Hình xăm chữa lành vết thương lòng

Khoảng 20% người trưởng thành ở Anh có ít nhất một hình xăm trên da và tỷ lệ đó đang tăng lên, The Guardian đưa tin.

Một hiện tượng quen thuộc bạn thường xuyên gặp phải vào mùa hè là mức độ phổ biến của những hình vẽ nghệ thuật trên da. Số lượng hình xăm xuất hiện trên đường phố, trong các quán ăn hay tại trung tâm mua sắm ngày càng tăng. Chúng thể hiện tính sáng tạo của con người.

Hình xăm không chỉ là một phụ kiện

Nhiều người cho rằng hình xăm là kết quả của một xu hướng nhất thời, không phải biểu tượng ẩn chứa ý nghĩa sâu sắc.

Phản bác lại tư duy này, giáo sư Viren Swami, nhà tâm lý học tại Đại học Anglia Ruskin, chuyên nghiên cứu hình ảnh cơ thể, cho rằng những ý kiến như vậy không hoàn toàn đúng. Ông nhận thấy: "Với tính lâu dài, những nỗi đau liên quan và các kế hoạch xoay quanh việc xăm mình, rất khó để khẳng định hình xăm chỉ là phụ kiện thời trang".

Rất khó để khẳng định hình xăm chỉ là phụ kiện. Nhiều người coi xăm mình như hình thức để chữa lành tinh thần. Ảnh: Flipboard.

Theo ý kiến của giáo sư Viren Swami, sẽ thú vị hơn khi nhìn nhận cách mọi người sử dụng nghệ thuật cơ thể để tự nhận thức bản thân. Nghệ thuật là biểu hiện của bản sắc riêng, quyền sở hữu cơ thể và sự phát triển cá nhân.

Bên cạnh đó, nhiều người sử dụng hình xăm như biểu tượng đặc biệt để tưởng nhớ người thân đã mất. Họ lưu giữ kỷ niệm về những người thân yêu bên mình.

Giống như bất kỳ loại hình nghệ thuật nào, xăm hình cần được hiểu từ bối cảnh lịch sử, nguồn gốc phát triển. Từ thời xa xưa, người cổ đại coi làn da như tấm vải. Bằng chứng xác thực lâu đời nhất là cơ thể 5.300 năm tuổi bị đóng băng ở gần Bolzano, Italy. Cơ thể này có 61 hình xăm.

Từ hiện tượng này, nhiều ý kiến tin rằng hình xăm liên quan đến quá trình tiến hóa của con người. Giáo sư Viren Swami cho rằng: "Tôi nghĩ nhìn nhận việc xăm mình từ khía cạnh văn hóa và xã hội sẽ dễ hiểu hơn so với góc độ tiến hóa. Nói cách khác, chúng ta sử dụng nghệ thuật để thể hiện bản thân trong một bối cảnh cụ thể. Đó mới là yếu tố thực sự quan trọng".

Đánh dấu quyền sở hữu cơ thể, chữa lành tâm trí

Hình xăm bắt đầu phổ biến rộng rãi hơn sau chuyến thám hiểm Thái Bình Dương của thuyền trưởng Cook. Những thủy thủ quay trở lại đất liền và mang theo hình ảnh nghệ thuật trên cơ thể được vẽ bởi những người họ gặp.

Vào cuối thế kỷ 19, khi chiếc máy xăm điện đầu tiên được phát minh, hình xăm đột nhiên trở thành xu hướng. Nó phổ biến rộng rãi trong giới thượng lưu Anh. Bước sang thế ỷ 20, loại hình nghệ thuật này dần mất đi dấu ấn riêng.

Hình xăm thành một phần của phong trào punk và văn hóa băng đảng, trước khi trở lại là xu hướng chính thống. Cuối những năm 1990, xăm hình gắn liền với hình ảnh của nghệ sĩ. Nổi bật trong số đó là David Beckham hay Angelina Jolie.

Sự phát triển của hình xăm cho thấy tư duy của giới trẻ về cơ thể đang thay đổi. Giáo sư Viren Swami nhận thấy xăm mình là cách để mọi người thực hiện quyền sở hữu và đánh dấu sự kiểm soát đối với cơ thể.

Cùng với lịch sử lâu đời, hình xăm có nhiều ý nghĩa sâu xa. Nó không chỉ dừng lại ở giá trị thẩm mỹ bên ngoài. Ảnh: @cherylswarlez, @mowgli_artist.

Trong khi đó, tiến sĩ Joseph Pierre, làm việc tại Đại học California, Los Angeles, tin rằng: "Lộ da thịt và tô điểm cho cơ thể bằng những hình xăm là cách để thể hiện với thế giới những điều luôn bị che giấu".

Joseph Pierre khẳng định hình xăm có ý nghĩa sâu xa hơn, không chỉ dừng lại ở giá trị thẩm mỹ bên ngoài. Ông cho rằng các hình vẽ kể câu chuyện không thể diễn tả bằng lời qua nghệ thuật.

Mặt khác, Mowgli, nghệ sĩ xăm hình ở London, mô tả rằng mỗi tác phẩm nghệ thuật của anh đều bắt đầu bằng cuộc trò chuyện kéo dài hàng giờ với khách hàng. Họ sẽ cùng thảo luận để chọn ra tác phẩm cuối cùng. Mowgli tin rằng hình xăm ẩn chứa nhiều ý nghĩa, bao gồm sự mất mát, đau buồn hoặc nguồn sức mạnh tinh thần lớn lao.

Đồng tình với suy nghĩ này, giáo sư Susan Cadell đã nói về câu chuyện của một cặp vợ chồng mất đi con trai. Người con trai từng có hình xăm trên cơ thể. Sau khi anh mất, người cha tìm đến thợ xăm và thực hiện hình vẽ tương tự. Hình xăm trở thành biểu tượng để tưởng nhớ.

Bên cạnh đó, ngày càng nhiều người đầu tư vào hình xăm lấy cảm hứng từ đại dịch. Họ cho rằng đây là cách để đánh dấu hành trình trải qua dịch bệnh và nỗ lực trở lại cuộc sống bình thường.

Song song với độ phổ biến của nghệ thuật xăm hình, vẫn tồn tại sự kỳ thị xung quanh các hình vẽ trên cơ thể. "Tôi biết có nhiều tổ chức yêu cầu nhân viên giấu các hình xăm. Chúng ta có cả một thị trường đồ trang điểm để che đi những hình vẽ", ông Viren Swami nói.

Giáo sư Viren Swami cho rằng đã đến lúc mọi người nên nhận thức rằng xăm không chỉ là vẽ lên da. Nó ẩn chứa nhiều ý nghĩa quan trọng.

Giai Kỳ