Loạt vi phạm an ninh, an toàn hàng không của khách bay gây chấn động: Ý thức kém đến thế?

Những hành vi thiếu ý thức và văn hóa của một bộ phận hành khách đi máy bay trong năm vừa qua đã không chỉ tạo nên một làn sóng chỉ trích dữ dội trên mạng xã hội mà còn gây mất an toàn, an ninh hàng không nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến các hành khách tham gia di chuyển bằng đường hàng không và tạo nên những hình ảnh xấu xí về ý thức của một bộ phận người trẻ Việt Nam.

Di chuyển bằng máy bay đang trở thành lựa chọn ngày càng phổ biến của nhiều đối tượng hành khách, nhưng cùng với đó, có một thực tế là các sự vụ liên quan đến ý thức, văn hóa đi bay cũng đang gia tăng về số lượng và nghiêm trọng hơn về mức độ trong thời gian gần đây.

Từ vi phạm tại khu vực hạn chế trong sân bay…

Ngày 18/5/2022, clip một cô gái nhún nhảy quay Tiktok khi máy bay đang di chuyển tại sân bay Phú Quốc khiến cộng đồng mạng dậy sóng.

Đoạn video được đăng tải cho thấy khi chiếc máy bay đang lăn vào vị trí đỗ bên cạnh, cô gái bất ngờ tiến đến sát máy bay và tạo dáng. Chỉ khi sắp chạm vào vạch đỏ giới hạn an toàn giữa 2 vị trí đỗ máy bay, cô gái mới quay trở lại.

Hình ảnh nữ hành khách leo lên băng chuyền được ghi lại tại sân bay Liên Khương vào tháng 8 vừa qua.

Không chỉ nhảy nhót trên sân đỗ, nhiều hành khách còn có hành động “kém duyên” khác, đó là đứng, ngồi lên băng chuyền hành lý ký gửi đang chuyển động.

Cụ thể, ngày 20/7/2022, một nữ hành khách đã hứng nhiều chỉ trích khi cố tình ngồi lên băng chuyền hành lý tại sân bay để quay TikTok, kèm dòng trạng thái ‘Bất kệ đời, lạc trôi'.

Chỉ 3 ngày sau đó, mạng xã hội tiếp tục “nóng” với đoạn video nữ hành khách áo xanh ngồi trên băng chuyền hành lý ở sân bay Đà Nẵng. Tiếp tục ngày 25/7, mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh một hành khách nữ với dáng ngồi phản cảm trên băng chuyền hành lý tại sân bay Phú Quốc. Ngày 14/8, lại thêm một clip trên TikTok ghi lại cảnh nữ hành khách nhảy lên băng chuyền hành lý ở sân bay Liên Khương (Đà Lạt).

Bỏ ngoài tai những lời phê phán, cảnh báo về hành vi chưa phù hợp, nặng hơn là mang tính vi phạm quy định hàng không, nhiều hành khách dường như vẫn hồn nhiên "sáng tạo" các video phản cảm khi đi bay chỉ để câu view và trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội.

Hệ quả là những hành vi vi phạm này phải chịu chế tài xử phạt nghiêm khắc. Với trường hợp nữ hành khách quay clip trong khu vực hạn chế trong sân bay Phú Quốc trong khi máy bay đang hoạt động, Cục hàng không Việt Nam đã ban hành quyết định cấm bay trong 6 tháng (từ ngày 17/8). Cô gái cũng đã bị xử phạt hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng theo Quyết định số 57 của Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Nam về hành vi: Không tuân theo sự chỉ dẫn của lực lượng kiểm soát an ninh hàng không, nhân viên hàng không tại cảng hàng không, sân bay.

Còn với hành vi ngồi lên băng chuyền hành lý ký gửi của nhiều hành khách, Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cũng đã khẳng định, đây là hành vi không được phép. Cục Hàng không đã và đang xử lý lần lượt các nữ hành khách vi phạm, và xem xét cấm bay một trường hợp.

…đến vi phạm an toàn hàng không trên khoang khách

Không chỉ vi phạm các quy định về an ninh, an toàn tại nhà ga hàng không, nhiều hành khách còn vi phạm các quy định về an ninh, an toàn trên khoang khách máy bay.

Gần đây, có thể kể đến trào lưu cài điện thoại lên cửa sổ máy bay, sử dụng tấm chắn để giữ điện thoại quay cảnh máy bay cất/hạ cánh, di chuyển qua những đám mây... Hành động này thậm chí được hưởng ứng bởi nhiều TikToker nổi tiếng ở Việt Nam, trong đó có những tài khoản cả triệu người theo dõi.

Cài điện thoại lên cửa sổ máy bay là hành vi vi phạm an toàn, an ninh hàng không

Tuy nhiên, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết, hành động này rất nguy hiểm, đe dọa an toàn của chuyến bay. Việc quay phim thời gian dài có thể khiến điện thoại bị nóng, cộng thêm tác động của ánh sáng mặt trời, có nguy cơ xảy ra cháy nổ.

Mức độ vi phạm gia tăng khi xảy ra sự vụ khách mang dao qua được cửa an ninh lên máy bay. Cụ thể, ngày 18/7, đã lan truyền hình ảnh một khách đi máy bay đang cầm dao gọt hoa quả tại ghế ngồi.

Theo quy định về an ninh an toàn hàng không, dao là một trong những vật phẩm nằm trong danh mục cấm mang lên máy bay. Sau sự vụ, hành khách vi phạm và nhân viên soi chiếu an ninh hàng không để lọt dao qua cửa đã bị xử phạt theo quy định hiện hành.

Mới đây nhất, vào ngày 20/12, trên tàu bay của một hãng hàng không ghi nhận hình ảnh ghế ngồi máy bay bị khắc, vẽ bậy nghiêm trọng. Cộng đồng mạng đã để lại nhiều bình luận thể hiện sự bất bình, ngán ngẩm vì hành vi xấu xí này.

Hình ảnh nghế ngồi trên máy bay bị vẽ bậy gây bức xúc trong những ngày qua

"Hành khách đi bay hãy tham gia bay văn minh! Không thể tin được thói quen vẽ bậy giờ đã xuất hiện trên cả ghế ngồi máy bay. Không chỉ mất thẩm mỹ, việc vẽ bậy trên máy bay còn gây ảnh hưởng đến an toàn, an ninh của chuyến bay, cũng như của những người đi cùng. Đừng vì một phút vui tay mà đánh đổi sự an toàn của bản thân và cộng đồng", tài khoản T.T viết.

Theo thông lệ quốc tế, hành vi vẽ bậy trên máy bay được xếp vào nhóm hành vi Hủy hoại tài sản, cố ý làm hư hỏng tài sản; được các hãng hàng không áp dụng chế tài tương đối nghiêm khắc. Năm 2016, Hãng hàng không FlyBe của Anh đã trục xuất hai người phụ nữ khỏi một chuyến bay vì họ đã lấy bút dạ vẽ lên các thiết bị trong khoang khách, bao gồm cả thân máy bay. Hãng bay cũng đã báo cáo vụ việc lên cơ quan chức năng. Hai hành khách đã phải phục vụ quá trình điều tra sau đó.

Tại Việt Nam, theo quy định tại Khoản 1, Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015, người nào có hành vi hủy hoại tài sản của người khác hoặc có hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tùy theo mức độ thiệt hại, người thực hiện hành vi vẽ bậy lên tài sản của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự lên đến 20 năm tù.

Một số ý kiến cho rằng, cần có những biện pháp xử lý nghiêm khắc với các trường hợp vi phạm như trên để đủ sức cảnh báo, răn đe với mọi người.

Không chỉ trông chờ vào chế tài và sự giám sát của cơ quan an ninh mà hành khách ứng xử văn minh khi sử dụng những phương tiện công cộng như máy bay mang lại lợi ích cho chính mình là sự thoải mái, dễ chịu, quan trọng hơn cả là an toàn bay, cho chính bản thân và những người đồng hành.

Đức Hạnh