Nền tảng số - Rộng mở đầu ra cho sản phẩm OCOP

Thời gian qua, từ chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), sản phẩm đặc sản, truyền thống của huyện đạt tiêu chuẩn chất lượng, đa dạng về chủng loại, được kết nối cung - cầu, xúc tiến thương mại và giới thiệu quảng bá rộng khắp. Trước xu thế phát triển, nhiều cơ sở, hộ làm nghề đã thay đổi nhận thức, tư duy thương mại, mạnh dạn kinh doanh trên nền tảng số. Nhờ đó, thu hút đông đảo khách hàng mua sắm, hoạt động sản xuất, kinh doanh sôi nổi, khởi sắc hơn.

Ông Lê Hoài Phương, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ngọc Hiển, thông tin: “Ðể giúp người dân có kỹ năng kinh doanh số, huyện phối hợp với Sở Công thương, Sở Thông tin và Truyền thông, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, các đơn vị có liên quan hỗ trợ đào tạo, hướng dẫn kỹ năng, cách thức đăng ký tài khoản thanh toán, mở gian hàng và các hoạt động bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Ðến nay, huyện hỗ trợ 9 chủ thể, đưa 100% sản phẩm OCOP lên Sàn thương mại điện tử tỉnh à Mau (madeincamau.com) để giới thiệu và giao dịch, mua bán. Nhiều sản phẩm được khách hàng trong và ngoài tỉnh tin tưởng chọn và đặt mua”.

Chỉ sau thời gian ngắn tìm hiểu, ứng dụng bán hàng trực tuyến qua sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, nhất là kênh , đơn hàng của Cơ sở sản xuất kinh doanh Giang Loan (ấp Ba Nhất, xã Tam Giang Tây) tăng lên đáng kể. Tôm khô tách vỏ, tôm khô nguyên vỏ, mắm tôm, bánh phồng tôm, cá sơn rim nước mắm... của cơ sở được khách hàng nhận diện tốt hơn và liên hệ đặt mua.

Chị Trương Kim Loan, Chủ cơ sở Giang Loan, chia sẻ: “Cuối năm 2023, tôi may mắn được tham gia Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Festival Tôm Cà Mau, từ đó đã truyền động lực và cảm hứng cho tôi kinh doanh trên nền tảng số”.

Chị Trương Kim Loan đã tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP hiệu quả trên nền tảng mạng xã hội.

Theo chị Loan, không gian mạng là môi trường lý tưởng để cơ sở sản xuất giới thiệu, quảng bá và đưa thông tin nhanh nhất, đầy đủ, chi tiết nhất về sản phẩm OCOP và những sản phẩm đặc sản đến với người tiêu dùng.

Sau thời gian tìm tòi, học hỏi, hiện chị Loan đã xây dựng được kênh TikTok với gần 4 ngàn lượt theo dõi. Trên kênh, chị đăng tải những đoạn video ngắn quảng bá sản phẩm gia đình sản xuất, từ thu mua nguyên liệu, sơ chế, chế biến thành phẩm đến đóng gói, cách thưởng thức... thu hút nhiều lượt yêu thích, tương tác. Từ đầu năm đến nay, lượng hàng bán ra đều, ổn định, tăng gấp 2-3 lần so với trước, trong đó đa phần là khách mới, đặt hàng từ TikTok, Zalo, giúp cơ sở tăng thu nhập, tạo việc làm cho nhiều chị em địa phương.

Hợp tác xã (HTX) Tôm khô Tân Phát Lợi (ấp Tân Lập, xã Tân Ân Tây) xây dựng website bán hàng trực tuyến ngay từ khi có những sản phẩm OCOP đầu tiên. Theo ông Bùi Văn Chương, Giám đốc HTX, đến nay, HTX đăng tải lên trang web 12 sản phẩm, trong đó có 10 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 1 sản phẩm đạt 4 sao. Trung bình mỗi tháng, HTX cung ứng từ 2-3 tấn sản phẩm, có gần 90% khách hàng đặt mua sản phẩm thông qua trang web. HTX sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp cận các nền tảng số khác để quảng bá, mở rộng tiêu thụ sản phẩm.

HTX Tân Phát Lợi có 10 sản phẩm 3 sao và 1 sản phẩm 4 sao OCOP. Gần 90% khách hàng đặt mua sản phẩm của HTX thông qua trang web.

Ðể tiến trình chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa phương diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn, bên cạnh sự chuyển mình của các chủ thể OCOP thì sự phối hợp, đồng hành, hỗ trợ của các cơ quan chức năng đóng vai trò quan trọng.

Ông Lê Hoài Phương cho biết thêm: “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp cùng các sở, ban, ngành đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, các chủ thể OCOP trong hoàn thiện, nâng chất và quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Ðồng thời, đẩy mạnh hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn huyện; nhanh chóng đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh lên môi trường số. Tăng cường triển khai kết nối, tiêu thụ sản phẩm của huyện tới các tỉnh, thành phố trong nước, góp phần tạo cầu nối bền vững, lâu dài cho hoạt động giao thương và đáp ứng xu thế phát triển trong thời đại 4.0”./.

Trúc Linh