Gia Lai thúc đẩy chăn nuôi công nghệ cao - tham gia sâu vào chuỗi cung cầu quốc tế

Chính quyền và nhân dân cùng xây dựng vị thế nông nghiệp công nghệ cao
Đức Cơ trên đà đổi mới
Tâm huyết phát triển chăn nuôi công nghệ cao của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai

Tham gia sâu vào chuỗi cung cầu quốc tế

Với mục tiêu tổng mức đầu tư xã hội đạt 40.000 tỷ đồng vào năm 2030, Gia Lai đặt nhiều kỳ vọng phát triển nhanh. Trong lĩnh vực nông nghiệp, Gia Lai là minh chứng cho kinh tế phát triển bền vững khi số liệu báo cáo cho thấy, đến giữa năm 2022, tỉnh đã thu hút hơn 258 dự án trong lĩnh vực nông nghiệp trồng trọt, chăn nuôi và lâm nghiệp. Kết quả này có được, một phần nhờ sự quan tâm của tỉnh đến việc kêu gọi đầu tư vào các dự án chăn nuôi công nghệ cao.

Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Gia Lai cho biết, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 204 dự án chăn nuôi đang được các nhà đầu tư quan tâm với tổng diện tích gần 9.500ha, tổng vốn đầu tư hơn 31.000 tỷ đồng. Trong đó, có 44 dự án đã được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng diện tích hơn 1.600ha, tổng vốn đăng ký gần 6.000 tỷ đồng. Có 62 dự án đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương nghiên cứu, đề xuất dự án, với tổng diện tích hơn 5.000ha, tổng vốn đăng ký hơn 13.000 tỷ đồng; 98 dự án đang tư vấn, hướng dẫn triển khai các thủ tục đầu tư với tổng diện tích hơn 2.700ha, tổng vốn đầu tư gần 13.000 tỷ đồng.

Đơn cử, tháng 5.2022, Tập đoàn Hùng Nhơn và Tập đoàn The Heus (Hà Lan) đã hợp tác khởi công xây dựng "Tổ hợp Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai” tại xã Ia Le, huyện Chư Pưh, Gia Lai với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.

Dự án dự kiến có quy mô khoảng 100ha, gồm có: khu trang trại chăn nuôi 2.500 lợn giống cụ kỵ chọn lọc và nhập khẩu trực tiếp từ Hà Lan, nhà máy giết mổ lợn thịt, nhà máy sản xuất phân hữu cơ, khu điều hành và dịch vụ hỗ trợ. Dự án áp dụng công nghệ 4.0 cho toàn bộ quy trình hoạt động, giúp kiểm soát tốt chất lượng, tối ưu hóa hiệu suất chăn nuôi, giảm giá thành sản phẩm và đạt hiệu quả kinh tế cao.

Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Hùng Nhơn chia sẻ, tỉnh Gia Lai hiện đang thu hút mạnh đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi. Do đó, các thủ tục hành chính được các ban ngành tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, hồ sơ nhanh nhất để phía doanh nghiệp có thể an tâm phát triển. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng triển khai và đưa vào hoạt động một số cụm chăn nuôi công nghệ cao tại huyện Mang Yang và huyện Đăk Pơ.

Kết quả tích cực này được xem là hướng đi phù hợp, hiệu quả để các sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi của Gia Lai tham gia sâu vào chuỗi cung, cầu của thị trường trong nước và quốc tế.

Lễ khởi công xây dựng "Tổ hợp Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai” tại xã Ia Le, huyện Chư Pưh của tập đoàn Hùng Nhơn và tập đoàn The Heus (Hà Lan)

Chăn nuôi công nghệ cao đến với từng hộ nông dân

Năm 2022, để đẩy mạnh thu hút nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm chủ lực nhằm phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, Gia Lai đã chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng những vùng nguyên liệu lớn, thiết lập mạng lưới phân phối, tiêu thụ và xúc tiến, quảng bá sản phẩm, mở rộng ra các thị trường. Vì vậy, để khép kín dây chuyền cung ứng, tỉnh đã thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch giúp hộ gia đình từng bước chuyển đổi từ tập quán sản xuất đơn lẻ sang sản xuất tập trung, phục vụ chuỗi giá trị.

Theo ông Dương Ngọc Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Gia Lai, toàn tỉnh hiện có đàn trâu hơn 14.600 con, đàn bò 412.000 con, gia cầm trên 3,7 triệu con. Các loại vật nuôi khác như dê 113.000 con, 750 nhà nuôi yến, 800 đàn ong mật… Tỉnh hiện có gần 4.000 hộ nuôi trâu, gần 80.000 hộ nuôi bò, 37.000 hộ nuôi heo. Ngành chăn nuôi của tỉnh đang dần dịch chuyển sang chăn nuôi công nghệ cao, tập trung có đầu tư, áp dụng khoa học công nghệ, chăn nuôi theo chuỗi và theo liên kết. Còn đại diện của UBND huyện Mang Yang, một trong những huyện đang thu hút nhiều dự án chăn nuôi công nghệ cao tại Gia Lai cho biết, đối với các chương trình chăn nuôi công nghệ cao, chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.

UBND tỉnh Gia Lai đang đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư phát triển các chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến. Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi để các hộ dân, doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi nhằm tham gia sâu hơn vào chuỗi cung - cầu quốc tế.

Hoàng Anh