Nếu không quyết liệt chúng ta sẽ tự đánh mất chính mình

Phố bích họa Phùng Hưng góp phần tôn vinh, bảo tồn, phát huy giá trị di sản đô thị của khu phố cổ Hà Nội. Ảnh: DANH TRỌNG

Vẫn manh mún, khó khăn

- Theo quan sát của anh, trong thời gian qua, các không gian văn hóa sáng tạo ở Việt Nam có những bước khởi sắc như thế nào?

- Trong ba năm đồng hành cùng dự án “Không gian văn hóa sáng tạo” ở Việt Nam do Hội đồng Anh và Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp tổ chức, và bảy năm vận hành không gian “Gặp gỡ mùa thu”, tôi thấy chúng ta chưa thể dùng từ “khởi sắc” cho các không gian văn hóa sáng tạo. Hiện nay, tất cả không gian sáng tạo của Việt Nam chỉ dừng ở mức manh nha, manh mún. Hầu hết không gian sáng tạo mạnh chỉ xuất hiện ở Hà Nội, trong khi, thị trường sôi động như TP Hồ Chí Minh lại rất ít không gian như vậy. Tôi gặp các bạn vận hành các không gian văn hóa sáng tạo tại Hà Nội, tôi thấy mọi người đang cố gắng tồn tại, còn chưa thấy cơ hội khởi sắc nào.

- Anh đánh giá vai trò của các không gian văn hóa trong sự phát triển của một đô thị, rộng hơn là một quốc gia như thế nào?

- Mô hình các không gian văn hóa sáng tạo rất phổ biến và dễ gặp ở nhiều quốc gia. Tôi có dịp tiếp xúc và đi khảo sát các không gian văn hóa sáng tạo ở Vương quốc Anh, Iceland, Đài Loan (Trung Quốc)... Ở đó các không gian văn hóa nghệ thuật cho cộng đồng rất đa dạng, rộng và độc lập, họ hoạt động xuất phát từ nhu cầu tự thân từ những người được hưởng lợi và những người tự thấy đó là cần. Từ đó, họ sẽ có cách mở ra các không gian văn hóa sáng tạo khác nhau. Vai trò của chính quyền nếu có, là cách họ ủng hộ và nhìn nhận nó như một thực thể quan trọng trong sự phát triển văn hóa nói chung. Điều thứ hai là họ phải nhìn thấy đó là nhu cầu bắt buộc phải có để phát triển xã hội theo xu hướng văn minh, bởi thiếu những không gian văn hóa sáng tạo như vậy thì những hoạt động văn hóa nghệ thuật của một đô thị, một quốc gia sẽ bị thiếu hụt và người dân không có lựa chọn nào khác ngoài việc trở thành đối tượng tiêu dùng các sản phẩm văn hóa được đầu tư với quy mô công nghiệp. Thật ra, nếu không có những không gian văn hóa sáng tạo để tạo ra những khu vực, sân chơi riêng độc đáo cho người dân thì họ chỉ biết trông chờ từ các sản phẩm công nghiệp. Những nước nhỏ chưa có điều kiện phát huy nền công nghiệp sáng tạo của mình lại trở thành nơi tiêu thụ cho các sản phẩm công nghiệp sáng tạo của nước ngoài. Các nước phát triển đều hiểu nguy cơ đó nên họ đánh giá cao vai trò của các không gian văn hóa sáng tạo. Nó rất quan trọng trong việc tạo ra sự đa dạng, phong phú trong thưởng thức và tiếp nhận văn hóa. Họ ưu tiên và luôn có cách để các không gian như vậy hoạt động trơn tru và có tính kết nối, không chỉ trong nước mà có tính kết nối quốc tế nữa. Trong thời buổi toàn cầu hóa, thế giới mở cửa và ranh giới giữa các quốc gia đang bị xóa nhòa, thì các không gian văn hóa sáng tạo này giúp chúng ta định vị mình rõ nét hơn.

Cách nhìn cởi mở và tư duy bài bản

- Đã có bảy bảy năm vận hành không gian văn hóa sáng tạo Gặp gỡ mùa thu, anh có thể chia sẻ những kinh nghiệm, khó khăn và cơ hội của mình?

- Gặp gỡ mùa thu có thể nói là một không gian sáng tạo khá thành công và duy nhất trong lĩnh vực điện ảnh. Để vận hành được bảy năm và có những thành quả như tổ chức kết nối được nhiều bạn trẻ tài năng không chỉ trong nước và khu vực, nhiều phim ngắn từ Gặp gỡ mùa thu đã đạt các giải thưởng trong các liên hoan quốc tế và khu vực, chúng tôi đã rất nỗ lực. Năm đầu tiên của Gặp gỡ mùa thu chỉ có một nhóm các bạn trẻ trong nước với nhau, lần đó tôi mới chỉ mời được đạo diễn Trần Anh Hùng về dạy trong một giới hạn tài chính hạn hẹp, nhưng từ năm thứ hai, chúng tôi đã có những kết nối với quốc tế để mở rộng tầm nhìn cũng như tư duy của các nhà làm phim trẻ. Nếu chúng ta cứ mãi ở trong nước, chúng ta không có cơ hội giao lưu thì không bao giờ phát triển được. Cái được của Gặp gỡ mùa thu đó là sự kết nối, giao lưu với quốc tế và từ đó, tạo ra nhiều cơ hội cho các bạn trẻ tài năng. Tôi nghĩ, rất cần sự hy sinh của những người vận hành các không gian văn hóa sáng tạo, họ phải đam mê, nhiệt huyết và minh bạch trong cách vận hành các không gian đó. Họ cũng phải học hỏi để tổ chức quản lý các không gian khi vận hành và đi đường dài.

- Vậy theo anh, lý do vì sao các không gian văn hóa sáng tạo ở Việt Nam chưa phát triển và tạo được mạng lưới kết nối tốt, dù cách đây hai năm Hà Nội đã được UNESCO công nhận là thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo?

- Có lẽ, một lý do quan trọng là từ trước đến nay, chúng ta luôn quan niệm, các vấn đề thuộc về văn hóa đều do Nhà nước quản lý và vận hành. Nếp nghĩ đó đã hạn chế sự bung ra của các cá nhân hay tổ chức độc lập. Mấy năm gần đây, đã có những thay đổi, đến từ việc một số nghệ sĩ đi học ở nước ngoài về, họ muốn có những đóng góp cho sự phát triển của văn hóa nước nhà và mạnh dạn tổ chức các không gian sáng tạo. Tuy nhiên, chúng ta cần những cái nhìn cởi mở hơn nữa để thúc đẩy các không gian văn hóa sáng tạo phát triển mạnh, có quy mô và bài bản hơn ở Việt Nam trong thời gian tới. Để vận hành một không gian văn hóa sáng tạo đi đường dài, rất cần các nghệ sĩ được đào tạo bài bản, từ quản lý nghệ thuật, tài chính, đến các cách thức vận hành.

- Có lẽ, điều quan trọng nhất cho các không gian văn hóa sáng tạo ở Việt Nam hiện nay là chúng ta cần sự hỗ trợ về mặt chính sách từ phía nhà nước. Trong thời gian qua, về mặt chính sách đã có những động thái nào chưa?

- Trong thời gian gần đây, Chính phủ đã nhìn nhận vai trò của các thiết chế văn hóa ngoài công lập và tạo hành lang pháp lý để các thiết chế này hoạt động thuận lợi hơn. Tuy nhiên, so với các nước chúng ta còn nhiều hạn chế. Chúng ta chưa tạo được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ nhiều phía, vì như tôi phân tích ở trên, chúng ta vẫn quan niệm văn hóa nghệ thuật là thuộc quản lý của Nhà nước. Vì thế chúng ta có sự đứt quãng trong việc thảo luận để đưa ra chiến lược chung. Tôi cho rằng, đây là thời điểm, cơ quan nhà nước cần nhìn nhận không gian văn hóa ngoài nhà nước như thực thể độc lập và đóng góp hữu ích vào bộ mặt chung của văn hóa quốc gia. Chúng ta cần những hoạt động lớn hơn, chiến lược hay hơn để góp phần vào công cuộc xây dựng văn hóa. Chúng ta cũng nên chia sẻ nguồn lực một cách công bằng hơn cho các đơn vị ngoài công lập. Tôi cho rằng, cần phải làm sao cho tất cả những người hoạt động văn hóa dù ở khía cạnh nào cũng có cơ hội để có tiếng nói rõ ràng hơn, được đối xử công bằng hơn và tích cực hơn trong việc tiếp cận nguồn lực.

- Vậy anh có những đề xuất gì về mặt chính sách để giúp các không gian văn hóa sáng tạo hoạt động hiệu quả hơn?

- Đã đến lúc những người làm chính sách và hoạt động văn hóa cần ngồi lại với nhau, đánh giá, xem xét và nhìn nhận một cách công tâm vai trò, giá trị của các không gian văn hóa trong sự phát triển của đô thị như thế nào để có những chính sách thiết thực hơn. Tôi nhấn mạnh ở đây là phải làm với một tâm thế minh bạch, công tâm vì sự phát triển bền lâu của đất nước chứ không phải làm cho có. Lâu nay, chúng ta đang bị lãng phí một số nguồn lực, do chưa đánh giá, đầu tư đúng cho văn hóa. Nếu không quyết liệt, chúng ta sẽ tự đánh mất chính mình.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.

HẠNH NGUYÊN (thực hiện)