Kết quả vụ kiện cảnh phim nhạy cảm trong '13 Reasons Why'

Ngày 11/1, Hollywood Reporter đưa tin một thẩm phán liên bang đã bác bỏ đơn kiện chống lại Netflix của gia đình có thành viên thực hiện hành vi tự tử. Trước đó, nguyên đơn cho rằng con gái họ tự vẫn sau khi xem series 13 Reasons Why.

Gonzalez Rogers, thẩm phán U.S. District, cho rằng phán quyết dựa trên quyền tự do ngôn luận. Luật pháp cho thấy nền tảng này không thể bị kiện chỉ vì phát sóng bộ phim có cảnh tự tử.

"Đây là trường hợp bi thảm. Nhưng cuối cùng, tôi không nghĩ vụ kiện là đúng", Gonzalez Rogers nói.

Một cảnh trong series học đường 13 Reasons Why. Ảnh: Netflix.

Đơn kiện ông lớn trực tuyến được gửi lên tòa án hồi tháng 8/2021. Gia đình của John Herdon cáo buộc Netflix không làm mờ nội dung khêu gợi và cảnh tự tử của một thiếu niên dẫn đến vụ tự kết liễu cuộc sống của con gái ông.

Đại diện nhà sản xuất phản bác tại tòa rằng dịch vụ phát trực tuyến đã cảnh báo người xem. Những tác phẩm có cảnh nhạy cảm như The Perks of Being a Wallflower, Dead Poets SocietyDear Evan Hansen đều được gắn nhãn.

"Những người sáng tạo như chúng tôi có nhiệm vụ gắn nhãn, cảnh báo người xem về các tác phẩm có nội dung tự tử để tránh chịu trách nhiệm pháp lý", luật sư tuyên bố.

Trong phiên điều trần, luật sư bên nguyên bác bỏ cáo buộc nội dung phim khiến người xem tự sát. Người này tập trung các lập luận về thuật toán của Netflix. Ông cho rằng việc đề nghị người dùng nên xem chương trình nào là tính năng nguy hiểm.

"Trường hợp này nói lên việc quyền riêng tư của trẻ em bị tổn thương. Những hậu quả này không thể thấy trước, nằm ngoài khả năng cảnh báo của Netflix", ông nói.

Hiện tại, Netflix đã xóa cảnh tự sát dài gần ba phút trong phần cuối mùa một của 13 Reasons Why.

Trạch Dương