Khoảng cách nào giữa phim và đời?

Một cảnh trong bộ phim "Người phán xử".

Trong buổi lấy ý kiến về dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi diễn ra ngày 14/9, ông Lê Tấn Tới - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội, đã đề nghị bổ sung quy định cấm phim có tình tiết cổ xúy cho hành vi vi phạm pháp luật, như phạm tội nhưng không bị xử lý, sống ích kỷ; phản ánh quá chân thực, quá chi tiết về sự tự chuyển biến, tự chuyển hóa, làm người xem nhận thức sai và có thể bắt chước, làm theo.

Cụ thể, ông Lê Tấn Tới nhấn mạnh: “Điển hình như mới đây VTV1 chiếu phim ”Người phán xử”. Sau khi chiếu bộ phim đó, tình hình các băng ổ nhóm tội phạm, xã hội đen xảy ra rất nhiều. Phim chiếu trên giờ vàng, ai chịu trách nhiệm về vấn đề này? Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, nhưng trong phim các vấn đề lại đưa cho ông trùm phán xử, thậm chí phán xử cả lực lượng công an”.

Có phải vì xem phim “Người phán xử” mà một số người bỗng dưng trở thành tội phạm không? Hay là, những kẻ ác có ghé mắt lên màn ảnh nhỏ với vài tình huống gay cấn trong phim “Người phán xử” mà kích hoạt bản tính hung tợn hơn? Không có một điều tra xã hội học nào về góc độ ấy, để có kết luận cho chính xác. Thực tế, nội dung “Người phán xử” hoàn toàn không phải do người Việt Nam tự hư cấu. Bộ phim “Người phán xử” được làm lại từ kịch bản gốc của Israel. Nhiều quốc gia khác cũng làm lại “Người phán xử” như Trung Quốc và Hàn Quốc, mà không hề có ai than vãn phát sinh tội phạm. Đạo diễn Nguyễn Mai Hiền khi dàn dựng “Người phán xử” phiên bản Việt Nam đã lược bỏ nhiều chi tiết bạo lực và nhạy cảm, cho phù hợp văn hóa nước ta.

Là người đóng vai Lương Bổng trong bộ phim “Người phán xử”, Nghệ sĩ Nhân dân Trung Anh khá bất ngờ khi nghe tin tác phẩm này tác động tiêu cực đến đời sống. Nghệ sĩ Nhân dân Trung Anh chia sẻ: “Bộ phim phản ánh một phần góc khuất xã hội, những mánh khóe của giới băng đảng ngầm mà người bình thường khó tưởng tượng. Đó cũng là cách giúp khán giả nhận ra cái xấu, cái ác và tránh được những sai lầm. Vai diễn của tôi được nhiều khán giả yêu thích, nhưng Lương Bổng vẫn chết ở cuối phim. Tuy phải sống trong chốn gió tanh mưa máu, Lương Bổng nhận thức được mặt trái của những việc mình làm nhưng không thể bước ra khỏi vòng xoáy ấy. Trước khi chết, nhân vật đưa cuốn sổ chứa nhiều tài liệu quan trọng cho cơ quan điều tra. Việc này cho thấy ông ta bế tắc và đó cũng là sự trả giá cho việc chọn lầm đường”.

Nghệ sĩ Nhân dân Trung Anh đóng vai Lương Bổng trong "Người phán xử".

Câu chuyện liên tưởng giữa phim và đời, xoay quanh bộ phim “Người phán xử”, đã tạo ra nhiều tranh luận trên các diễn đàn điện ảnh. Những nhà hoạt động ở lĩnh vực nghệ thuật thứ bảy đều cho rằng, vấn đề kiểm duyệt phim về giang hồ đã được đưa ra nhiều lần trong các hội thảo chuyên môn. Không nên cấm tuyệt đối thể loại phim về xã hội đen, nhưng người làm phim cần cân nhắc cách dàn dựng và hình thức phát hành.

Đối với phim truyền hình nói chung, các đài truyền hình cần xếp khung giờ phù hợp với đối tượng khán giả của mỗi tác phẩm. Còn phim chiếu rạp lâu nay vẫn được dán nhãn theo độ tuổi. Phim ảnh có thể phơi bày hiện thực kinh khủng nhưng với mục đích cảnh tỉnh khán giả, khiến mọi người sợ và tránh xa những thứ xấu. Đối với phim chiếu trên truyền hình, khán giả trưởng thành có quyền quyết định xem hoặc tắt tivi, khán giả nhỏ tuổi thì cần có cha mẹ giám sát.

Cũng tại buổi lấy ý kiến về Luật Điện ảnh sửa đổi, bà Nguyễn Thị Thanh - Trưởng ban Công tác đại biểu của Quốc hội yêu cầu bổ sung thành phần thẩm định phim. Dự thảo nêu thành phần thẩm định có 2/3 là nhà chuyên môn, 1/3 là nhà quản lý điện ảnh là chưa phù hợp, cần bổ sung nhà chuyên môn, chính trị, chuyên gia liên quan đến nội dung điện ảnh, đặc biệt là an ninh, quốc phòng, tín ngưỡng, tránh để lọt những phim làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị”.

Đúng là lâu nay vấn đề thẩm định phim có không ít bất cập. Thế nhưng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế thì điện ảnh là thể loại xung kích nhất để mang bản sắc Việt Nam ra thế giới. Sân chơi chung không hề đơn giản, mà đòi hỏi tinh thần cởi mở và cầu thị. Nếu mặc định đời giống như phim và phim giống như đời, thì sẽ giới hạn biên độ sáng tạo của các nghệ sĩ. Mặt khác, điện ảnh là một ngành nghệ thuật, mỗi bộ phim không phải phóng sự được ghi hình tỉ mỉ để phát sóng.

Khoảng cách giữa phim và đời, nên được hiểu như thế nào? Đó là giá trị thẩm mỹ của tác phẩm. Trước đây, bộ phim “Bụi đời Chợ Lớn” bị cấm chiếu, vì những cảnh bạo lực không hề hé lộ thông điệp nhân sinh gì cho khán giả. Còn bộ phim “Người phán xử” là hành trình cảnh báo sự lạc lối và sự hoàn lương. Công chúng xem phim để thưởng thức những khoảnh khắc thăng hoa của nghệ thuật, chứ không phải tìm kiếm một bài học đạo đức sơ cứng và tẻ nhạt. Phim và đời, tưởng hơi xa xôi mà rất gần gũi , tưởng thật gần gũi mà lại vô cùng xa xôi.

PHẠM TUẤN