Nhân viên ở Nhật phải xin lỗi vì có thai trước sếp

Một số cơ sở giữ trẻ ở Nhật Bản tồn tại “luật thai sản” dựa trên thâm niên làm việc. Các quy định bất thành văn nhưng được thực thi nghiêm ngặt dẫn đến việc phụ nữ bị đối xử bất công vì nghỉ thai sản trước cấp trên.

Theo Nippon, điều này phản ánh các vấn đề về cấu trúc trong môi trường dành cho nữ nhân viên nhà trẻ.

“Quấy rối thai sản” đang trở thành vấn đề trong nhiều cơ sở giữ trẻ ở Nhật. Ảnh: Jiji/Nippon.

“Thật vô trách nhiệm!”

Khi Nishino Keiko (35 tuổi), quản lý một trung tâm giữ trẻ ở thủ đô Tokyo, báo với ông chủ việc mình mang thai, cô bị mắng thậm tệ.

“Thật vô trách nhiệm!”, người chủ bực tức nói.

Đây là ví dụ điển hình của “quấy rối thai sản” hay tình trạng đối xử bất công và các hình thức lạm dụng khác tại nơi làm việc đối với phụ nữ đang mang thai hoặc đã sinh con.

Nơi Nishino làm việc tồn tại rất nhiều vấn đề. Mức lương của nhân viên trông trẻ thấp. Sự thiếu hụt nhân công khiến họ phải làm thêm giờ nhiều hơn. Theo quy định, cơ sở này yêu cầu nhân viên làm việc 8 giờ/ngày và có 2 ngày nghỉ/tuần. Tuy nhiên, họ thực tế phải làm việc hơn 12 giờ/ngày và chỉ được nghỉ 1 hôm/tuần.

Chủ nhà trẻ đổ lỗi cho Nishino vì tất cả vấn đề phát sinh. “Cô sẽ phải tiếp tục làm việc. Không có ngày nghỉ. Và đừng mơ tới thời gian nghỉ thai sản hay chăm sóc con cái!”.

Ở nhiều nhà trẻ, nhân viên không được phép nghỉ thai sản trước sếp hoặc có thể bị mắng vì mang bầu. Ảnh: VICE.

Đạo luật Tiêu chuẩn Lao động của Nhật Bản quy định nhân viên nữ mang thai có thể yêu cầu cấp trên giao công việc nhẹ nhàng hơn và không làm quá 40 giờ/tuần. Nishino không được cân nhắc về điều này.

Khi có nguy cơ sinh non vì làm việc quá sức, Nishino buộc phải nghỉ thai sản sớm hơn dự kiến rồi bỏ việc.

Câu chuyện bị “quấy rối thai sản” của Nishino không hề hiếm trong lĩnh vực giữ trẻ. Một trong những yếu tố góp phần gây ra tình trạng này là sự thiếu hụt nghiêm trọng của nhân viên nhà trẻ.

Trong nghiên cứu của mình, nhà báo Kobayashi Miki từng gặp trường hợp một bảo mẫu mang thai sau vài năm làm việc. Điều này khiến giám đốc nhà trẻ tức giận đến nỗi vợ chồng cô phải đến tận nhà xin lỗi về việc mang bầu.

Tất nhiên, không phải tất cả môi trường làm việc ở Nhật Bản đều tồn tại tình trạng bất công này, nhưng nó thể hiện rõ ràng ở các ngành nghề có nhiều lao động nữ như y tá và giáo viên. Nghịch lý là ở nơi làm việc hướng đến chăm sóc trẻ em, việc phụ nữ mang thai và sinh con lại không được hoan nghênh.

Môi trường làm việc khắc nghiệt

Theo cuộc khảo sát năm 2018 về nhân viên giữ trẻ do chính quyền Tokyo thực hiện, 17,8% người nghỉ việc (chiếm gần 1/5) nói rằng họ bỏ việc do mang thai và sinh con.

Trong số lý do nghỉ việc, “lương thấp” chiếm tỷ lệ cao nhất với 65,7%, tiếp theo là “khối lượng công việc nặng” ở mức 61,9%.

Mức lương trung bình hàng tháng cho nhân viên giữ trẻ thấp hơn 100.000 yen so với mức trung bình chung của tất cả ngành. Việc thiếu hụt nhân công triền miên dẫn đến tình trạng lạm dụng như “quấy rối thai sản”.

Trong cuộc khảo sát được Zenrōren, Liên đoàn Công đoàn Quốc gia, thực hiện từ tháng 4 đến tháng 6/2020, 20,2% nhân viên nhà trẻ cho biết họ bị buộc làm thêm giờ vì thiếu người.

Mức lương của nhân viên giữ trẻ thường rất thấp nên ngành này luôn thiếu hụt nhân công. Ảnh: Japan Times.

Để đối phó với tình trạng ngày càng có nhiều trẻ em phải chờ đợi để được nhận vào cơ sở giữ trẻ đông đúc, năm 2013, chính phủ tìm cách tăng lương cho nhân viên nhà trẻ.

Điều này dẫn đến một số cải thiện: mức lương trong lĩnh vực này tăng trung bình 44.000 yen/tháng so với năm 2013. Một nhân viên giữ trẻ lâu năm hiện có thể kiếm được nhiều hơn tối thiểu 84.000 yen/tháng so với trước đây.

Nếu mức lương được trả như dự kiến của Văn phòng Nội các, mức lương hàng năm cao nhất cho một nhân viên chăm sóc trẻ ở trung tâm Tokyo sẽ là 5,65 triệu yen. Tuy nhiên, thực tế là mức lương trung bình hàng năm chưa bao giờ vượt quá 3,81 triệu yen, theo cuộc khảo sát của Văn phòng Nội các vào năm 2019.

Tiền lương nhân công thường chiếm hơn 80% chi phí vận hành nhà trẻ. Bởi vậy, các cơ sở muốn kiếm lợi nhuận sẽ tìm cách cắt giảm chi phí lao động.

Theo cuộc khảo sát của Văn phòng Nội các, tỷ lệ chi phí lao động trung bình trên toàn quốc đối với trường mẫu giáo công là 75,7%. Đối với các trường tư hoạt động chủ yếu vì lợi nhuận, tỷ lệ này chỉ là 59,2%.

Ở các khu vực thành thị, xu hướng vắt kiệt lợi nhuận bằng cách cắt giảm chi phí lao động ngày càng tăng. Tỷ lệ chi phí nhân công trung bình của các cơ sở giữ trẻ vì lợi nhuận ở Tokyo là khoảng 50%.

Cho dù chính phủ tìm cách cải thiện cách đối xử với nhân viên chăm sóc trẻ em đi chăng nữa, mức lương của họ vẫn ở mức thấp.

Việc thiếu hụt nhân công triền miên dẫn đến tình trạng lạm dụng như “quấy rối thai sản” ở ngành chăm sóc trẻ em. Ảnh: The New York Times.

Ngoài ra, ở mức độ nhất định, các cơ sở giữ trẻ được phép chuyển một phần chi phí nhân sự sang những loại ngân sách khác. Điều này có nghĩa là khoản tiền chi trả lương có thể được sử dụng để mở rộng hoạt động kinh doanh nếu một số điều kiện được đáp ứng.

Bên cạnh đó, trong nhiều ngành, bao gồm cả lĩnh vực chăm sóc trẻ em, cả lao động và quản lý đều có xu hướng thiếu kiến thức về luật liên quan đến lao động. Việc cung cấp thêm cơ hội để tìm hiểu về các quy định chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bà mẹ trong Đạo luật Tiêu chuẩn Lao động, Đạo luật Cơ hội Việc làm Bình đẳng và các luật khác sẽ giúp giảm thiểu trường hợp “quấy rối thai sản”.

Nếu muốn giải quyết vấn đề tỷ lệ sinh đang giảm mạnh và sự suy thoái sau đó, Nhật Bản phải cung cấp môi trường tốt hơn để phụ nữ chăm sóc nhu cầu của họ trong suốt thai kỳ và trong những năm nuôi dạy con cái.

Thiên Nhi