Hà Nội: Làm gì để mô hình thùng rác công nghệ phát huy hiệu quả?

Thời gian qua, nhiều sáng kiến bảo vệ môi trường đã được ra đời nhằm khắc phục giảm thiểu tình trạng ô nhiễm rác thải đô thị. Mô hình thùng rác công nghệ đã được lắp đặt trên nhiều tuyến phố của Hà Nội là một trong những sáng kiến như vậy. Sự xuất hiện của những thùng rác công nghệ cao tại nhiều tuyến phố như: phố Xã Đàn, phố Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa); phố Hoàng Minh Giám (quận Thanh Xuân); phố Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy)… đã từng bước góp phần giải quyết vấn đề rác thải và gìn giữ cảnh quan đô thị xanh, sạch, đẹp. Thùng rác công nghệ, hay còn gọi là thùng rác gắn pin năng lượng mặt trời, có sức chứa lên tới 240 lít, được thiết kế thông minh với 2 ngăn riêng biệt, một bên đựng rác tái chế và một bên đựng rác không tái chế. Điểm nhấn của mô hình đó là giúp phân loại rác thải và sử dụng tấm pin năng lượng mặt trời để tạo ra nguồn điện làm phát sáng bảng quảng cáo được lắp phía trên thùng rác khi trời tối.

Mô hình thùng rác công nghệ phát sáng hiện đại được lắp đặt ở Hà Nội.

Được thí điểm và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2019, hệ thống thùng rác công nghệ được kỳ vọng là một giải pháp nhằm nâng cao nhận thức người dân trong việc phân loại rác thải, từ đó tăng cường tuyên truyền ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường. Mặc dù được đánh giá là mô hình hiện đại, mang đến sự thuận tiện và hữu ích, nhưng tại một số vị trí, thùng rác công nghệ chỉ được đặt “cho có”; nhiều thùng rác công nghệ đã xuống cấp và chưa đem lại hiệu quả thiết thực.

Cụ thể, thời gian qua, theo phản ánh của nhiều người, dọc tuyến phố Nguyễn Chánh (quận Cầu Giấy), một số vị trí lắp đặt thùng rác công nghệ thường xuyên xuất hiện tình trạng “rác nằm ngoài thùng rác”. Thay vì để rác vào thùng, một số người đã xả rác ra đường và vỉa hè, gây mất mỹ quan đô thị. Tương tự, nhiều thùng rác công nghệ trên tuyến phố Nguyễn Chí Thanh đang có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng. Thậm chí, rác thải sinh hoạt được “tập kết” thành từng đống trong khi thùng rác công nghệ ở gần đó lại không có rác.

Trái ngược với những địa điểm trên, ở nhiều vị trí khác, thùng rác công nghệ lúc nào cũng trong tình trạng ùn ứ, quá tải và bốc mùi hôi thối. Chị Nguyễn Thị Hậu, ở phố Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Thùng rác công nghệ hiện đại là một sáng kiến vừa giúp cho người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, vừa bổ sung ánh sáng cho con phố khi về đêm. Tuy nhiên, các thùng rác ở đây luôn trong tình trạng đầy ứ; rác tràn ra lòng đường, vỉa hè. Mỗi lần tôi đi qua khu vực này, rác bốc mùi hôi thối rất khó chịu, nhất là khi thời tiết nắng nóng…”.

Một thùng rác công nghệ được đặt biển “cấm đổ rác” do tình trạng xuống cấp trầm trọng.

Thùng rác công nghệ dù được thiết kế tách biệt thành 2 ngăn để phân loại rác hữu cơ và vô cơ, nhưng trên thực tế, nhiều người thiếu hiểu biết, thiếu ý thức vẫn bỏ rác lộn xộn, gây khó khăn cho việc xử lý. Vừa chỉ tay vào chiếc thùng rác công nghệ, chị Mạc Thị Vân Anh, ở phố Nguyễn Chí Thanh cho biết, một số đối tượng đã dán tờ rơi lên trên bề mặt bảng quảng cáo phát sáng, gây mất thẩm mỹ. Hơn nữa, nhiều người dân xung quanh khu phố vẫn chưa biết phân biệt các loại rác thải nên dẫn tới việc rác tái chế được lại để vào ngăn không tái chế được, và ngược lại. Theo chị Vân Anh, điều này không chỉ làm giảm công dụng của thùng rác mà còn gây khó khăn cho lực lượng nhân viên môi trường khi tiến hành thu gom rác thải.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng thùng rác công nghệ dù hiện đại nhưng vẫn chưa đem lại hiệu quả và đang dần xuống cấp. Theo một số ý kiến, do việc thiết kế khoảng cách giữa bề mặt thùng rác với tấm bảng quảng cáo quá hẹp nên phần nào cản trở việc đưa rác vào trong thùng. Và tình trạng thường xuyên ùn ứ, “quá tải” là do việc thu gom, vận chuyển rác có thời điểm còn chậm trễ. Song, nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của một bộ phận người dân về phân loại rác còn hạn chế. Nhiều cá nhân chưa phân biệt được rác thải tái chế và rác thải không tác chế được. Điều này khiến cho rác bị trộn lẫn và không được đặt đúng vị trí các ngăn dù đã có ký hiệu hướng dẫn trên thùng rác.

Có thể thấy, nếu được sử dụng đúng chức năng thì thùng rác công nghệ sẽ góp phần quan trọng trong giải quyết vấn đề rác thải, làm đẹp cảnh quan đô thị, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, từ đó hướng tới tạo lập không gian sống văn minh và hiện đại. Song, để mô hình thùng rác công nghệ được ứng dụng rộng rãi, lâu dài, không lãng phí và mang lại hiệu quả cao, các nhà đầu tư và chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm tra, đánh giá chất lượng hoạt động của các thiết bị; nghiên cứu bố trí lắp đặt thùng rác sao cho hợp lý, khoa học để tránh rơi vào tình trạng thùng rác “nơi thì quá tải, nơi lại trống không”. Đồng thời, cần tuyên truyền nâng cao kiến thức cho người dân về phân loại rác thải. Có như vậy, thì việc đưa vào sử dụng mô hình thùng rác công nghệ ở Thủ đô mới thực sự mang lại hiệu quả./.

Cận cảnh hiện trạng thùng rác công nghệ tại một số tuyến phố ở Hà Nội. (Video: Ngọc Mai).

Bài, ảnh: Ngọc Mai