Mở rộng tai, làm teo cơ chân, phụ nữ Trung Quốc bất chấp để đẹp lên

Tương tự các bạn đồng trang lứa, Ruxin (23 tuổi, Quảng Châu) thích lướt mạng xã hội hàng ngày. Song, cô tìm kiếm một thứ rất cụ thể: những thông tin cập nhật về phẫu thuật thẩm mỹ, theo BBC.

Cô đang có kế hoạch phẫu thuật “mắt hai mí” với hy vọng sẽ làm cho đôi mắt của mình trông to hơn. Ruxin thường xuyên đăng nhập ứng dụng Gengmei để săn tìm bác sĩ phẫu thuật phù hợp nhất.

“Có rất nhiều phòng khám trong thành phố. Tôi muốn chắc chắn rằng mình tìm đến một cơ sở tốt khi thực hiện phẫu thuật trên gương mặt”, cô nói.

Phẫu thuật thẩm mỹ ngày càng phổ biến ở Trung Quốc. Ảnh: Alamy.

Trước đó, vào tháng 2, Kaola (30 tuổi) quyết định thực hiện phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ đầy rủi ro, đang gây tranh cãi tại Trung Quốc: "phong bế bắp chân". Theo đó, một số dây thần kinh ở bắp chân khách hàng sẽ được cắt bỏ, làm teo cơ và khiến chân thon thả hơn, nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ.

Dù được cảnh báo ca phẫu thuật chân sẽ tốn kém, không hợp pháp và nếu không may có thể vĩnh viễn mất khả năng chạy hoặc nhảy, Kaola (30 tuổi) vẫn nghĩ rằng nó đáng để thử, theo Sixth Tone.

Tương tự, những năm gần đây, ngày càng nhiều phụ nữ Trung Quốc thực hiện các loại phẫu thuật thẩm mỹ nguy hiểm như mở rộng tai, làm "tai yêu tinh" hay chỉnh sửa bộ phận sinh dục để sở hữu thân hình hoàn hảo.

"Phong bế bắp chân" nghĩa là một số dây thần kinh ở bắp chân sẽ được cắt bỏ, làm teo cơ và khiến chân thon thả hơn, nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ.

Không còn là chủ đề cấm kỵ

Gengmei, mang nghĩa “đẹp hơn” trong tiếng Trung, là một trong số các nền tảng mạng xã hội ở xứ tỷ dân dành riêng cho phẫu thuật thẩm mỹ. Tại đây, người dùng cập nhật trạng thái về chuyện đi làm đẹp, bao gồm cả việc hút mỡ và làm mũi.

Kết quả tìm kiếm có thể được lọc theo khu vực, phương pháp điều trị và phòng khám.

Kể từ khi ra mắt vào năm 2013, lượng người dùng của Gengmei tăng từ 1 triệu lên 36 triệu. Hơn một nửa trong số đó là phụ nữ trẻ ở độ tuổi đôi mươi.

Tương tự, nền tảng phẫu thuật thẩm mỹ So-Young chứng kiến lượng người dùng hoạt động hàng tháng của mình tăng lên, từ 1,4 triệu vào năm 2018 lên 8,4 triệu năm nay.

Độ nổi tiếng của những mạng xã hội này là dấu hiệu cho thấy sự thay đổi thái độ đối với phẫu thuật thẩm mỹ của Trung Quốc. Hiện nước này thực hiện nhiều ca phẫu thuật hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, chỉ sau Mỹ, BBC đưa tin.

Theo một báo cáo của Deloitte, thị trường phẫu thuật thẩm mỹ ở Trung Quốc gần như tăng gấp 3 lần giá trị trong 4 năm qua, lên khoảng 177 tỷ NDT (27,3 tỷ USD) vào năm 2019. Tốc độ tăng trưởng hàng năm là 28,7%, cao hơn tốc độ toàn cầu là 8,2%.

Với đà tăng trưởng này, Trung Quốc có thể trở thành thị trường phẫu thuật thẩm mỹ lớn nhất thế giới vào giữa thập kỷ này, Global Times nhận định.

Chiếc mũi của nữ diễn viên Gao Liu bị hoại tử do phẫu thuật hỏng. Ảnh: Gao Liu/Weibo.

Bên cạnh các thủ thuật phổ biến như tạo mắt hai mí hay gọt xương hàm hình chữ V, một số kiểu thẩm mỹ khác nổi lên như những xu hướng “nhanh đến nhanh đi”, chẳng hạn như phẫu thuật tai nhọn hoắt như yêu tinh.

Đặc biệt, những bạn trẻ sinh sau năm 1996 không ngại khi khoe về chuyện đi thẩm mỹ dù chủ đề này từng được coi là điều cấm kỵ trong quá khứ.

Ruxin, người làm việc trong lĩnh vực bán lẻ thời trang, nói rằng bạn bè cô “cởi mở khi nói về phẫu thuật thẩm mỹ”.

“Ngay cả khi không khoe mẽ, họ cũng chẳng phủ nhận nếu bạn hỏi họ có sửa sang gì trên cơ thể không”, cô cho biết.

Đằng sau xu hướng phẫu thuật thẩm mỹ

Tuy nhiên, sự bùng nổ phẫu thuật thẩm mỹ ở Trung Quốc cũng đi kèm với những mặt hạn chế của nó. Theo một báo cáo của Global Tomes, năm 2019, xứ tỷ dân có khoảng 60.000 cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ không được cấp phép.

Những phòng khám này là nguyên nhân gây ra khoảng 40.000 ca tai nạn y tế mỗi năm, tức trung bình 110 ca/ngày. Một trong những trường hợp nổi tiếng nhất là nữ diễn viên Gao Liu. Cuộc phẫu thuật hỏng khiến phần mũi của Gao bị biến dạng, thâm đen phần chóp.

Cô cho biết cuộc trùng tu nhan sắc thất bại khiến bản thân từng có ý định tự tử, công việc diễn xuất bị hủy hoại.

Trong khi đó, bác sĩ phẫu thuật cho Gao chỉ bị đình chỉ hành nghề 6 tháng, đồng thời phòng khám nộp phạt 49.000 NDT. Nhiều người cho biết án phạt này không đủ sức răn đe.

Phẫu thuật thẩm mỹ không còn bị coi là chủ đề cấm kỵ trong xã hội Trung Quốc. Ảnh: Jean Chung/New York Times.

Nói với BBC, các chuyên gia cho biết nhiều người Trung Quốc rất coi trọng ngoại hình và nhiệm vụ “phải trở nên xinh đẹp” ấy đang thúc đẩy xu hướng phẫu thuật thẩm mỹ.

Bác sĩ Brenda Alegre, Giáo sư nghiên cứu về giới ở ĐH Hong Kong (Hong Kong, Trung Quốc), nói rằng “việc tuân theo chuẩn mực vẻ đẹp lý tưởng khiến một người trở nên được khao khát hơn, không chỉ trong tình yêu mà cả ở công việc”.

Tại xứ tỷ dân, các ứng viên xin việc thường được yêu cầu nộp kèm một bức ảnh. Một số quảng cáo tuyển dụng cũng nêu rõ yêu cầu về ngoại hình, đặc biệt đối với phụ nữ, ngay cả khi các yêu cầu đó chẳng phục vụ gì cho công việc.

Các chuyên gia nhận định ngày càng có nhiều sự tập trung vào chuyện ngoại hình hơn bao giờ hết.

“Ở một mức độ nhất định, vẻ đẹp có thể mang lại nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn, chẳng hạn kiếm tiền từ livestream và sáng tạo nội dung video trực tuyến”, Wang Jun, Phó chủ tịch của Gengmei, cho biết. Ứng dụng này cũng tuyên bố họ chỉ làm với các bác sĩ phẫu thuật đã được cấp phép hành nghề.

Ngoài ra, các ấn phẩm tin tức Trung Quốc cũng thường chỉ trích người nổi tiếng về ngoại hình.

Nhiếp ảnh gia Lu Yuan đang thực hiện cuốn sách về phẫu thuật thẩm mỹ ở xứ tỷ dân. Ảnh: Lu Yuan.

Lu Yuan, một nhiếp ảnh gia ở Bắc Kinh đang thực hiện một cuốn sách về chuyện phẫu thuật thẩm mỹ, kể với BBC rằng trong thời gian trưởng thành, nhiều người bàn tàn về ngoại hình của cô.

“Khi tôi học cấp 2, các nam sinh cũng lập danh sách những cô gái xấu xí nhất trong lớp và họ bảo rằng tôi đứng thứ 5”, cô cho biết.

Nhiếp ảnh gia Lu, người đã ghé thăm 30 phòng phẫu thuật thẩm mỹ trong khuôn khổ dự án của mình, cũng thường xuyên bắt gặp tình cảnh các bác sĩ không ngớt lời khuyên bảo cô nên “cải thiện nhan sắc” của mình.

“Họ thuyết phục đến mức tôi cảm thấy khó có thể từ chối, ngoại trừ việc tôi không có đủ tiền cho những ca phẫu thuật đó”, Lu cười nói.

Đối với Ruxin, chi phí phẫu thuật cắt mí có phần dễ thở hơn, từ 300-1.200 USD. Tuy nhiên, đó có thể chỉ là bước đầu tiên.

“Nếu cuộc phẫu thuật cắt mí diễn ra thành không, có thể tôi sẽ làm nữa. Có ai mà không muốn xinh đẹp hơn chứ?”, cô nói.

Ánh Dương