Không ai chọn cha mẹ

Thế nhưng, cũng có trường hợp những đứa con phải khóc vì cha mẹ mình. Có thể đó là một người mẹ chẳng bao giờ quan tâm đến con cái, chỉ biết hưởng thụ riêng cho mình.

Không hiếm các bà mẹ vì đam mê cờ bạc hay ngoại tình mà làm tan nát cửa nhà, rồi những bà mẹ suốt ngày thích đàn đúm bên ngoài với bạn bè, hết mua sắm lại đến các thú vui giải trí, việc nhà phó mặc cho người giúp việc, con đi đường con, bố đi đường bố.

Cũng không hiếm các ông bố cứ thích những mối quan hệ tình cảm ngoài luồng, viện cớ vì công việc làm ăn… Và như thế, sẽ có những đứa con cô đơn ngay chính trong căn nhà của mình.

Có cha mẹ mà như không. Có đứa con vượt qua được, có đứa con không thể, chúng tự hủy hoại tương lai và đổ mọi tội lỗi cho bố mẹ.

Ảnh mang tính minh họa.

Trong bộ phim của Hàn Quốc Thế giới họ đang sống, có hai nhân vật đều là đạo diễn phim truyền hình, họ yêu nhau nhưng có xuất phát từ thành phần gia đình không giống nhau, chính vì khoảng cách giàu – nghèo và tình thương gia đình dành cho hai người đối nghịch nên giữa họ thường phát sinh mâu thuẫn.

Nếu anh chàng gốc gác nông thôn, cha mẹ là nông dân, thật thà, chất phác thì cô nàng có thành phần gia đình hơi phức tạp.

Cha cô là một giáo sư, nhà văn, nhưng xuất thân nghèo khó, còn mẹ cô thuộc gia đình giàu có và công việc kinh doanh của bà luôn thuận lợi, là chủ sở hữu nhiều tòa nhà trong thành phố lớn. Tuy nhiên, nếu cha cô có cuộc sống ngăn nắp thì mẹ cô có lối sống buông thả, uống rượu, chơi bài…

Và điều này khiến cô ngày càng xa rời mẹ mình. Vốn là một người con trai rất thương mẹ nên anh chàng không chấp nhận việc cô người yêu không gọi điện thoại cho mẹ ruột, nhất là khi cô nói cho anh biết cha mẹ cô đang làm thủ tục ly hôn.

Theo ý anh, lúc cha mẹ cô trong tình trạng xấu nhất này, cô cần phải quan tâm đến hai người hơn. Điều này đã khiến hai người luôn tranh cãi mỗi khi gặp nhau.

Một ngày, sau công việc, cô gái bỗng cảm thấy cô đơn tột cùng, cô muốn đến thăm cha, chỉ để mong được ngả vào lòng cha và khóc thật to như ngày xưa mỗi lần cô vấp ngã.

Cô mới phát hiện ra cha cô đang sống với một người phụ nữ trẻ, đẹp. Mang tâm trạng thất vọng đến tột cùng đó, cô đã giãi bày hết với người yêu hoàn cảnh gia đình mình.

Cô cho rằng, sở dĩ những bộ phim cô làm ra khô cứng và lạnh lẽo bởi vì cô không có được một người mẹ lo việc đồng áng, yêu thương con và gởi cho con bao nhiêu là mật ngọt để làm được những bộ phim ấm áp và đầy tình người như anh.

Bởi vì có cha mẹ sống hạnh phúc nên anh không thể nào hiểu được tâm trạng của cô và cô khóc, tức tưởi, uất ức, bao nhiêu dồn nén trong tâm hồn từ nhỏ cho đến lớn như được tuôn ra theo dòng nước mắt.

Mới thấy một điều rằng, có ý nghĩa gì nếu sống trong giàu sang, vật chất đầy đủ nhưng thiếu thốn tình thương yêu của cha mẹ?

Có câu chuyện kể rằng, hai gia đình sống cạnh nhau. Một nhà giàu sang, kín cổng cao tường nhưng bên trong luôn lạnh lẽo bởi các thành viên trong gia đình hầu như ít khi gặp mặt nhau đông đủ mỗi ngày. Bữa cơm gia đình họ từ lâu lắm không còn nữa.

Hình ảnh trái ngược ở ngôi nhà nhỏ bên cạnh là chiều nào cũng có mùi thịt nướng và tiếng cười đùa của những đứa con.

Kết thúc bữa cơm luôn là câu nói của người mẹ hay cha, ước gì có nhiều tiền để các con có bữa thịt nướng đã đời, không phải thòm thèm!

Đôi khi có những kết thúc có hậu là một ngày nào đó, người cha hay mẹ nhận ra lỗi lầm của mình và có được sự tha thứ của những đứa con.

Tuy nhiên, có những con người mà cuộc đời của họ khó phai nhòa được những nỗi khổ do cha mẹ gây ra.

Con cái là sự nối dài cuộc đời của mỗi người, những hận thù đó đôi khi kéo dài thêm một thế hệ và cứ như thế đôi khi họ cứ phải mang nỗi hận từ đời này sang đời khác. Quả thật là bất hạnh.

Người ta cho rằng, con cái làm khổ cha mẹ là một cái tội và họ quan niệm phần số con người được quyết định bởi họ không thể chọn cha mẹ mà sinh ra.

Tuy nhiên, làm gì thì làm cũng phải nghĩ đến con cái, phải chăng đó là lời khuyên mà người xưa để lại cho các bậc cha mẹ vẫn còn có giá trị cho đến bây giờ?

Kim Duy