Hành trình tìm lại Anh ( tiếp theo)

Gom góp nhặt nhạnh từng đồng, chị đã lên đường tìm anh, dồn hết tâm trí tiền bạc vào việc tìm mộ. Mọi cố gắng của chị không đem lại kết quả, mọi người nản chí, khuyên chị không nên đi tìm anh nữa. Đất Quảng Trị dọc ngang như thế nào, chị đã đi khắp. Hễ có manh mối của anh người ta mách, chị cũng lần hỏi tận nơi. Bạn chiến đấu, bạn học đi bộ đội cùng anh, chị cũng tìm đến để hỏi han, tuyệt nhiên không có thông tin gì, như bóng chim tăm cá vậy. Chị mệt mỏi và buồn lắm nhưng vẫn không buông ý định phải tìm bằng được chồng. Trong tầng đất sâu chắc anh cũng đang mong mỏi được gặp lại chị. Chị không quên gương mặt và ánh mắt buồn thăm thẳm của anh trong giấc mơ. Anh đã nói điều gì đó, môi anh mấp máy mà chị không nghe được điều gì cả.

Chị kiên trì trên đất Quảng Trị, hòng tìm được anh. Giời cũng không phụ lòng người, cho tới cái hôm ấy, chị đến đúng nơi chiến trường xưa, nơi anh đã ra đi vĩnh viễn. Đó là một bãi đất mênh mông trồng sắn củ của anh nông dân tên Hậu. Khi biết chị đi tìm mộ chồng thì anh Hậu vào nhà mang ra hai tấm bia. Một tấm có tên anh. Mọi người đều mừng vui và hăm hở đào xới. Đào nát cả khu đất ba, bốn ngày ròng rã người đào cũng nản chí quá rồi nhưng chị vẫn không sờn lòng. Cho đến khi tưởng chừng hết hy vọng thì một chiếc thuốn đã chạm * kịch* một vật cứng. Cẩn thận đào lên được ba di hài. Chị ôm nắm xương của anh, mắt nhòa lệ

. Hơn 30 năm kiếm tìm, họ đã gặp lại nhau, người còn, người ở cõi giới khác. Chị đưa anh về Thái Bình, đưa anh về với quê hương , đưa anh về với mẹ.

Chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống đã bình thường trở lại, vạn vật sinh sôi và phát triển. Ký ức về chiến tranh với sự nhớ nhung chờ đợi, sự chia ly, mất mát đau thương vẫn hằn lên cuộc đời của người phụ nữ ấy. Được làm vợ của anh vỏn vẹn một tuần nhưng chị đã ở vậy thờ chồng với tấm lòng son sắt, thủy chung, vượt qua bao khó khăn trong cuộc sống. Chị có cái tên bình dị Nguyễn Thị Xơ, vợ của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh. Ở quê hương chị xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương tỉnh Thái Bình, mọi người đều yêu mến, cảm phục chị và ca ngợi tình yêu của anh chị!

Lá thư của anh gửi cho chị trước lúc hy sinh, dự cảm của anh cho hành trình trở về quê hương là một điều bí ẩn ( dự cảm cho một cái chết được báo trước), hiện được trưng bày tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị.

Huỳnh Hồng Điệp