Nhớ người thêu nắng vào chiều!

Nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo

Mỗi khi có dịp về thăm phố núi Sa Pa - Lào Cai, tôi rất thích được ngắm nhìn những người đàn bà dân tộc ngồi thêu thùa dưới nắng. Đó là hình ảnh những người đàn bà dân tộc Hmong chân cuốn xà cạp, tai đeo vòng bạc với nụ cười rất hiền. Đó còn là hình ảnh của những người đàn bà Dao, Dáy... khác nữa , họ từng trú ngụ trong những bản làng khá xa của vùng sơn cước Sa Pa - Lào Cai, họ vui khi được đi xuống núi trong những ngày chợ phiên.

Sau này, khi có dịp đi thăm các nơi khác, tôi thấy các mẹ, các chị, những người đàn bà dân tộc trong ngày chợ phiên ở các huyện, thị trấn nơi non cao khác cũng vậy, đó là các phiên chợ vùng cao nổi tiếng ở quê tôi như huyện Bắc Hà, chợ phiên Cốc Ly, huyện Simacai, huyện Mường Khương.. ở Lào Cai. Họ vui háo hức vì được xuống núi và đi chợ phiên. Vui hơn nữa khi mỗi năm có dịp được đi chợ tình và gặp lại người xưa, dẫu chờ đợi khá lâu vì mỗi năm chỉ có một ngày. Những người đàn bà Mông, quanh năm sống trong những bản làng hẻo lánh, ở tít trên núi cao, sương mù lãng đãng bốn mùa mây phủ, họ càng mong ngóng được xuống chợ.

Quê hương tuổi thơ của tôi là nơi đó, ngược về miền non cao là mây trắng, là sơn thủy hữu tình với những rặng núi cao ngất và bốn mùa sương phủ. Cái thứ sương mù của miền núi Tây Bắc vào mùa đông luôn đặc quanh ấy lúc nào cũng như bảng lảng trong nỗi nhớ của tôi. Hạnh phúc và tự hào biết mấy, đó là những ân tình suốt một thời tuổi thơ của tôi khi từng được sống ở đó và được hít thở thứ hương rừng gió núi ấy, cả cái thứ sương mù quẩn trắng thân thương riêng có của miền Tây Bắc, của Lào Cai thương nhớ - nơi tít xa một vùng biên ải.

Một ngày được quay về xứ núi, đôi bàn chân đã bươn chải khắp nơi của tôi chợt rưng rưng khi chạm vào “ nơi gặp gỡ đất trời “ với mây núi thiên thai bồng bềnh. Lòng tôi như trùng xuống trước hình ảnh diệu vợi mà ấn tượng của những người đàn bà đang ngồi thêu váy áo. Tôi dừng lại ngắm họ hồi lâu! Các bà, các chị vẫn đang ngồi thêu cần mẫn dưới ánh nắng chiều lấp lóa bóng núi, họ đang thêu nắng vào chiều. Đẹp và ám gợi vô cùng!

Vào ngày chợ phiên, theo những cánh mày râu xuống chợ, những người đàn bà đủ cả già lẫn trẻ của miền núi cao Tây Bắc lại ngồi thành từng tốp và họ đang “thêu nắng “ trên những bậc thang trên triền dốc của xứ sương mù. Phía trước mặt là núi Hàm Rồng và phía sau họ là những rặng núi và những cánh rừng xanh thẳm cứ xa mờ dần và trập trùng như những vệt sương khói trong bức tranh thủy mặc!

Họ ngồi thêu mà như đang múa. Họ nói cười mà như đang hát. Những gương mặt rám nắng mà hồn hậu, những vết chân chim lấp lánh như đang nở hoa dưới ánh nắng chiều. Nhìn những vết chân chim in hằn trên gương mặt người đàn bà Mông, tôi lại nhớ những chân ruộng bậc thang nứt nẻ đang chờ mùa nước đổ. Những bông hoa rừng kê ms hoi ấy luôn mang theo vẻ đẹp hồn nhiên và dung dị, đó phải chăng là thứ hương của hoa đào phai và hoa mận trắng được chưng cất từ nơi núi cao, từ những thung sâu ? Họ ngồi thảnh thơi thêu nắng, tiếng nói cười róc rách như suối đang chảy. Ôi nhớ, vị ngọt của những dòng suối xưa vẫn chảy mát lành trong tôi, trong vắt những ký ức xưa!

Nắng thổ cẩm đang lấp lánh trên sắc chàm xanh của váy áo! Những vết chân chim sau đuôi mắt các mẹ như đang nhấp nhánh cười. Nắng thổ cẩm chợt vàng lên rờ rỡ trên những chiếc gùi mây. Dưới những đôi bàn tay khéo léo của những người đàn bà lam lũ và gân guốc kia, những món đồ rực rỡ sắc màu được làm bằng thổ cẩm trở nên mềm mại và bỗng như rạng ngời và lấp lánh hơn dưới nắng. Những người đàn bà rời núi cao đi xuống chợ, đôi bàn tay còn in hằn những gân guốc của sự lam lũ.Sớm nay họ vẫn thức dậy từ lúc trời chưa sáng rõ để nhào mèn mén làm những chiếc bánh cho lũ trẻ ở nhà. Bây giờ họ ngồi đó, thảnh thơi cùng nhau, tiếng nói cười nghe chừng cũng rủ rỉ. Sự bình yên và dịu dàng ấy luôn ám ảnh tôi, thật sự không còn gì đẹp hơn thế trong lúc này!

Hình ảnh những người mẹ, người bà tóc bạc, da mồi, có những đôi bàn tay gân guốc và đuôi mắt hằn lên những vết chân chim, có vẻ rất ấn tượng trong hội họa. Bao nhiêu họa sĩ tên tuổi đã cất công lên đây, họ đi lang thang vào sâu trong bản làng và lang thang nhiều ngay với cuộc sống gian nan của đồng bào Mông, Dao, Tày, Dáy... để rồi họ cặm cụi làm nên những tác phẩm nghệ thuật để đời của mình

Họ ngồi thêu dưới bóng nắng và xa xa, thậm chí ngay bên cạnh hay trước mặt họ, là thứ hương rừng mơ hồ như mơ như thực vẫn còn thơm phảng phất mùi pơ mu! Họ đang thêu những chiếc mũ trẻ em, thêu váy áo và từ trong tâm thức xa xưa, những hình ảnh và bố cục đẹp đẽ về cỏ cây, hóa lá, chim muông... đang dần hiện lên thật tinh tế và đặc sắc. Ít nhất, vào lúc này, nếu còn đang ở đó, bạn hãy mua cho mình một chiếc khăn choàng thêu hay một chiếc túi xách đẹp đẽ bằng vải thêu thổ cẩm hoặc một chiếc ví nhỏ xinh xắn cầm tay làm kỷ niệm, chuyến đi Sa pa của bạn chắc chắn sẽ ấn tượng hơn nhiều!

Đàn bà Mông, Dao, Dáy... quê tôi hầu như ai cũng biết thêu thùa may vá. Con gái người dân tộc xứ núi còn tự tay biết làm cho mình những bộ quần áo lanh và thêu hoa đẹp đẽ trước khi về làm dâu nhà chồng. Nghề làm thổ cẩm đã trở thành nghề thủ công truyền thống ở Sa Pa và được du khách yêu thích, đặc biệt là du khách nước ngoài. Bây giờ thì có lẫn cả thổ cẩm công nghiệp từ Trung Quốc tràn sang áp đảo thị trường , nhưng du khách sành chơi thổ cẩm vẫn chỉ ưa chọn lựa những món đồ thổ cẩm xịn, làm bằng tay, dù nhìn có vẻ mộc mạc nhưng chúng không hề rẻ. Bởi chúng đã được thêu dệt rất kỳ công và sự kiên nhẫn từ những tấm lòng và đôi bàn tay khéo léo của những người đàn bà dân tộc miền sơn cước.

Tranh Phạm Thị Phương Thảo: Mùa vàng Sa Pa!

Bạn có thể bắt gặp những người đàn bà cùng với thổ cẩm rực rỡ sắc màu ở bất cứ đâu, ngay trên các con phố như phố Cầu Mây sầm uất, ngay trong chợ Sa Pa, nơi góc ngã ba hay ngã tư nào trên phố núi này. Biết bao món đồ xinh xắn được làm từ thổ cẩm của người dân tộcnhư quần áo, mũ, túi xách, khăn... cho đến những chiếc chăn thổ cẩm lớn. Nếu có thời gian lưu lại Sa Pa, bạn hãy đến thăm bản Cát Cát để tận mắt chiêm ngưỡng bản làng của họ và mua những đồ lưu niệm bằng thổ cẩm và có dịp nói chuyện với bà con người dân tộc. Còn nếu không ngại đi xa, chỉ xa hơn chút nữa thôi, hãy đến thăm làng dệt thổ cẩm Tả Phìn nhé. Đây là những địa danh đẹp và giàu bản sắc văn hóa dân tộc nói chung và thổ cẩm nói riêng ở Sapa!

Dưới những đôi bàn tay đàn bà cần mẫn và khéo léo ấy, vẻ đẹp của thổ cẩm trở nên lung linh hơn. Bằng cách thêu trên sản phẩm của mình những họa tiết tinh xảo và đặc sắc, những người đàn bà ngồi thêu dưới nắng đã làm nên bức tranh liêu trai của miền sơn cước thật hoàn hảo. Họ thường mặc trên người những bộ váy áo cũng đặc trưng dân tộc mình!

Họa tiết thêu dệt trên thổ cẩm là những hình ảnh, bố cục đẹp về cỏ cây, hóa lá,chimmuông...được làm rất tinh tế và đặc sắc. Ít nhất, bạn hãy mua cho mình một chiếc khăn hay túixách đẹp bằng thổ cẩm hoặc một chiếc ví xinh xắn làm kỷ niệm cho các bạn trẻ.

Đàn bà Hmong, Dao,Dáy... hầu như ai cũng biết thêu thùa may vá. Họ tự biết làm chomình những bộ quần áo lanh và thêu hoa đẹp trước khi về làm dâu nhà chồng. Nghề làm thổ cẩmđã trở thành nghề thủ công truyền thống ở Sa pa được du khách yêu thích, đặc biệt là du kháchnước ngoài. Bây giờ có lẫn cả thổ cẩm công nghiệp từ Trung Quốc mang sang, nhưng kháchsành chơi thổ cẩm vẫn chỉ ưa chọn lựa những món đồ thổ cẩm xịn dù có mộc mạc nhưng đượcthêu dệt từ những tấm lòng và đôibàn tay khéo léo của những người đàn bà dân tộc miền sơncước.Đàn bà, con gái các dân tộc miền núi giản dị mà mạnh mẽ, hồn nhiên mà lắng sâu. Đàn bà đẹp nơi non cao với chút hoang sơ trong máu sẽcàng hút hồn các đấng mày râu bởi sức sốngmãnh liệt có phần hoang dã và ngan ngát hơi thở núi rừng. Họ đẹp như hoa như nụ, như ngọcnhư ngà và khi say nồng nàn còn quyến rũ như bùa ngải, hơn cả thứ mật ong rừng.Phố núi Sa pa trở nên đẹp đẽ và huyền ảo hơn khi ta được đi dạo dưới sắc màu thổ cẩmvà được dịp nhìn ngắm những người đàn bà xứ núi dưới lớp sương mù ẩm ướt rất đặc trưng củamiền sơn cước. Những con đường thổ cẩm ấy người ta bảo rằng chỉ có ở Sa pa là đẹp nhất và rựcrỡ nhất. Bạn đi trên các con phố dọc theo triền núi hay leo cao hơn men theo lưng chừng núi trênđường đến với Hàm Rồng, sắc màu thổ cẩm luôn níu chân bạn cùng nụ cười hồn nhiên củanhững người đàn bà miền sơn cước. Họ ngồi thêu dưới nắng và sự cần mẫn củanhững đôi bàntay gân guốc kia của những người đàn bà luống tuổi thường làm tôi xúc động và dừng lại ngắmnhìn hồi lâu. Họ mặc rất đẹp và đeo trang sức bởi những chiếc vòng bạc lớn. Đôi khi có nhữngngười đàn bà trẻ xinh con địu con trên lưng đi theo xuống phố.Đàn bà và con gái Mong Sa pathường có sức hấp dẫn lạ lùng. Có lẽ họ đã làm nên hương sắc bốn mùa Sa pa- bốn mùa yêu...

Vẻ đẹp củanhững người đàn bà miền sơn cước góp phần làm nên nét chấm phá cho bức tranh nơi non caothêm hoàn chỉnh. Nét đẹp nơi một vùng biên ải với sơn thủy hữu tình và những con người miềnnúi yêu đời và tâm hồn lãng mạn, phóng khoáng sẽ là cảm hứng bất tận cho biết bao người nghệsĩ đắm say, họ đã lên với Lào Cai nhiều lần không biết chán và chắc chắn sẽ làm nên những tác phẩm để đời!

PTPT - Rút trong tập ký “ Người thêu nắng vào chiều “- NXBHNV - Hội VHNT các DTTS VN tháng 5/2020!

Tản văn của Phạm Thị Phương Thảo