Hủy hoại tài sản chung là vi phạm pháp luật

Các luật gia Hội Luật gia tỉnh tư vấn pháp luật về tranh chấp tài sản, đất đai cho người dân ở xã Phú Thạnh (H.Nhơn Trạch) vào tháng 9-2020. Ảnh: Đoàn Phú

Do đó, người nào có hành vi tự ý hủy hoại phần tài sản trong khối tài sản chung có thể cấu thành tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác.

* Không được tự ý phá hủy tài sản chung

Ông Đ.T.H. (ngụ xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu) trình bày, ông và bà Đ.T.T. (em gái của ông, ngụ cùng địa chỉ) có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (gọi tắt là tài sản). Tài sản này, ông H. và bà T. được anh trai là ông Đ.T.D. (mất năm 2020) tặng cho hợp pháp vào năm 2019. Hiện tại, vợ chồng ông H. đang sinh sống và quản lý tài sản này.

Ngày 1-7-2021, nhân lúc ông đi làm ở H.Long Thành, chỉ có vợ ông và 2 con nhỏ ở nhà, bà T. tự ý cho người phá cổng rào, đuổi vợ con ông ra khỏi nhà, tiến hành tháo dỡ căn nhà, hủy hoại và di chuyển tài sản của gia đình ông đi chỗ khác. Sự việc trên được Công an xã Tân Bình lập biên bản và yêu cầu bà T. dừng hành vi hủy hoại, xâm phạm tài sản. Sau khi ngôi nhà bị phá hỏng, vợ chồng ông H. không dám ở trong căn nhà trên nữa. Ông H. thắc mắc, việc bà T. lấy lý do là tài sản chung nên có quyền thích làm gì thì làm, như vậy có đúng pháp luật?

Trao đổi về trường hợp này, luật sư Lưu Hồng Khanh (Đoàn Luật sư tỉnh) giải thích, ông H. và bà T. có quyền ngang nhau về tài sản chung này. Khi muốn phân chia tài sản chung hợp nhất trong trường hợp hai bên không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu tòa án phân chia tài sản. Theo quy định của pháp luật, bà T. không được tự ý định đoạt tài sản chung bằng hành vi trái pháp luật như ông H. trình bày. “Tài sản chung hợp nhất của các đồng sở hữu được Hiến pháp, pháp luật dân sự ghi nhận, bảo hộ. Do đó, khi các đồng sở hữu không tự phân chia, định đoạt được thì các bên có quyền yêu cầu UBND cấp xã hòa giải hoặc tòa án giải quyết. Việc cá nhân tự định đoạt mà không được sự đồng ý của một bên và sự định đoạt đó trái pháp luật, đạo đức xã hội, vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể khác là vi phạm pháp luật” - luật sư Lưu Hồng Khanh phân tích.

Cũng theo luật sư Lưu Hồng Khanh, thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm: tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng; lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút; chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại… Người gây thiệt hại phải có trách nhiệm bồi thường và tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

* Vợ chồng cũng không được hủy hoại tài sản chung

Trong hôn nhân, việc vợ chồng mâu thuẫn, lục đục xuất phát từ việc quản lý, sử dụng tiền bạc, tài sản chung là điều khó tránh khỏi. Tuy vậy, pháp luật nghiêm cấm việc vợ hoặc chồng hủy hoại tài sản riêng, tài sản chung của nhau. Chẳng hạn như trường hợp ông P.V.K. (ngụ xã Đắc Lua, H.Tân Phú) vì giận vợ mà đập phá tivi, xe máy. Hoặc ông L.B.U. (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) vì ghen tuông vô cớ mà đốt, cắt những bộ đồ, túi xách hàng hiệu của vợ.

Luật sư Lưu Hồng Khanh phân tích, tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra; thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh; hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân. Tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.

Cũng theo luật sư Lưu Hồng Khanh, vợ chồng cùng nhau tạo lập, phát triển khối tài sản chung có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung. Do đó, pháp luật nghiêm cấm việc vợ hoặc chồng tự ý định đoạt tài sản chung mà không được sự đồng ý, trái ý muốn của người vợ hoặc chồng. Người nào vi phạm sẽ phải bồi thường, chịu trách nhiệm hành chính, hình sự về hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản như đã phân tích ở trên.

Tuy vậy, luật sư Lưu Hồng Khanh cũng lưu ý, không phải hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản đều cấu thành tội phạm. Hành vi này cấu thành tội phạm khi hội đủ các điều kiện về chủ thể (người thực hiện hành vi phải có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự); khách thể (xâm phạm đến quan hệ sở hữu), mặt khách quan của tội phạm (làm tài sản lâm vào tình trạng mất hẳn giá trị sử dụng của nó, không thể khôi phục được. Thiệt hại gây ra phải từ 2 triệu đồng trở lên, nếu dưới 2 triệu đồng thì phải gây hậu quả nghiêm trọng hoặc người phạm tội đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi tương tự, hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích); mặt chủ quan của tội phạm (hành vi được thực hiện với lỗi cố ý nhằm hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác).

Tại Điểm a, Khoản 2, Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình quy định phạt từ 2-5 triệu đồng đối với hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác. Còn Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2017 quy định, tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản bị phạt từ 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm.

Đoàn Phú