Mùa phim Tết 2022: Nỗi ám ảnh COVID-19 và 'vua lỳ đòn' Trạng Tí

Đã từng mất mùa phim Tết do COVID-19

Tết được xem là khoảng thời gian "ăn nên làm ra" của các nhà sản xuất phim điện ảnh Việt những năm trở lại đây. Bởi dịp Tết là quãng thời gian nghỉ ngơi, thư giãn sau một năm bận rộn, nhu cầu xem phim của công chúng càng tăng cao. Đặc biệt giới trẻ, thay vì chỉ ở nhà đắm chìm với ngày Tết thì họ lựa chọn những tụ điểm vui chơi giải trí, trong đó rạp phim là điểm đến lý tưởng nhất.

Các mùa phim Tết trước đây, đã có nhiều tác phẩm của điện ảnh Việt đạt doanh thu kỷ lục như 30 chưa phải là Tết, Gái già lắm chiêu 3, Cua lại vợ bầu, Siêu sao siêu ngố, Mỹ nhân kế, Nhà có 5 nàng tiên, Tía tui là cao thủ... Đây chủ yếu đều là những phim hài hoặc tình cảm, mang không khí vui nhộn khá hợp không khí ngày Tết nên khán giả dễ dàng đón nhận.

Trước khi có dịch COVID-19, Cua lại vợ bầu chiếu Tết 2019 là phim có doanh thu cao nhất mùa phim Tết (hơn 190 tỷ đồng).

Những năm không có dịch bệnh, Tết dương lịch vừa qua và đặc biệt Tết Nguyên đán sắp tới, là thời kỳ các rạp trong cả nước rộn ràng nhất trong năm. Những tác phẩm được mong đợi nhất sẽ được các nhà sản xuất tung ra rạp, nhiều "món ngon" được bày ra trên bàn tiệc để khán giả thưởng thức và lựa chọn. Song mùa phim Tết Việt năm qua đã rơi vào cảnh ảm đạm chưa từng có bởi sự xuất hiện của COVID-19. Thậm chí mùa phim Tết 2021 bị xóa sổ, hàng loạt tác phẩm dừng chiếu khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Tác động của dịch COVID-19 kéo dài từ mùa phim Tết Tân Sửu đến thời điểm hiện tại. Mùa phim Tết năm ngoái, các tác phẩm đình đám đã ấn định ngày ra mắt nhưng phải đổi lịch chiếu, đó là Bố già, Gái già lắm chiêu V, Lật mặt 48h… Các phim này đều ra rạp sau Tết 2021 và tạo ra những hiệu ứng tích cực, trước khi rạp chiếu ở nước ta phải đóng cửa do đợt dịch lần thứ tư bùng phát.

Phim Bẫy ngọt ngào của Minh Hằng hoãn chiếu 2 lần do dịch COVID-19, được chờ đợi ra rạp Tết 2022.

Dù rạp chiếu trong nước đã mở cửa trở lại thời gian gần đây và thích ứng an toàn với dịch bệnh, mùa phim Tết Nhâm Dần sắp tới, nhiều nhà sản xuất vẫn rất thận trọng bởi ai cũng nhận thấy COVID-19 tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Những phim Việt được chờ đợi ra rạp Tết 2022 như Em và Trịnh, Nghề siêu dễ, Bẫy ngọt ngào, Người lắng nghe: Lời thì thầm…hiện còn án binh bất động. COVID-19 chính là nỗi ám ảnh với các nhà sản xuất, đơn vị phát hành phim Việt ở thời điểm hiện tại dù "mùa vàng" đã điểm.

Trạng Tí phiêu lưu ký - 'vua lỳ đòn' của phim Tết

Tính tới thời điểm hiện tại, Trạng Tí phiêu lưu ký, 1990, Chìa khóa trăm tỷ, Nhà không bán là các tác phẩm thông báo chiếu rạp vào Tết Nguyên đán 2022. Trong đó đáng chú ý có Trạng Tí phiêu lưu ký – bộ phim của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân ấp ủ và hoàn thiện trong 5 năm.

Trạng Tí phiêu lưu ký từng hoãn chiếu Tết Tân Sửu và 3 lần khác do dịch COVID-19. Tết 2022 tiếp tục ra rạp.

Trạng Tí phiêu lưu ký không phải là tác phẩm mới. Tết Tân Sửu, bộ phim này cũng đã chọn ngày ra rạp nhưng sau đó phải hoãn chiếu do ảnh hưởng của COVID-19 lúc bấy giờ. Tác phẩm tiếp tục ra rạp vào dịp lễ 30/4/2021 nhưng chỉ được vài ngày, tiếp tục "đắp chiếu" vì đợt dịch lần thứ tư ở nước ta buộc các rạp phim phải đóng cửa.

Phim ít nhất 4 lần hoãn chiếu vì dịch bệnh. Ngô Thanh Vân và ê-kíp làm phim khóc ròng vì số phận hẩm hiu của đứa con tinh thần. Năm lần bảy lượt lỡ hẹn với khán giả, Trạng Tí phiêu lưu ký quyết không bỏ cuộc dịp Tết 2022. Nhiều người nói tác phẩm xứng đáng là "vua lỳ đòn" của điện ảnh Việt.

Trạng Tí phiêu lưu ký hứa hẹn là tác phẩm đáng xem dù từng vướng lùm xùm đến tác quyền bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt.Phim do Phan Gia Nhật Linh đạo diễn, với số tiền đầu tư lên đến 43 tỷ đồng. Trong một tuần ra rạp hồi tháng 4/2021, phim đã thu về 17,5 tỷ. Nội dung phim được chuyển thể từ truyện tranh Thần đồng đất Việt, được giới làm nghề nhận định có nội dung tốt, hiệu ứng kỹ xảo mãn nhãn, đầu tư trang phục thuần Việt…

Phim xoay quay Tí - cậu bé vốn nổi tiếng thông minh. Vì gia đình nghèo, không có cha, cậu thường bị khinh khi. Một ngày, Tí cùng nhóm bạn Sửu, Dần, Mẹo quyết tâm lên đường tìm thầy Thích Thông Tuệ ở chùa Phật Quang để biết cha cậu là ai. Trên đường đi, nhóm trẻ gặp nhiều hiểm nguy như bị bắt cóc, đối đầu với nhóm cướp, bị lừa đến đền Thần Hổ.

Phim nhấn mạnh về mối quan hệ giữa Tí và mẹ, trao thêm cho "thần đồng" một nỗi khát khao to lớn về việc đi tìm một gia đình đủ đầy đúng nghĩa. Kết phim đưa đến một cái nhìn hiện đại, nhân văn về vấn đề làm mẹ đơn thân.

Ngoài lùm xùm quanh bản quyền truyện Thần đồng đất Việt, phim Trạng Tí phiêu lưu ký được nhận định là phim có sự đầu tư cả về nội dung lẫn bối cảnh, kỹ xảo...

Trạng Tí phiêu lưu ký giúp khán giả nhỏ tuổi có thêm những bài học quý giá trong cuộc sống về cách đối nhân xử thế với bạn bè và người thân. Tác phẩm được đánh giá cao phần bối cảnh, dàn dựng khi đem đến cuộc sống miền quê với mái nhà tranh, cầu tre, quán xá, lễ hội đình làng... Phần kỹ xảo lung linh huyền ảo là một yếu tố hút người xem ở tác phẩm này. Điểm trừ của phim là có một số tình tiết thiếu logic, thời lượng quá dài (hơn 2 giờ đồng hồ) dễ khiến khán giả thiếu tính kiên nhẫn đi tới phút cuối cùng.

"Ở vai trò là nhà sản xuất, chưa có dự án nào của tôi gian nan như vậy, khi phải liên tục dời lịch chiếu nhiều lần vì đại dịch nhưng với sự đầu tư cả về nhân lực lẫn tài lực của ê-kíp hơn 300 người, tôi mong sự trở lại của Trạng Tí lần này vẫn được khán giả đón nhận, yêu thương", nhà sản xuất Ngô Thanh Vân bày tỏ.

Hoa Quỳnh