Luận anh hùng

Từ xa xưa con người đã biết tập luyện võ nghệ để có thể bảo vệ mình, bảo vệ gia đình chống lại thú dữ hay chống lại giặc cướp, chống lại giặc ngoại xâm.

Thập bát ban võ nghệ là tên gọi của 18 loại binh khí như: Đao, thương, cung, kiếm...

18 loại binh khí của Trung Quốc khác với 18 loại binh khí của võ cổ truyền Việt Nam nhưng nói chung cũng na ná nhau gồm có binh khí loại dài và ngắn. Những môn phái đều chọn cho mình một loại binh khí tiêu biểu để luyện tập, nhưng đa số các hiệp khách trên giang hồ hay trên phim ảnh đều xử dụng kiếm.

Chỉ nói về kiếm thôi đã tốn hao nhiều giấy mực rồi:

- Người sử dụng kiếm người ta gọi là kiếm khách.

- Sách về kiếm gọi là kiếm phổ.

- Các chiêu thức đánh gọi là kiếm pháp.

- Lúc đánh kiếm ánh sáng lóe ra gọi là kiếm Quang.

- Kiếm tốt thường là loại "Chém sắt như chém bùn" người ta gọi là Bảo kiếm.

- Người vác kiếm theo nghĩa quân người ta gọi là kiếm sỹ.

- Kiếm của Vua hay tướng người ta gọi là kiếm lệnh.

- Kiếm của vua ban được chém trước tâu sau (như trong phim Bao Công) là Thượng Phương Bảo kiếm.

- Đánh nhau người ta gọi là... Kiếm chuyện.

Truyền thuyết sử Việt thì thanh "Thuận Thiên Bảo kiếm" của Rùa thần trao cho Lê Lợi khi kháng chiến chống giặc Minh hầu như ai cũng biết. Sau khi thắng giặc vừa lên ngôi xong, vua Lê đã trả lại thanh gươm cho Rùa thần và nơi đó có tên Hồ Hoàn kiếm cho đến bây giờ.

Kiếm của Việt Nam và kiếm Trung Quốc có hình dáng và độ dài tương đối giống nhau. Lưỡi kiếm 2 cạnh đều sắc bén như nhau và chỉ cầm một tay, trong khi thanh kiếm Katana của Nhật thì có độ dài, độ dầy đều hơn hẳn và hơi cong, chỉ sắc bén một bên và khi đánh được cầm bằng hai tay nên uy lực rất mạnh. Kiếm sỹ Nhật Bản thường có trên mình 2 cây kiếm. Một cây kiếm dài sử dụng đánh nhau, cây kiếm ngắn dùng cho đánh cận chiến và... tự sát?

Kiếm của Châu Âu thì tròn, không có cạnh sắc bén nhưng mũi rất nhọn dùng để đâm gây sát thương lúc đánh nhau. Kiếm sỹ lúc đấu kiếm một tay cầm kiếm đánh nhau tay còn lại thường chống nạnh vào thắt lưng, trên miệng có để hàng ria mép trông rất thong thả và ra dáng của tầng lớp quý tộc. Chúng ta có lẽ ai cũng đã từng xem phim Ba chàng Ngự lâm pháo thủ và mê mẩn anh chàng D'Artangnan hào hoa với thanh gươm tròn trên tay đánh nhau như diễn xiếc.

Đó là chuyện ngày xưa... bây giờ ra đường cầm thanh gươm trên tay là xem như phạm pháp rồi. Nhưng thường khi đánh nhau các hung khí bất chợt gây án đưa hung thủ can trọng tội đến vòng lao lý thường là con dao Thái lan mà hầu như nhà nào cũng có. Mà nhìn cái mũi nhọn của con dao Thái nhiều khi chợt nghĩ cái mũi nhọn sắc lẹm này dùng cho việc gì nhỉ???

Ngày xưa trên phim ảnh muốn xem cảnh chém giết nhau, đánh nhau người ta hay xem phim Hong Kong. Danh từ Xã hội đen được biết cũng từ phim ảnh mà ra. Bây giờ phim Việt Nam ghê gớm hơn nhiều lắm. Cảnh chém giết nhau, bắn nhau tranh giành địa bàn, thanh toán nhau bằng súng đạn nhan nhản trên phim Việt. Các diễn viên bây giờ thi đua nhau hóa thân thành các ông Trùm nói năng thô tục, bước ra đường tiền hô hậu ủng với mấy chục tên vệ sỹ mặt lạnh như tiền sẵn sàng rút súng ra bắn nhau giữa thanh thiên bạch nhật như đang ở một đất nước không có luật pháp. Những cảnh đánh nhau của các phe phái trên phim đều xuất hiện vài chục người nghênh ngang trên đường phố tay lăm lăm mã tấu chém giết nhau rồi kéo nhau đi thanh toán trả thù làm người xem cứ ngỡ như đất nước bây giờ chỉ có Luật giang hồ.

Trong khi những cảnh đánh nhau với giặc ngoại xâm trong phim Việt thì ngô nghê, diễn viên lèo tèo gượng ép thì cảnh đánh nhau, thẳng tay chém giết giữa các băng đảng giang hồ được dàn dựng rất công phu và hoành tráng trên một số phim còn hơn cả Phim Bụi đời Chợ Lớn (nhà sản xuất phim BĐCL điêu đứng vì bị cấm chiếu)

Nhà anh chàng kế bên có đứa con trai 8 tuổi đang học lớp 3, cứ vài hôm đi học về nó méc ba nó là đi học hay bị ăn hiếp vì nó nhỏ con. Thương con nên Ba nó cho nó đi học võ nhưng vốn nhỏ còn đi học võ cũng không đấu lại mấy đứa bạn trong lớp. Một hôm lục trong cặp nó thấy có con dao Thái ba nó xanh cả mặt mày. Hỏi nó thì nó nói nó đem theo chơi?

Vì ba mẹ nó thôi nhau nên nó ở với ba. Có lẽ vì vậy mà anh chàng không nỡ đánh con chỉ rầy la và tịch thu con dao.

Hôm qua đang nhậu với ba nó, nó chợt hỏi tôi:

- Bác Út ơi cây Mã tấu bao nhiêu tiền một cây vậy?

- Trời đất... Hỏi chi vậy con?

- Con muốn mua một cây.

Nghe con nói vậy anh chàng táng đứa con một cái rồi la lên:

- Mày muốn ở tù hả?

Thằng nhỏ vừa khóc vừa cãi:

- Trong phim đánh nhau chém nhau đó có ở tù đâu.

Thì ra là vậy...

Những cảnh chém giết nhau đầy trong phim, mấy đứa nhỏ xem ba mẹ nó đâu có cấm. Những câu chửi tục tỉu cũng học được trên phim, đánh nhau chém giết, tệ nạn gì cũng có. Bây giờ đâu cần phải đi tầm thầy học võ cho cho lu bu, cự cãi nhau nhắm đánh không lại thì chỉ a lo một cái là có mấy chàng xăm trổ đến cứu nguy rồi (chỉ tốn tiền nhưng lỡ ở tù ráng chịu). Điều muốn nói là hiện nay trên phim Việt đa số vai các ông trùm Xã hội đen đều do các diễn viên hài đóng, và muốn mua một cây Mã tấu để khè người ta chắc cũng chẳng khó khăn gì.

Bùi Trung