Không dám có con vì không đủ tiền

17 năm trước khi thầy giáo Leon Chia cùng vợ kết hôn ở tuổi 25, bạn bè và người thân luôn hỏi họ về chuyện con cái. Giờ đây, cặp vợ chồng vẫn luôn nghe những câu hỏi tương tự.

Điều này khiến thầy Chia chẳng mấy vui vẻ: "Tôi không nghĩ có con là việc phải làm trong đời".

Theo CNA, thầy Chia và vợ đã chủ động lên kế hoạch cho cuộc hôn nhân không con cái. Họ muốn một cuộc sống chỉ có 2 người và cùng đi du lịch.

"Bước qua ngưỡng tuổi 30, chúng tôi vẫn dành trọn tình yêu cho nhau và cảm thấy không sẵn sàng có con. Tôi và vợ không muốn bị ràng buộc về mặt tài chính, nuôi một đứa trẻ thật sự rất tốn kém", anh nói.

Nhiều gia đình trẻ lựa chọn không sinh con. Ảnh: Friday Magazine.

Không chỉ thầy giáo Chia và vợ, hiện nay số cặp vợ chồng lựa chọn không sinh con ngày càng tăng ở Singapore.

Số liệu điều tra dân số mới nhất cho thấy trong số những phụ nữ đã kết hôn, tỷ lệ những người chưa có con đã tăng lên ở tất cả các nhóm tuổi.

Ví dụ, ở nhóm phụ nữ từ 40 đến 49 tuổi, tỷ lệ không sinh con đã tăng từ 9,3% vào năm 2010 lên 13,5% vào năm 2020.

Số liệu cũng cho thấy những vấn đề về dân số của Singapore: cùng với tỷ lệ sinh giảm, dân số tại quốc gia này già hóa nhanh chóng và tỷ lệ độc thân ngày càng tăng.

"Tôi không nghĩ mình sẽ hối hận"

Tanya Pillay (28 tuổi, làm việc trong lĩnh vực truyền thông) lo ngại phải đánh đổi sự nghiệp khi có con cái.

"Nếu tôi là một người mẹ, tôi không thể yên tâm để con ở nhà và làm việc muộn tại công ty. Tôi tin rằng phụ nữ nên có cả con cái và sự nghiệp, nhưng điều đó rất khó ở Singapore, nơi mọi người luôn phải làm việc với cường độ cao để đảm bảo mức sống", Pillay nói.

Nhiều cặp vợ chồng tại Singapore đối mặt áp lực tài chính lớn. Ảnh: BBC.

Chồng của Pillay cũng không muốn có con. Cặp vợ chồng cho rằng xã hội này có lẽ không tốt cho một đứa trẻ.

"Có quá nhiều sự phân biệt về giới tính, chủng tộc, phân biệt đối xử tại nơi làm việc, bất bình đẳng... Chúng ta phải chứng kiến vô số điều độc hại và bất công trong xã hội mỗi ngày.

Tôi không muốn ở trong hoàn cảnh đó, tôi không biết được mình sẽ thành công hay thất bại. Tôi càng không muốn con cái phải lớn lên với một loạt tổn thương. Thế giới bây giờ quá phức tạp để một đứa trẻ lớn lên hạnh phúc", Pillay chia sẻ trên CNA.

Tuy nhiên, Pillay cũng nhấn mạnh rằng việc sinh con là lựa chọn của riêng mỗi người.

"Việc có con vẫn mang ý nghĩa với rất nhiều người và tôi hoàn toàn tôn trọng điều đó. Nhưng với riêng mình, khi không sinh con, tôi không nghĩ mình sẽ hối hận", cô nói.

Bạn không thể nói: "Hôm nay mẹ không muốn làm việc với con"

Sherilynn Loh (29 tuổi, giám đốc điều hành một công ty) cũng lựa chọn cuộc sống không con cái.

Cô và chồng đã kết hôn nửa năm, họ đã thống nhất không sinh con bởi trách nhiệm phải gánh vác là quá lớn.

"Khi đi làm bạn có thể nghỉ phép. Nhưng khi có con, bạn thực sự không thể nói: 'Hôm nay mẹ không muốn làm việc với con'. Tôi và chồng đang cảm thấy quá sức trong công việc hiện tại. Chúng tôi phải trả tiền nhà, các khoản vay học hành và chăm sóc cha mẹ', Loh nói.

Tương tự Pillay, Loh cũng cho biết cô không muốn đưa con cái vào một thế giới có nhiều vấn đề tiêu cực.

"Thế giới của chúng ta đang phải đối mặt với đại dịch, sự thay đổi về chất lượng không khí do trái đất nóng lên… Và chẳng ai biết được 20 năm sau còn là những vấn đề gì khác".

Tỷ lệ già hóa dân số, độc thân gia tăng ở Singapore. Ảnh: The Straits Times.

Tuy vậy, Loh cho rằng trong tương lai có thể cô vẫn sinh em bé. Điều đó sẽ xảy ra nếu công ty của cô có chế độ tốt hơn dành cho những gia đình có con cái.

"Bạn sẽ phải đạt hiệu suất công việc 90-100% ngay sau khi kết thúc quá trình nghỉ thai sản. Các ông bố cũng không được nghỉ phép nếu vợ sinh con, họ luôn phải đáp ứng công việc bằng cách làm bù vào cuối tuần hoặc ban đêm.

Sẽ dễ dàng hơn cho các gia đình nếu công ty có chính sách tốt hơn. Việc nuôi con cái quá vất vả, nó kéo dài từ khi bạn mang thai cho đến lúc đứa trẻ trưởng thành", Loh bày tỏ.

Lý do lớn nhất là tài chính

Theo Phó giáo sư Tan Ern Ser của khoa Xã hội học, Đại học Quốc gia Singapore (NUS), nguyên nhân cốt lõi của vấn đề trên là do người dân ngày càng có xu hướng ưu tiên công việc và tài chính.

"Những người làm công việc từ cấp trung bình trở lên luôn bị áp KPI để đảm bảo thu nhập. Họ có thể có những ngày nghỉ ngơi để thư giãn, tuy nhiên công việc luôn tồn đọng ở đó.

Việc nuôi dạy con cái không chỉ là chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ mà còn phải tham gia vào sự phát triển thể chất, tinh thần mỗi ngày của con. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến KPI của người lao động", PGS Tan nói trên CNA.

PGS Tan cũng nhấn mạnh rằng chi phí sinh hoạt, sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống là những vấn đề cấp bách nhất mà các chính sách hiện tại của chính phủ vẫn chưa giải quyết được.

"Chúng ta cần ưu tiên việc nuôi dạy trẻ em. Người sử dụng lao động cần có cách đánh giá khác, hỗ trợ nhiều hơn với những nhân viên có con cái", ông nói.

Tiến sĩ Tan Poh Lin, trợ lý giáo sư tại trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore), cho biết cô khá lo lắng với xu hướng không sinh con của nhiều phụ nữ hiện đại.

"Tôi cho rằng cần có chính sách khuyến khích sinh con sớm hơn. Có nhiều người mẹ ngại việc sinh đẻ do độ tuổi đã lớn", tiến sĩ Tan nói.

Thục Hạnh