Người mẹ trẻ ở TP.HCM trông 3 con mùa dịch

Sống ở TP.HCM, chị Ngô Thúy Hằng (35 tuổi) hiểu rõ tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Nghỉ ở nhà để phòng chống dịch, chị vừa làm việc, vừa chăm sóc ba con nhỏ. Hiện tại, một bé 6 tuổi, một bé 3 tuổi và bé còn lại là 10 tháng tuổi.

Việc chăm sóc con cái và duy trì công việc được chị Hằng thực hiện theo thời gian biểu nhất định. Nữ phụ huynh cố gắng làm bạn, lắng nghe và vui chơi cùng con nhiều hơn. Đây cũng là cách để chị Hằng giáo dục con và giảm bớt căng thẳng trong mùa dịch.

"Con chỉ lớn một lần trong đời, vì vậy, hãy lắng nghe và rủ con chơi cùng để giải trí, giảm bớt căng thẳng", người mẹ trẻ chia sẻ.

Làm việc trong lúc con ngủ

Dịch Covid-19 bùng phát trở lại, cả gia đình chị Hằng phải thay đổi thời gian biểu để làm quen với việc ở nhà trong thời gian dài.

"Hai bé lớn đang học mẫu giáo nhưng vì dịch phải nghỉ học. Các con cùng ở nhà nên lịch sinh hoạt phải thay đổi theo. Thời gian sau, bố cũng làm việc tại nhà nên gia đình đã mất một khoảng thích ứng với thời gian biểu mới", chị Hằng chia sẻ.

Gia đình của chị Ngô Thúy Hằng. Ảnh: NVCC.

Chị Hằng phân chia thời gian để vừa có thể chăm sóc con, vừa hoàn thành công việc.

Sau khi cả nhà ăn sáng, nữ phụ huynh sẽ cùng con đọc sách, vui chơi. Đến 9 giờ, người mẹ hỗ trợ hai bé lớn học online. Khi con học xong, cả nhà sẽ ăn cơm trưa. Tới lúc các bé ngủ trưa, nữ phụ huynh tranh thủ làm việc.

Buổi chiều, khi xong công việc, chị Hằng lại dành thời gian chơi với con. Đến 15 giờ, cả nhà tập thể dục cùng nhau. Sau khi ăn cơm tối, nữ phụ huynh cùng các con vui chơi. Mãi đến lúc các bé đi ngủ, khoảng 22h30, chị mới làm việc của mình.

15 giờ chiều mỗi ngày là khoảng thời gian chị Hằng tập thể dục cùng con. Ảnh: NVCC.

Thời gian đầu, việc học online của hai bé lớn khiến chị Hằng lo lắng. Do lịch học của các con cùng thời gian, chị Hằng đã phải hỗ trợ cả hai trong quá trình học.

Hàng tuần cô giáo sẽ gửi chủ đề, nữ phụ huynh cùng con giải quyết bằng các tạo ra nhiều trò chơi để con học theo tài liệu. Nữ phụ huynh không đặt áp lực học tập lên con cái, cho con lựa chọn lớp theo sở thích của mình.

Bận rộn với việc chăm sóc gia đình và công việc nhưng chị Hằng cố gắng suy nghĩ tích cực.

"Tôi quan niệm, may mắn chỉ quyết định 1% cuộc đời, 99% đến từ tinh thần lạc quan, chăm chỉ học hỏi làm việc và biết hạnh phúc với những gì mình có. Đó mới là cốt lõi để bản thân hạnh phúc", chị Hằng nói.

Người mẹ tạo ra nhiều hoạt động để con vừa học vừa chơi mùa dịch. Ảnh: NVCC.

Trở thành bạn của con

Thời gian nghỉ ở nhà, chị Hằng thường cùng con làm bánh, trồng cây, vẽ tranh, đọc sách hoặc tập thể dục. Mẹ và con vui chơi, giải trí để giảm bớt cảm giác chán nản, mệt mỏi khi phải ở nhà thời gian dài.

"Tôi hay rủ con chơi chung, hỏi con có biết làm không, mẹ không biết, dạy mẹ với… Trước khi đi ngủ, tôi hẹn con là sau khi ngủ dậy sẽ làm gì để các con hào hứng hơn", chị Hằng chia sẻ.

Nữ phụ huynh đánh giá bản thân đang trên con đường trở thành người bạn của ba con nhỏ. Không chỉ dành thời gian chơi cùng con, chị Hằng còn thường xuyên tâm sự, hỏi han và nghe con kể chuyện.

Theo chị, những câu chuyện của các con đôi khi khiến người bất ngờ. Nghe con chia sẻ, người mẹ học hỏi thêm được nhiều điều từ góc độ suy nghĩ của con.

Nghỉ dịch, các bé có thời gian bên nhau nhiều hơn nên đôi khi có mâu thuẫn xảy ra. Mỗi lần như vậy, người mẹ có thể sử dụng "hình phạt" là các bé đứng ôm nhau trong góc nhà, khi nào hiểu ra lỗi của mình và xin lỗi nhau thì thôi.

Ngoài những lúc chí chóe lẫn nhau, hai bé lớn vẫn thường chăm em út 10 tháng tuổi, để mẹ nấu cơm hoặc làm việc nhà.

Từ cách nuôi dạy con cái và chăm sóc gia đình của mình, chị Hằng khuyên phụ huynh nên suy nghĩ tích cực và tận dụng khoảng thời gian nghỉ dịch để làm bạn và hiểu con hơn.

"Chúng ta cũng từng là trẻ con. Hãy nghĩ hồi bé mình như thế nào, đặt địa vị mình vào trẻ, để quan tâm con nhiều hơn", người mẹ trẻ nói.

Nguyễn Hằng