Làm phim kiểu 'cuốn chiếu': Công thức 'cũ người mới ta' của phim Việt

Trước đây, phim truyền hình Việt vẫn quen với cách làm truyền thống: phim quay xong xuôi theo kịch bản có sẵn mới bắt đầu phát sóng. Khoảng ba năm nay, các nhà làm phim dần bỏ quy trình truyền thống để tập tành kiểu làm phim “cuốn chiếu” của xứ sở kim chi. Mới quay được tầm bốn hoặc năm tập, phim đã lên sóng. Nhà đài vừa chiếu vừa tương tác, tiếp thu ý kiến phản hồi của khán giả để quay các tập kế tiếp. Điểm dễ nhận thấy nhất của quy trình làm phim “cuốn chiếu” là kịch bản sẽ triển khai theo hướng đáp ứng thị hiếu người xem để tăng lượt rating.

Phải công nhận rằng việc học hỏi này đã đem lại làn gió mới cho phim truyền hình Việt sau một thời gian bị khán giả thờ ơ. Loạt phim ăn khách có thể kể đến “Sống chung với mẹ chồng”, “Về nhà đi con”, “Nàng dâu order”, “Hãy nói lời yêu”, “Gạo nếp gạo tẻ”, “Quỳnh búp bê”… Gây sốt mới đây nhất là “Hương vị tình thân”. Các phim này đều có chỉ số rating cao, tạo được sức nóng trên các diễn đàn yêu phim. Mỗi nhân vật, tình tiết, diễn biến của bộ phim đều được khán giả đem ra mổ xẻ, bàn luận rôm rả.

Một cảnh trong phim “Hương vị tình thân”.

Tương tác cao với khán giả chính là ưu điểm nổi trội của công nghệ này. Khán giả cảm thấy mình được nhà làm phim yêu chiều hết mực. Bất cứ phản hồi nào cũng được nhà sản xuất cân nhắc để điều chỉnh về diễn xuất, kịch bản. “Ekip làm phim sẽ đo được cảm xúc của khán giả, biết được khán giả đang muốn cái gì để chúng tôi thực hiện một cách nhịp nhàng nhất mà không ảnh hưởng gì đến mạch phim. Ở những tình tiết quan trọng, hấp dẫn thì chúng tôi có thể đưa đẩy một chút để khán giả thòm thèm và chờ đón nhiều hơn” - đạo diễn Nguyễn Đức Hiếu tiết lộ.

Khi phim “Về nhà đi con” được nhiều người chờ đón mỗi tối thì cặp nhân vật Dương và Bảo được đội ngũ biên kịch thêm thắt nhiều đất diễn hơn vì đa số người xem đều tỏ ra yêu mến cặp đôi dễ thương này. Đến khi khán giả phát cuồng trước các màn “ăn miếng trả miếng” hài hước của cặp Thư - Vũ thì biên kịch lại để bộ phim xoáy sâu vào cặp đôi “kẻ cắp gặp bà già”. Nhiều bộ phim phải quay lại tập cuối vì khán giả quá mong mỏi một kết thúc viên mãn cho cả dàn nhân vật. “Sống chung với mẹ chồng”, “Chạy trốn thanh xuân”… rơi vào trường hợp này. Dù đã quay xong tập cuối nhưng do bị rò rỉ hình ảnh nên khán giả dễ dàng đoán được kết phim. Họ bày tỏ sự thất vọng khi đoạn kết không được như ý mình. Vậy là đoàn phim phải cấp tốc quay lại để chiều lòng công chúng.

Bên cạnh đó, do hiệu ứng khán giả quá mạnh nên dù phim đã đóng máy, ekip biên kịch vẫn viết phần tiếp theo coi như hậu truyện hay ngoại truyện. “Về nhà đi con”, “Sống chung với mẹ chồng” đều đã thử nghiệm cách làm này và được người xem nhiệt tình ủng hộ. Biên kịch Lại Phương Thảo cho biết: “Quy trình làm phim “cuốn chiếu” giúp chúng tôi điều chỉnh được bộ phim của mình hay hơn, gần khán giả hơn. Nhiều phim lúc đầu bị khán giả chê tơi tả. Chúng tôi sẵn lòng lắng nghe để sửa chữa những chỗ hạn chế. Nhờ vậy các tập về sau nhận được phản hồi tích cực. Chúng tôi rất vui. Rõ ràng những cảm xúc đấy chỉ có được khi phim vừa quay vừa phát sóng thôi”.

“Hãy nói lời yêu” là bộ phim làm theo quy trình “cuốn chiếu”.

Bám sát, cập nhật các xu hướng, tin tức thời sự nóng hổi cũng là một ưu điểm nổi trội mà chỉ quy trình làm phim “cuốn chiếu” mới có được. Ekip phim “Hương vị tình thân” đã khiến khán giả vô cùng ngạc nhiên và thích thú khi đưa chi tiết “sao kê tiền từ thiện” vào phim. Giữa lúc các phương tiện truyền thông tràn ngập thông tin về người nổi tiếng bị tố ăn chặn tiền từ thiện, dân mạng đòi họ phải sao kê để chứng minh tính minh bạch thì chi tiết này của phim “Hương vị tình thân” quả là nóng hổi và hợp thời. Trong phim, bà Xuân lập nên quỹ từ thiện giúp đỡ trẻ em khó khăn. Thế nhưng, bà Xuân lại bị cô bạn thân ôm trọn số tiền rồi lặn mất tăm. Dân mạng tố bà Xuân ăn chặn tiền từ thiện và bắt bà phải sao kê rõ ràng thì mới buông tha.

Tuy vậy, theo đạo diễn Trọng Trinh, quay phim “cuốn chiếu” là cách sản xuất khá mạo hiểm và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vừa quay vừa phát sóng nên quy trình làm phim này khiến ekip sản xuất gặp áp lực rất lớn. Để kịch bản kịp tiến độ quay, đội ngũ biên kịch phải cần tới bốn người thay vì một hay hai người như trước đây. Sau khi ghi nhận ý kiến khen chê của công chúng, họ sẽ cùng bàn bạc, phân tích để tiếp tục phát triển cốt truyện sao cho hấp dẫn, lôi cuốn nhất. Biên kịch Lại Phương Thảo thừa nhận: “Khi đoàn làm phim đã lên đường ra hiện trường thì luôn cần kịch bản để quay. Điều đó đòi hỏi đội ngũ biên kịch ở nhà phải luôn sáng tạo kịch bản để đáp ứng kịp cho người ở hiện trường. Thời gian gấp gáp nên chúng tôi không có nhiều thời gian dông dài, cân đo đong đếm quá nhiều cho mỗi tập nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng tốt. Đó là áp lực rất lớn”. Riêng phía ekip ở hiện trường thì không biết bối cảnh này, diễn viên này còn tiếp tục xuất hiện trong các tập tiếp theo nữa hay không. Số phận các diễn viên cũng không biết sẽ đi về đâu vì còn trông đợi vào quyết định của khán giả.

Việc đoàn phim vừa quay vừa phát triển kịch bản khiến phim thường bị “bôi” ra quá nhiều so với dự kiến ban đầu. “Về nhà đi con” lẽ ra chỉ có 64 tập nhưng cuối cùng kéo thành 84 tập. May mắn là “Về nhà đi con” vẫn giữ được sức nóng cho đến tập cuối cùng do kiểm soát được mạch phim. Riêng “Gạo nếp gạo tẻ” lại không may mắn như vậy. Phim phải nới thời lượng lên tới hai lần khiến nội dung bị loãng, dài dòng và lê thê. Lần đầu, ekip quyết định nâng từ 40 tập lên 80 tập để đáp lại lòng mến mộ cuồng nhiệt của khán giả dành cho dàn nhân vật. Thấy khán giả quá mê nhân vật Tường, biên kịch lại nhanh nhẩu sáng tác thêm chuyện Tường mất trí nhớ để nhân vật này có thêm đất diễn. Nhưng vì quá sa đà vào chuyện bên lề mà phim bị mất kiểm soát. 80 tập không đủ để đoàn phim kết thúc gọn ghẽ nội dung. “Gạo nếp gạo tẻ” thành ra bị kéo đến 109 tập! Thực tế ở Hàn Quốc, dù công nghệ quay “cuốn chiếu” đã phát triển lên đến đỉnh cao nhưng họ vẫn có không ít phim “đầu voi đuôi chuột” như “Hai thế giới”, “Khi nàng say giấc”, “Cô gái xinh đẹp”… Nhiều nhân vật bị thay đổi tâm lý, tính cách đột ngột vì chiều theo yêu cầu khán giả khiến bộ phim phi logic và nhanh chóng trở thành thảm họa.

Một rủi ro khác của quy trình làm phim “cuốn chiếu” chính là bất trắc về con người, điều kiện ngoại cảnh. Do lịch chiếu đã xếp sẵn nên dù nắng hay mưa, dù dịch bệnh hay thiên tai, đoàn phim vẫn phải lên đường để đảm bảo tiến độ sản xuất. Ekip phim “Hương vị tình thân” và “Ngày mai bình yên” có lẽ là những người thấm thía điều này nhất. Khi các thành phố lớn giãn cách xã hội vì dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên cả nước, đoàn phim vẫn phải đi quay. Để phòng dịch, đoàn phim tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc 5K, tiêm vaccine đầy đủ và xét nghiệm liên tục.

Nếu diễn viên chính bỗng dưng đình công hoặc lăn đùng ra ốm thì coi như phim phải ngưng phát sóng. Phim bị chê về chất lượng nhưng loay hoay mãi mà vẫn không khắc phục được thì cũng bị ngưng sóng đột ngột. Điều này gây thiệt hại không nhỏ đến nhà sản xuất. Lịch sử phim truyền hình Việt đã chứng kiến hai dự án bị đứt gánh giữa đường khi quay kiểu “cuốn chiếu” là “Những người độc thân vui vẻ” và “Anh chàng vượt thời gian”. Theo đạo diễn Nguyễn Đức Hiếu, nói là vừa quay vừa viết kịch bản nhưng đội ngũ biên kịch vẫn phải có sẵn đề cương ban đầu. Mọi diễn biến câu chuyện đều phải bám sát đề cương đó và thực hiện sao cho gọn nhất để phim không bị cuốn theo khán giả mà mất kiểm soát.