Học Ngữ văn bằng... phim

Tiết học hôm nay của lớp 10D1, Trường THPT số 1 thành phố Lào Cai sôi nổi hơn, nhiều phút giây lắng đọng, những giọt nước mắt lăn dài khi những đoạn phim văn học được phát trên màn hình trình chiếu. Những đoạn phim đen trắng, hoài cổ, diễn viên là chính các thành viên trong lớp, nội dung được chuyển thể là các tác phẩm văn học trong sách giáo khoa, tất cả được tái hiện sống động và đầy cảm xúc.

Trực tiếp hóa thân vào nhân vật bà cụ trong tác phẩm “Một bữa no” và cũng là vai diễn được bình chọn là “Diễn viên nữ xuất sắc nhất”, Trần Vân Trang tâm sự: Chúng em lựa chọn 2 đoạn để dựng thành phim, đó là cảnh bà cụ bán cháu cho bà phó Thụ để lấy 10 đồng và cảnh bà ra thăm cái đĩ, bị bà phó Thụ chà đạp lên lòng tự trọng. Để toát lên hình ảnh một bà lão nông dân nghèo khổ, đau đớn khi phải bán cháu chỉ vì đói và uất nghẹn khi bị chà đạp, rồi nhận cái chết tức tưởi, em đã phải đọc kịch bản rất kỹ và học diễn xuất trong bộ phim “Sao tháng Tám”. Kết quả là phân đoạn của em đã lấy đi nhiều nước mắt của bạn bè trong lớp, cô giáo và cả phụ huynh.

Trần Khánh Ly (nhân vật bà phó Thụ - “Một bữa no”) cho hay: Nhóm em có 10 người thì 7 người làm diễn viên, còn lại quay phim, đạo diễn và hỗ trợ. Tranh thủ những ngày cuối tuần không phải lên lớp, nhóm tập trung các thành viên để hoàn thiện tác phẩm. Do vận dụng các cảnh quay tại địa phương và trang phục tự sắm nên kinh phí làm phim không đáng kể. Với độ dài hơn 13 phút, đoạn phim nhấn mạnh vào tình cảnh thê thảm của nông dân Việt Nam trong nạn đói năm 1945. Nếu như lão Hạc chọn cách tự kết thúc đời mình bằng bả chó thì bà lão chọn bữa cơm no nhất trong đời, đó là hai trong nhiều cái chết đau đớn trong các tác phẩm của Nam Cao. Đoạn phim sau khi được đăng tải lên youtube đã nhận được nhiều lời khen ngợi. Với hơn 3.000 view, gần 400 like, đoạn phim đạt “Phim xuất sắc nhất”.

“Phim dựa trên bối cảnh thực dân Pháp xâm lược cùng với nạn đói hoành hành, nội dung phim xoay quanh khung cảnh gia đình chị đĩ Chuột. Do hoàn cảnh gia đình nghèo khổ, anh đĩ Chuột lại lâm bệnh nặng, chị đành phải cho các con ăn cám nhưng lại nói dối là chè. Anh đĩ Chuột nhìn hình ảnh ấy mà thấy day dứt, có ý định tự tử. Đúng lúc ấy, bà huyện - người đã cho gia đình chị đĩ Chuột mượn tiền - tới đòi nợ. Đoạn phim đã phản ánh hiện thực tàn khốc của cái nghèo, cái đói đeo bám dai dẳng người dân Việt Nam thời kỳ đó khiến họ rơi vào bước đường cùng mà tuyệt vọng... Liệu rằng số phận nhà chị đĩ Chuột sẽ ra sao, mời các bạn cùng đón xem đoạn phim” - đó là lời giới thiệu của nhóm tác giả đoạn phim “Nghèo” chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Nam Cao.

Nguyễn Hữu Trọng (vai chồng bà huyện - tác phẩm “Nghèo”) vốn là học sinh “sợ” môn Ngữ văn nhưng sau khi được tham gia cuộc thi làm phim văn học do lớp tổ chức, Trọng thấy môn Ngữ văn không hề “khó nuốt” như mình nghĩ. “Vai diễn của em thoại ít nhưng ánh mắt, cử chỉ phải toát lên vẻ quyền lực, độc ác của tầng lớp địa chủ. Sau khi được nhập vai vào đoạn phim và được xem các tác phẩm của nhóm khác, chắc chắn rằng em và các bạn sẽ tự “ngấm” nội dung các tác phẩm văn học một cách tự nhiên nhất. Các tác phẩm được dựng thành phim chỉ là một phần nhỏ so với khối lượng chương trình học nhưng đã mang lại nhiều hứng thú cho chúng em với môn Ngữ văn” - Trọng hào hứng.

Các đoạn phim ngắn của các nhóm học sinh được đăng tải lên youtube và được chiếu trong các tiết văn học, đồng thời được lưu lại để làm tài liệu tham khảo cho học sinh khóa sau. Chia sẻ về hình thức sân khấu hóa các tác phẩm văn học, cô Đỗ Thị Hạnh, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT số 1 thành phố Lào Cai cho biết: Làm sao đưa văn học gần gũi hơn với đời sống, luôn là câu hỏi và trăn trở của tôi.

Câu trả lời là nên để học sinh tự đi qua, tự tìm hiểu và trải nghiệm theo cách của mình. Trong bối cảnh đổi mới giáo dục đang diễn ra mạnh mẽ, tôi và các đồng nghiệp nói chung đã tận dụng những ưu thế của công nghệ thông tin để đổi mới hoạt động dạy học trong môn Ngữ văn, như sử dụng các phần mềm tiện ích (Canva, Padlet) để học sinh có thể trải nghiệm viết các văn bản thông tin (tin, bài về các hoạt động diễn ra ở trường hoặc trong tỉnh, thiết kế các bản nội quy hướng dẫn ở các không gian khác nhau); thực hiện các bài thuyết trình báo cáo trên các phần mềm ứng dụng mới, tạo trực quan sinh động; làm các video giới thiệu về tập thơ, truyện ngắn... Dù học sinh thế hệ “GenZ”, trải nghiệm cuộc sống chưa nhiều nhưng lợi thế là sự am hiểu về công nghệ số nên đã ứng dụng rất tốt để lan tỏa các tác phẩm văn học vào cuộc sống.

Cô Hạnh cũng cho rằng, việc sân khấu hóa các tác phẩm văn học trong nhà trường đã giúp học sinh phát huy được năng lực tự học, thực hành ứng dụng, năng lực giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo, năng lực thẩm mỹ, khả năng tổ chức, phân công, lựa chọn, diễn xuất... Hoạt động này cũng tạo ra sự hứng thú, tăng thêm tinh thần đoàn kết, sự sẻ chia, gắn việc học lý thuyết với thực hành. Đặc biệt, hoạt động này thể hiện rõ bản chất của sự đổi mới trong giáo dục, nâng cao được chất lượng, hiệu quả dạy và học môn Ngữ văn.