoán mang thai to nên chọn phương pháp sinh mổ để hạn chế những tai biến cho cả mẹ và con. Sau khi sinh, với những em bé nặng cân, cha mẹ cần cho bé đi khám sức khỏe thường xuyên để kịp thời xử lý nếu có bất thường gì xảy ra.

Anh Khôi