Mẹ Quýt của thôn Dâu

Mẹ Phạm Thị Quýt trong lễ mừng thọ tuổi 90

Là con thứ hai trong một gia đình nghèo, đông anh em, bố mẹ mất sớm, nên từ nhỏ mẹ Quýt đã phải quen với cuộc sống thiếu thốn, vất vả. Không được học hành, không chữ nghĩa, 12 tuổi mẹ bắt đầu đi ở, bế em thuê cho một gia đình khá giả ở xã bên. Đến năm 17 tuổi thì về hẳn và xây dựng gia đình với người chồng là Tạ Văn Các ở cùng làng. Năm 1939, họ sinh người con gái đầu Tạ Thị Cam. Tháng 8 năm 1945, khi tổng khởi nghĩa diễn ra trên cả nước, cả hai cụ đều tích cực tham gia kháng chiến. Cụ ông là đảng viên, Bí thư Đoàn Thanh niên, tham gia đội du kích địa phương, từng trực tiếp phá bốt Tuấn Lương - một điểm nổi mà thực dân Pháp chiếm đóng lúc bấy giờ. Cụ bà cũng tham gia đội tự vệ địa phương. Nhà cụ từng là nơi cất giấu vũ khí bí mật của đội.

Các con của mẹ Quýt quây quần bên bàn thờ gia đình trong những ngày tháng 7

Năm 1947, khi xã Cổ Châu trở thành nơi chiến sự diễn ra ác liệt, cụ ông dẫn vợ và con đi tản cư ở Bắc Giang cùng nhiều gia đình khác. Tại đó, cụ Tạ Văn Các cũng nhiệt tình tham gia phong trào kháng chiến. Năm 1949, cụ bị địch bắt, bị giam giữ tại nhà tù Hỏa Lò. Tại trại giam, cũng như nhiều tù nhân khác, cụ bị tra tấn, hành hạ nhưng vẫn một lòng trung kiên, không chịu khuất phục. Cụ đã hy sinh ngày 14-6-1950. Trong suốt thời gian chồng bị bắt, mẹ Quýt không hề được thăm nom, gặp mặt. Mẹ chỉ còn biết chờ đợi, ngóng trông tin tức, mong mỏi ngày đoàn tụ để người con thứ hai, dù chỉ một lần, được cha ôm vào lòng. Bởi lúc cụ Tạ Văn Các bị bắt thì mẹ đang có thai. Nhưng, mãi mãi người con trai ấy chỉ có thể nghe kể về bố mình qua hồi ức của mẹ, của chị mà thôi.

Trên bàn thờ của gia đình, ngoài tấm bài vị của liệt sĩ Tạ Văn Các còn một liệt sĩ nữa là Tạ Văn Lệ. Đó là người con nuôi, cũng là người cháu ruột mồ côi bố, mẹ đi lấy chồng, được hai cụ nuôi dạy từ nhỏ. Năm 1950, sau khi cha nuôi hy sinh, ông Tạ Văn Lệ cũng lên đường nhập ngũ, tham gia hoạt động trong một đội du kích ở huyện Phù Cừ (Hưng Yên). Mang trong lòng quyết tâm giết giặc trả nợ nước thù nhà, ông Lệ hăng hái trong phong trào ở đó. Nhưng đến năm 1951, cả tiểu đội của ông bị địch phục kích, tất cả đều hy sinh. Ông ra đi khi tuổi còn trẻ, chưa có vợ con.

Niềm khát khao hạnh phúc giản dị của mẹ Quýt và bao người mẹ khác đã bị chiến tranh cướp mất. Gạt nước mắt, mẹ gắng sống nuôi các con và tiếp tục tham gia phong trào cách mạng ở địa phương. Hình như ông trời cũng dành cho mẹ một chút ưu ái để bù đắp phần nào những mất mát ấy. Trải qua hai cuộc chiến tranh khốc liệt, mẹ vẫn vượt qua, khỏe mạnh bằng một nghị lực phi thường. Khó khăn, thiếu thốn, các vị thân sinh hai bên đều không còn, mẹ gắng khắc phục để nuôi dạy hai con khôn lớn. Con gái mẹ là tưng là một y sĩ, con trai mẹ cũng là một viên chức nhà nước đã nghỉ hưu.

Kể tôi nghe về quá khứ, con gái mẹ, bà Tạ Thị Cam, vừa xúc động, vừa tự hào khôn xiết. May mắn hơn em trai, bà được biết mặt bố, được sống những năm tháng ấu thơ bên cả bố và mẹ. Bà say sưa kể về những kỷ niệm với bố, kể về những ngày tản cư, những năm kháng chiến, những câu chuyện nhỏ to với mẹ… đó là một niềm hạnh phúc lớn. Bà nói: “Mẹ tôi là người phụ nữ tuyệt vời, 32 tuổi góa chồng, và mẹ tôi đã sống tiếp 62 năm nữa bằng nghị lực và tình yêu thương con cháu vô bờ. Mẹ hay khóc những đêm trước ngày giỗ bố. Cuối cùng thì mẹ cũng về đoàn tụ với bố. Không thể để bố cô đơn mãi được…”

Những năm tháng đất nước hòa bình, rồi đổi mới, mẹ sống cuộc đời cần lao, quây quần bên con cháu, thuận hòa với xóm giềng. Trên gương mặt mẹ luôn có nụ cười tỏa sáng nhưng có lẽ ẩn sâu trong đó vẫn là một nỗi đau mất mát. Không những thế ở làng hễ nhắc tên “cụ Quýt” là người lớn, trẻ nhỏ, ai ai cũng nhớ ngay ra bà cụ dáng hình nhỏ bé, lưng còng, dáng đi lom khom mà rất giỏi thơ ca. Người làng kể rằng mẹ đọc làu làu hàng trăm câu Kiều, câu thơ “Tống Trân, Cúc Hoa” trong niềm say mê, náo nức dù không hề biết chữ.

Tôi may mắn vì được là một trong số những người cháu, chắt của mẹ. Thuở nhỏ, đám trẻ con chúng tôi thường túm tụm lại nghe mẹ ngâm Kiều, nghe mẹ kể chuyện Tống Trân, Cúc Hoa, đứa nào đứa ấy hào hứng, có bữa quên ăn. Mỗi bài thơ mẹ đọc, mỗi câu Kiều mẹ ngâm đều là những bài học bổ ích bởi vừa đọc mẹ vừa giảng giải, vừa liên hệ, khuyên răn chúng tôi học lấy những điều hay lẽ phải. Tôi tin rằng, không vô thức hay đơn thuần là thú vui mà mẹ hay giảng thơ, ngâm những câu ca cổ. Mà, đó mà một cách thức để truyền đi tình yêu và ước vọng đến với mọi người, đặc biệt là con trẻ trong nhà, từ nếp ăn ở, tác phong đi đứng, lễ nghĩa với người trên… cho đến ý thức học hành, cầu tiến. Bởi thế mà khi có cháu nào đi học ở xa về chơi với mẹ, lại cùng mẹ đối mấy câu Kiều là mẹ mừng lắm, như thể ước mơ và sự thiệt thòi của mình đã được bù đắp nơi con cháu vậy.

Mẹ gần gũi, thân thiện với xóm làng, với các cháu nhỏ như một niềm vui khuây khỏa tuổi già. Những năm cuối đời, khi sức khỏe đã giảm sút nhiều, mẹ vẫn không quên chăm lo mảnh vườn nhỏ, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ dù con cháu vẫn khuyên cụ phải nghỉ ngơi. “Ngồi chơi tao lại buồn chân buồn tay”- đấy là câu mà con dâu cụ hay nghe mỗi khi bắt mẹ nghỉ ngơi. Tháng 1 năm 2012, mẹ trút hơi thở cuối cùng tại căn nhà nhỏ bé của mình, hưởng thọ 94 tuổi.

Sống nhẹ nhàng, ra đi thanh thản, mẹ đã về với thế giới bên kia. Cuộc đời mẹ là tấm gương sáng về tinh thần chiến đấu bền bỉ, về nghị lực sống và vươn lên mạnh mẽ. Các con cháu đều thấm nhuần từng lời dạy bảo ân cần của mẹ, đều đã khôn lớn, trưởng thành. Các cháu, chắt nội ngoại của mẹ đều học hành giỏi giang, có người là trung tá công an, người là bác sĩ, bộ đội, giáo viên… Họ đều đang ra sức dựng xây đất nước từng ngày, nối gót người cụ, người bà bất khuất, kiên trung. Năm 2015, Chủ tịch nước đã truy tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam anh hùng đối với mẹ Phạm Thị Quýt. Tấm bằng ấy, danh hiệu ấy sẽ làm đẹp hơn nữa hình ảnh mẹ trong lòng mỗi người.

Phạm Hạnh