Giải pháp giảm dồn ứ F0 tại các quận, huyện ở TP.HCM

"Người mắc Covid-19 thường có diễn tiến bệnh nặng rất nhanh, có thể chỉ trong 1-2 ngày. Nếu không có cơ sở điều trị tại địa phương trong thời gian chuyển viện, bệnh nhân có thể gặp nguy hiểm", bác sĩ chuyên khoa II Lương Văn Sinh, Phó giám đốc Bệnh viện quận Tân Phú (TP.HCM), nói.

Từ áp lực số lượng bệnh nhân Covid-19 ngày một tăng, trong khi đa số F0 không triệu chứng và biểu hiện bệnh nhẹ, quận Tân Phú tiên phong xây dựng mô hình cách ly, điều trị ngay tại địa phương, giảm quá tải lượng lớn F0 cho các tầng trên.

Giải phóng F0 tại các tầng điều trị

Bác sĩ Lương Văn Sinh, kiêm nhiệm Giám đốc Trung tâm cách ly F0 tại phường Sơn Kỳ, cho biết trung tâm này sẽ thu nhận, điều trị các trường hợp mắc Covid-19 có chỉ số CT >=30, không triệu chứng, biểu hiện bệnh nhẹ, bệnh nền đã được kiểm soát ổn định.

"Việc xây dựng trung tâm điều trị F0 ngay tại địa phương sẽ giảm tải rất lớn việc dồn ứ F0 cho toàn quận", bác sĩ Sinh nhận định.

Khu cách ly F0 tại quận Tân Phú được trang bị giường xếp, gối, chăn và các vật dụng sinh hoạt. Ảnh: Văn Nguyện.

Theo bác sĩ Sinh, trước đây, khi Trung tâm Y tế quận Tân Phú ghi nhận trường hợp mắc Covid-19, bệnh nhân sẽ được làm xét nghiệm rRT-PCR để xác định nồng độ virus, sau đó phân loại mức độ bệnh và chuyển F0 đến bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19.

Điều này gây khó khăn rất lớn cho các đơn vị, nhất là trong giai đoạn số lượng F0 tăng cao, nhiều đơn vị không đủ giường trống để thu nhận thêm người bệnh. Trong khi đó, bệnh nhân Covid-19 thường có khả năng trở nặng rất nhanh nếu không được phát hiện và theo dõi sớm.

Bên cạnh đó, bác sĩ Sinh cho biết việc thành lập Trung tâm điều trị F0 tại quận cũng góp phần giải phóng số lượng khá lớn F0 được cách ly tạm tại Bệnh viện quận Tân Phú.

Trung bình mỗi ngày, bệnh viện này khám sàng lọc và phát hiện khá nhiều trường hợp test nhanh dương tính. Có thời điểm, bệnh viện lưu lại khoảng 20 bệnh nhân. Điều này cũng tiêu tốn nhân lực chăm sóc, theo dõi F0.

Bác sĩ Lương Văn Sinh, Phó giám đốc Bệnh viện quận Tân Phú. Ảnh: Văn Nguyện.

"Khi số bệnh nhân này được chuyển về trung tâm điều trị tại địa phương thì cũng là góp phần giải phóng lượng lớn F0 cho bệnh viện. Ngoài ra, các bệnh viện dã chiến tầng 2 cũng từ đó được giảm tải, tập trung theo dõi F0 có triệu chứng khác. Từ đó, toàn hệ thống điều trị tại thành phố lần lượt được giảm tải hơn", bác sĩ Sinh nhận định.

3 nhân viên y tế theo dõi 50-100 bệnh nhân

Hai địa điểm được trưng dụng làm khu cách ly, chăm sóc F0 ở Tân Phú là THPT Lê Trọng Tấn và THCS Tôn Thất Tùng (phường Sơn Kỳ), quy mô 600 giường. Theo kế hoạch, ngày 30/7, trung tâm này bắt đầu đón ca nhiễm đến điểm trường THPT Lê Trọng Tấn (300 giường) để chăm sóc.

Các phòng cách ly được trang bị đầy đủ quạt máy, giường xếp, chăn và các dụng cụ sinh hoạt cần thiết. Bên ngoài các phòng còn có phương tiện tập thể dục để nâng cao sức khỏe cho người bệnh.

Khu vực cấp cứu được trang bị các thiết bị cơ bản như bình oxy, máy X-quang, SpO2 để phát hiện F0 chuyển biến nặng. Ảnh: Văn Nguyện.

Nhân lực tại trung tâm cách ly, chăm sóc F0 được huy động từ đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện quận Tân Phú gồm 6 bác sĩ và 12 điều dưỡng, trung bình một bác sĩ và 2 điều dưỡng phụ trách chăm sóc cho 50-100 bệnh nhân.

Theo bác sĩ Sinh, dù được phân tầng điều trị thấp nhất, khu cách ly F0 tại đây vẫn được trang bị đầy đủ thiết bị cấp cứu cần thiết với hơn 40 máy SpO2. Phòng cấp cứu có sẵn 10 bình oxy, 5 máy tạo oxy và cơ số thuốc, vật tư cần thiết.

10 giường phục vụ cho bệnh nhân thở oxy, máy chụp X-quang di động, có hệ thống máy oxy dòng cao. Khi bệnh nhân trở nặng, trường hợp cần thiết, các bác sĩ cấp cứu sẽ đặt nội khí quản trước khi chuyển tuyến.

Về quy trình tiếp nhận F0 tại đây, bác sĩ Sinh cho biết sau khi bệnh nhân test nhanh dương tính và rRT-PCR có chỉ số CT>=30, khỏe mạnh, không triệu chứng hoặc bệnh nền kiểm soát ổn định sẽ được cách ly tại địa phương.

Khi F0 có dấu hiệu trở nặng, trung tâm này sẽ hội chẩn với nhóm hỗ trợ chuyên môn tại quận Tân Phú. Nếu vượt quá tầm xử lý, F0 sẽ được đưa về bệnh viện quận trong thời gian chờ chuyển tầng điều trị.

Ông Cao Hưng Thái, Phó cục trưởng Cục quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), nhận định việc chuẩn bị của quận Tân Phú rất tốt. Đây có thể là mô hình điểm cho TP.HCM. Nếu chăm sóc, điều trị hiệu quả, trung tâm này sẽ giảm tải rất nhiều cho các bệnh viện dã chiến.

Tiến sĩ Nguyễn Hùng Long, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), phụ trách Tổ công tác của Bộ Y tế tại quận Tân Phú, lưu ý F0 cần được đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý. Các F0 được hỗ trợ ăn uống, hướng dẫn vật lý trị liệu, bổ sung vitamin để nhanh chóng phục hồi và trở về với gia đình.

Cách tự lấy mẫu test nhanh Covid-19 Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng việc lấy mẫu test nhanh đơn giản nhưng người dân và nhân viên y tế cần cẩn trọng khi vệ sinh và kiểm tra chất lượng dụng cụ.

Bích Huệ