Không để tồn tại kiểu người làm, người phá

Để có được cảnh quan này, HCM đã đầu tư hàng ngàn tỉ đồng, mất một khoảng thời gian dài để hoàn thành.

Thế nhưng hiện nay, mỗi ngày đều có một số người lại ngang nhiên xả rác, để mặc chó thả rông phóng uế bừa bãi trên bãi cỏ, bẫy cá dưới kênh… Một số người tìm đủ mọi cách để đánh bắt từ câu, lưới đến dùng cả súng cao su (ná) để bắn.

Người đàn ông dùng súng cao su bắn cá (ảnh phải) và những con cá bị bẫy

Mới đây, gần cầu Trần Khánh Dư, tôi bắt gặp một người đàn ông dùng súng cao su với đầu mũi tên nhọn hoắt bắn cá rất điệu nghệ, bách phát bách trúng. Tận mắt thấy hàng chục con cá nặng khoảng nửa ký dính đạn, giãy đành đạch trên bãi cỏ, tôi thật sự xót xa. Mục đích chính của việc thả cá xuống kênh để làm đẹp và sạch nguồn nước, để người dân có nơi thư giãn. Những con cá lớn như vậy đâu phải ngày một ngày hai mà có được.

Những hành vi trên diễn ra công khai, bất chấp các quy định, thậm chí ngay dưới biển cấm nhưng không thấy ai bị xử lý. Vậy điều khiến cho việc quản lý, xử lý khó khăn không nằm ở quy định mà chính là ở cách làm. Có muốn làm hay không, làm như thế nào, có đến nơi đến chốn không… hay làm theo kiểu phong trào, hình thức, đánh trống bỏ dùi, đầu voi đuôi chuột…?

Để TP HCM ngày càng trở nên xanh- sạch - đẹp, nơi đáng sống, điểm đến lý tưởng..., cần có sự chung tay của toàn thể cộng đồng trong bảo vệ môi trường. Không thể tồn tại mãi vòng luẩn quẩn: Người thì ra sức dọn rác, làm sạch, làm đẹp, thả cá...; người cứ "phá hoại", cản trở sự phát triển chung của thành phố.

Lê Văn Cải