Người dân và chính quyền Hà Nội đồng lòng đẩy lùi Covid-19

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Quang Trung (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, từ chiều 18/7, sau khi Chủ tịch thành phố Hà Nội có công điện 15 yêu cầu tăng cường các biện pháp chống dịch, phường đã cử lực lượng đi tuyên truyền tới người dân, hộ kinh doanh chấp hành nghiêm quy định mới.

Ông Nguyễn Văn Tuấn – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Quang Trung tuyên truyền tới người dân, hộ kinh doanh chấp hành nghiêm quy định mới

Theo ông, trong ngày 19/7, đã có 10 tổ công tác của phường ra quân "đi từng ngõ, gõ từng cửa hàng" để nhắc nhở về việc đóng cửa theo quy định. Những cửa hàng không thiết yếu như: vàng bạc, thời trang, sửa chữa... đều phải thực hiện nghiêm quy định.

Theo ông Tuấn, hầu hết người dân đều có ý thức chấp hành, đa số họ đều nhận thức được tầm quan trọng của các chỉ đạo của TP trong công tác phòng, chống dịch.

Tuy nhiên, vẫn còn một số ít hộ kinh doanh chưa nắm được chỉ đạo mới và chưa hiểu rõ quy định nên vẫn mở cửa, bước đầu lực lượng kiểm tra tuyên truyền, nhắc nhở.

Cũng theo ông Tuấn, thành phố đã căn cứ vào tình hình cụ thể về diễn biến dịch bệnh để đưa những chỉ đạo điều chỉnh phù hợp. Do đó, không chỉ riêng Công điện 15 mà các Chỉ thị khác, địa phương đều nghiêm túc thực hiện, đồng thời giải thích rõ cho người dân chấp hành.

Người dân cam kết thực hiện công điện của TP Hà Nội

Ông Nguyễn Văn Ngọc (chủ cửa hàng tạp hóa, trên phố Nguyễn Lương Bằng, Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, bên cạnh việc thực hiện khuyến cáo về việc đeo khẩu trang bắt buộc, sát khuẩn tay trước khi vào cửa hàng, ông còn chủ động không bán một số sản phẩm không thiết yếu như: rượu, bia, thuốc lá… để hạn chế người đến mua.

“Chúng tôi nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của chính quyền để chung tay đẩy lùi dịch, đó cũng là hành động góp phần sớm khống chế dịch, sớm ổn định công việc trở lại”, ông Ngọc nói.

Chị Lê Minh Thư (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng chia sẻ, bản thân đã bỏ qua những lời rủ đi siêu thị cùng vào tối qua, mà vẫn đợi sáng nay đi mua đồ như thường ngày. Theo quan sát, giỏ hàng của chị vẫn đầy đủ, không thiếu một thực phẩm thiết yếu nào.

"Tôi tin khi thành phố Hà Nội quyết định giãn cách hay áp dụng các biện pháp quyết liệt để chống dịch, chắc chắn các cấp lãnh đạo đã có những chủ trương về đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho người dân rồi. Sáng nay tôi đi siêu thị, từ thực phẩm tươi đến khô vẫn đầy khay, chẳng thiếu gì cả", chị Minh Thư cho hay.

Người dân đổ xô đi mua đồ tại các siêu thị vào tối qua

Giống như chị Thư, anh Đào Ngọc Tuyến (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng quyết định không đi mua thực phẩm vội vàng ngay khi thành phố có chỉ đạo người dân ở tại nhà hoặc chỉ ra khỏi nhà khi có việc cần thiết.

Theo anh Tuyến, việc tụ tập quá đông, nhất là việc mọi người đổ xô đi mua đồ tích trữ không chỉ gây chen lấn mất thời gian mà còn tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh.

"Mình cảm thấy khó hiểu khi mọi người chen nhau lựa đồ, thanh toán tại các cửa hàng lớn, thậm chí có người không đeo khẩu trang. Điều này thực sự không tuân thủ quy định 5K trước tình hình nhiều ca F0 ngoài cộng đồng chưa được truy vết hay chưa rõ nguồn lây", anh Tuyến nói.

Còn theo chị Nguyễn Thị Thanh Hiền, Giám đốc một công ty bất động sản ở Hà Nội, mỗi người dân cần tuân thủ quy định về chống dịch và có trách nhiệm trong việc góp phần đẩy lùi dịch. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay thì việc giãn cách xã hội là cần thiết.

Chị Hiền cũng cho rằng, mọi người dân nên và cần phải tuân thủ nghiêm ngặt Công điện của thành phố Hà Nội, trước mắt là vì mình và vì mọi người.

TP Hà Nội vắng vẻ trong ngày đầu thực hiện

"Cá nhân tôi hiểu trong lúc khó khăn như này thì mỗi doanh nghiệp sẽ có những thiệt hại khác nhau, nhưng khó khăn này không phải riêng mình gặp, nên cần chia sẻ. Tôi quan niệm việc gì đến, thay vì tìm lý do thì phải tìm cách giải quyết, trong bất kỳ khó khăn nào rồi cũng có cách giải quyết", chị Hiền nói thêm.

Nhị Tiến