Kết nối văn hóa bản địa với nghệ thuật đương đại

Quy tụ những tiếng nói mới, độc đáo

Lần đầu tiên có 6 nghệ sĩ đến từ Việt Nam và Scotland (UK): Hoài Anh, Trung Bảo, Ly Mí Cường, Lương Minh, Sholto Dobie và Inge Thomson cùng tham gia một dự án về văn hóa bản địa. Họ là những nghệ sĩ đương đại, mà nghệ thuật và bản dạng của họ chứa đựng nhiều điểm nổi bật, có nhiều tiềm năng phát triển và khác biệt so với các đồng nghiệp cùng thế hệ. Họ có thể là những nghệ sĩ âm nhạc đương đại thể nghiệm, đa phương tiện, đa ngành, những người muốn vượt qua ranh giới giữa các thể loại.

Nghệ sĩ Hoài Anh.

Đó là Trung Bảo (Nguyễn Bảo Trung) - nghệ sĩ Việt Nam tiên phong trong lĩnh vực thể nghiệm âm thanh từ tiếng nói con người. Sở hữu âm vực đặc biệt, cùng với kiến thức sâu rộng về những kỹ thuật biểu đạt giọng nói con người được thu thập từ nhiều nơi trên thế giới, Trung Bảo đã và đang đẩy xa giới hạn của tiếng nói con người, liên tục đổi mới và đạt được những giải thưởng cũng như sự đón nhận trong và ngoài nước.

Trung Bảo đã từng hợp tác với nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ như nghệ sĩ guitar World Music Nguyên Lê, hay nghệ sĩ đa nhạc cụ và ca sĩ truyền thống Ngô Hồng Quang, kết hợp âm nhạc truyền thống Việt Nam với nhiều màu sắc và chất liệu khác nhau, kết nối khản giả với những góc nhìn đa chiều và phá bỏ ranh giới giữa những thể loại âm nhạc. Những phần biểu diễn của anh thu hút được lượng người theo dõi trực tuyến đáng kể, vượt qua 80 triệu lượt xem, củng cố vị trí của anh như một người tiên phong trong lĩnh vực thể nghiệm giọng nói con người.

Anh là người sáng lập và giám đốc sáng tạo của Fustic. Studio cùng với dự án nghệ thuật Voice Gems, Trung Bảo được biết tới với những sáng tạo đột phá, kết hợp giữa công nghệ và nghệ thuật. Trung Bảo cùng với nghệ sĩ đương đại người Anh Reeps100 đồng phát triển nên hệ thống Voice Gems, sử dụng những yếu tố đặc trưng của giọng nói con người, tạo tác ra những viên đá quý kỹ thuật số song song với những tác phẩm điêu khắc vật lý, như những "dấu vân tay'' của giọng nói con người.

Với những khám phá và sự am hiểu về âm vực tiếng nói con người, Trung Bảo cùng với Reeps100 thành lập nên 1000-Year VOICE GEMS archive, với mục đích bảo tồn những giọng nói độc đáo, có tầm ảnh hưởng và dễ bị tổn thương trên thế giới… Những thực hành sáng tạo của Trung Bảo đã giúp anh được vinh danh trong danh sách 30 Under 30 danh giá của Forbes Việt Nam vào năm 2020.

Nghệ sĩ Lương Minh.

Đó là Lương Minh bắt đầu học nhạc cổ điển tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam với bộ môn Kèn Trumpet từ năm 2005. Sau khi tốt nghiệp Trung cấp trường nhạc; giành được học bổng toàn phần du học tại Nga trong 5 năm, Minh tìm hiểu thêm về nhạc Jazz, Pop, Ballad… trong 5 năm du học. Anh hoàn thành chương trình cử nhân trong lĩnh vực nghiên cứu Khoa Giáo dục Sư phạm Trường Đại học Tổng hợp Kursk, Liên bang Nga. Lương Minh nằm trong số những nghệ sĩ tốt nghiệp khóa học nhạc Thể nghiệm đầu tiên tại trung tâm Đom đóm và khóa học nhạc điện tử thể nghiệm do Đom đóm kết hợp với Trường Đại học về nhạc Malmo tại Thụy Điển.

Đó là Ly Mí Cường, một nghệ sĩ trẻ người Mông đến từ vùng cao Hà Giang, Việt Nam. Anh lớn lên trong môi trường văn hóa bản địa của cộng đồng Mông, được theo học các nghệ nhân chơi các nhạc cụ như sáo, đàn môi, khèn… và thực hành âm nhạc dân gian hàng ngày tại vùng đất của mình. Anh thể hiện sự quan tâm đến phát triển nghệ thuật dân gian Mông theo hướng đương đại qua việc tiếp xúc cũng như học hỏi từ các nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế thông qua các dự án phát triển văn hóa nghệ thuật. Hiện tại, anh đang theo học chuyên ngành nhạc cụ truyền thống tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Nghệ sĩ Mí Cường.

Và Hoài Anh, từng được đào tạo qua các trường lớp âm nhạc chuyên nghiệp trong và ngoài nước: nhạc dân tộc, với các nhạc cụ tranh, bầu, T'rưng tại Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Hà Nội; nhạc cổ điển với piano, harp tại Học viện Âm nhạc quốc gia thành phố Bordeaux (Pháp), nhạc electro acoustic tại Nhạc viện George Bizet ở Paris (Pháp). Dưới sự dìu dắt tận tình của nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc cổ truyền nổi tiếng, GS.TS.Trần Văn Khê, cô đã tốt nghiệp Thạc sĩ khoa nghiên cứu Dân tộc nhạc học Trường Sorbonne, Paris, năm 2009, chuyên ngành Hát chèo; tiếp đó, về nước công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam với vai trò phóng viên âm nhạc từ 10 năm nay.

Họ cùng kết nối với nhau trong một dự án mang tên "Thanh Cảnh", phát triển cuộc đối thoại đa dạng giữa các nghệ sĩ thuộc các thế hệ, nền văn hóa và nguyên tắc khác nhau, xoay quanh chủ đề môi trường sống và di sản nghệ thuật truyền thống. Quá trình làm việc sẽ tập trung vào việc sáng tạo, cộng tác và phát triển các chất liệu bản địa, nhằm mở rộng sự đa dạng và khả năng phát triển của nghệ thuật truyền thống trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Đa dạng trải nghiệm văn hóa nghệ thuật

Dự án "Thanh Cảnh" cùng sự đồng hành của 6 nghệ sĩ sẽ tạo ra hành trình mà các nghệ sĩ và khán giả sẽ cùng đồng hành, mang đến những trải nghiệm thực tế và sự hiểu biết sâu sắc về chủ đề môi trường sống và tác động của biến đổi không gian văn hóa đối với di sản bản địa. Qua những trải nghiệm này, nghệ sĩ không chỉ nâng cao kiến thức ngoài lĩnh vực nghệ thuật của họ, mà còn giải phóng tư duy sáng tạo, tăng cường sự tự tin và xây dựng hồ sơ quốc tế, cùng với việc tạo dựng mối kết nối với những nghệ sĩ trong lĩnh vực nghệ thuật khác. Kết quả cuối cùng mà các nghệ sĩ đạt được khi tham gia dự án sẽ là những tác động đa dạng. Đó có thể là một tác phẩm âm nhạc mới, một tác phẩm sắp đặt, một tác phẩm sân khấu mới, sự hợp tác xuyên biên giới với công ty của đối tác dự án hoặc một tác phẩm nghệ thuật được tạo ra có sự tham gia của cộng đồng.

Nguyễn Quốc Hoàng Anh - người khởi xướng dự án "Thanh Cảnh", với niềm tin rằng văn hóa nghệ thuật là một quá trình liên tục tích lũy kinh nghiệm từ quá khứ qua nhiều thế hệ, và chúng ta đều lấy cảm hứng từ những người đi trước. Các dữ liệu liên quan đến quá trình thực hành của các nghệ sĩ, bao gồm tài liệu nghiên cứu, phim tài liệu theo chủ đề, ghi chú về thực địa từ các nghệ sĩ, … cũng sẽ được chuyển giao đến cộng đồng các nghệ sĩ trẻ tham gia vào các chương trình của dự án.

"Chúng tôi mong muốn tạo điều kiện cho các nghệ nhân dân gian và nghệ sĩ chuyên nghiệp tại địa phương để chia sẻ kiến thức với thế hệ trẻ hơn, truyền cảm hứng thông qua sự tương tác giữa các thế hệ - một ví dụ khác về việc chia sẻ tri thức. Chúng tôi khuyến khích sự giao lưu và học hỏi giữa các thế hệ, tạo ra một môi trường mà các nghệ sĩ trẻ có thể tiếp cận với những nguồn cảm hứng và tri thức bản địa phong phú từ các người đi trước" - Hoàng Anh chia sẻ.

Sáng kiến văn hóa nghệ thuật "Thanh Cảnh" 2023 với mục tiêu mang đến cho các nghệ sĩ tiềm năng của Việt Nam cơ hội để học hỏi, sáng tạo và phát triển. Thanh Cảnh thúc đẩy việc tạo ra những tác phẩm nghệ thuật mới, trở thành cảm hứng giúp chúng ta đặt ra những câu hỏi về mối liên hệ giữa con người và môi trường sống. Từ cảnh quan sinh thái, môi trường xã hội đến di sản bản địa, "Thanh Cảnh" khơi gợi tới công chúng nhiều suy ngẫm về việc cảnh quan đóng vai trò như một tấm nền mà trên đó, những ý niệm và quan niệm gắn liền với thuật ngữ "hiện đại" liên tục được biểu đạt. "Thanh Cảnh" mong muốn đem đến những góc nhìn mới về nghệ thuật đương đại, xây dựng nền tảng kết nối dài hạn về thực hành nghệ thuật, qua đó tìm kiếm những tác phẩm nghệ thuật đột phá và có tính chất liên ngành.

"Thanh Cảnh" 2023 bao gồm 2 giai đoạn, diễn ra vào tháng 6 và tháng 9 năm 2023. Chuỗi sự kiện bao gồm các hoạt động: điền dã âm thanh, xưởng nghiên cứu theo chủ đề, cùng chương trình phát triển khán giả, sự kiện mở xưởng trong đó các nghệ sĩ sẽ chia sẻ ý tưởng phát triển tác phẩm và chương trình giới thiệu tác phẩm hoàn thiện.