Hành trình 35 triệu bản của chú Gấu Paddington

Gộp lại , Michael Bond viết 27 cuốn về các cuộc phiêu lưu của chú gấu Paddington. Sau đó chúng được dịch ra 40 ngôn ngữ khác và phát hành 35 triệu bản trên toàn thế giới. Với thành tích này, tác giả được Nữ hoàng Elizabeth II trao tặng Huân chương Đế quốc Anh.

Tinh thần lạc quan, khát vọng tử tế từ chú Gấu Paddington

Chìa khóa đưa chú gấu nhỏ Peru hơn 60 năm trước xuất hiện tại sân ga xe lửa Paddington London, đội trên đầu chiếc mũ đỏ nhầu nát, cổ đeo mảnh giấy với dòng chữ : “ Hãy nhủ lòng thương, chăm sóc sinh linh nhỏ bé này. Xin đa tạ” chớp nhoáng trở thành nhân vật nổi tiếng được nhiều người yêu thích là tinh thần lạc quan, lòng tin con người và khát vọng làm tất cả những gì lương thiện và hợp lý.

“Tôi lớn lên trong gia đình, nơi đọc sách là thói quen tự nhiên, như hít thở không khí” – Michael Bond, cha đẻ Gấu Paddington nhớ lại tuổi thơ trong bài trả lời phỏng vấn dành cho nhật báo “The Telegraph” 2007.

Bìa cuốn “Gấu Paddington” xuất bản tại Việt Nam

“Trong nhà tôi không có nhiều sách, bởi túi tiền giới hạn; bố tôi làm nhân viên Bưu điện ở Reading. Nhưng thứ sáu hàng tuần mẹ dẫn tôi đến thư viện thành phố và người thường mượn về khoảng 6 cuốn sách. Mẹ đọc sách hàng ngày và thói quen đó lây sang tôi. Tôi thực sự sung sướng, mỗi khi đọc sách. Cảm giác cô đơn tự biến mất.”

Bond sinh năm 1926, nhà văn tương lai giã từ trường học năm 14 tuổi. Đó là ngôi trường Công giáo ở Reading. Môi trường để lại ký ức buồn với tác giả Gấu Paddington: “Những người thầy dạy chúng tôi mang theo người roi cao su và sử dụng chúng khá thường xuyên.”

17 tuổi Michael Bond gia nhập quân chủng Không quân Hoàng gia. Trong quân ngũ Bond có thể sử dụng máy chữ thoải mái và ông gõ những truyện ngắn đầu tiên. Nhà văn kể, ông viết chúng trong thời gian đóng quân ở Cai rô (Ai Cập). Tác phẩm được nhật báo “London Opinion” đăng tải 1945.

Rời quân ngũ 1947, Micheal Bond được BBC tuyển dụng làm trợ lý quay phim, thoạt đầu ở đài phát thanh, sau đó – kênh truyền hình. Sau giờ làm việc Bond trở về căn hộ một phòng ngủ, nơi ông thuê cùng vợ đầu Brenda và ngồi vào bàn viết. Tác phẩm gửi đến hầu hết các tờ báo trong nước. Song phần lớn đều bị từ chối. “Thời ấy kiếm được nhuận bút 100 bảng/năm, tôi đã sung sướng lắm rồi”. – Bond bây giờ nhớ lại.

Một buổi sáng 1957 trong lúc tìm kiếm ý tưởng viết truyện ngắn mới, Bond chạnh lòng trước chú gấu bông kích thước tương đương quả dứa ông mua tặng vợ đầu dịp Noel 1956. “Nó đứng cô đơn trên giá sách, như đã bị ai đó bỏ rơi. Hình ảnh buồn nẫu ruột” – nhà văn thuật lại với phóng viên tờ “The Telegraph” 2007. Và Bond gõ câu đầu tiên sáng tác mới: “Ông bà Brown lần đầu nhìn thấy Gấu Paddington trên sân ga xe lửa”.

Từ ký ức buồn của cha đẻ Gấu Paddington

Ý tưởng gấu nhỏ từ đất nước xa xôi, đeo mảnh giấy trên cổ, ngồi trên va li nhỏ trên sân ga xe lửa London ùa đến từ ký ức biến cố Bond từng là nhân chứng, thời Chiến tranh Thế giới II. Những đứa trẻ được sơ tán khỏi London ngồi chờ chuyển tầu ở sân ga Reading, nơi Bond chứng kiến. “Tất cả đều có mảnh giấy buộc trên cổ ghi họ tên , địa chỉ và đều mang theo chiếc va li nhỏ, hoặc túi xách đựng đồ.” Bond chia sẻ với phóng viên “The Guardian” 2014. “Trong ý nghĩa đó, Gấu Paddington hiện hình như một kẻ tị nạn. Không có hình ảnh nào buồn hơn thân phận người tị nạn”.

Bond hoàn thành câu chuyện đầu tiên trong các cuộc phiêu lưu của Gấu Paddington sau 10 ngày. Tác giả bán cho nhà xuất bản William Collins and Sons với giá 75 bảng. Tập đầu “Gấu Paddington” chưa thật sự thành công. Mãi đến 1965, sau xuất bản tập 6 về các cuộc phiêu lưu của chú gấu Peru ở London, tác phẩm mới đăng quang bảng xếp hạng “Sách bán chạy nhất”.

Viết đến cuối đời

Tập cuối về Gấu Paddington “Paddington’s Finest Hour” xuất bản tháng 4/2017, Bond hoàn thành không lâu trước ngày ông rời cõi tạm.

Sau lâm bệnh ngắn, Michael Bond qua đời ngày 27/6/2017 tại tư dinh, cách không xa ga xe lửa Paddington. Đến những ngày cuối, ở tuổi 91 nhà văn của tuổi thiếu nhi vẫn chưa từ bỏ những cuộc phiêu lưu mới của gấu bông. Ông tham gia chuyển thể tiểu thuyết lên màn ảnh. Bộ phim đầu tiên về nhân vật-đồ chơi gấu Paddington trình chiếu cuối năm 2015. Rất tiếc tác giả không kịp chứng kiến tác phẩm cùng loại thứ hai ra đời cuối 2017.

Hiện tại ga xe lửa Paddington London là nơi tọa lạc của chú gấu nổi tiếng đặt chân đến London 60 năm trước. Tượng gấu Paddington bằng đồng ngồi trên sân ga bên cạnh chiếc va li nhỏ và mảnh giấy đeo trên cổ với dòng chữ: “Hãy chăm sóc sinh linh nhỏ bé này”. Vào thời điểm Michael Bond vừa qua đời, liên tục nhiều ngày, bạn đọc tìm đến đây đặt hoa và thắp nến. Cũng xuất hiện mảnh giấy với dòng chữ: “Thưa ngài Bond, xin hứa, chúng tôi sẽ chăm sóc chu đáo chú gấu này. Nhà văn có thể yên nghỉ ngàn thu”.

Ngọc Báu

(Nguồn: Postać Paddingtona zrodziła się ze wspomnienia zdarzenia, którego autor był świadkiem podczas wojny)