Nhuộm răng đen: 'Hot trend' làm đẹp đình đám của người Việt xưa có gì đặc biệt?

Có lẽ đối với các thế hệ ngày nay, hình ảnh những người bà, người mẹ và cả những cô thiếu nữ với hàm răng óng ả hạt huyền chỉ còn là một hình ảnh đẹp trong quá khứ xa xôi. Những người của thế hệ nhuộm răng đen đến nay đã ra đi gần hết! Nét duyên dáng răng đen như ngọn đèn trước gió, và đi vào kỷ niệm! Nhưng những nụ cười đen nhánh ấy vẫn còn được lưu mãi trong những bức ảnh lịch sử đi cùng năm tháng.

Để nhớ, để lưu giữ lại một phong tục, một nét đẹp văn hóa, hãy cùng tìm hiểu nghệ thuật nhuộm răng đen của người Việt xưa nhé!

(Ảnh: Flickr)

Nhuộm răng đen là một tục lệ lâu đời, xuất hiện từ thời Hùng Vương, tồn tại suốt mấy ngàn năm trong lịch sử văn hóa của người Việt. Đây vốn là phong tục cổ truyền không chỉ của cư dân người Việt mà còn tồn tại ở cộng đồng các dân tộc như Thái, Mường, Dao, Lự, Si La,…

Tục nhuộm răng đen trước hết là do quan điểm thẩm mỹ. Chính tục lệ ăn trầu là lý do trực tiếp của tục nhuộm răng, bởi nhai trầu thường làm ố đen răng, nên phải nhuộm đen, nhuộm thật đen để loại bỏ tác dụng trên, đồng thời tạo được vẻ thẩm mỹ duyên dáng cho hàm răng…

(Ảnh: Flickr)

“Da trắng, răng đen” tạo sự tương phản cao và đầy nghệ thuật đã thu hút bao hồn vía các chàng trai thời ấy! Người con gái có dung nhan mà răng không đen nhánh thì nhan sắc cũng giảm nửa phần. Do vậy các cô gái cho dù không ăn trầu, vẫn cứ nhuộm răng đen.

Thậm chí, việc nhuộm răng đen còn lan sang cả cánh đàn ông nhưng số lượng ít hơn. Việc nhuộm răng đen đã trở thành luật, phổ biến trong dân chúng, trừ những đứa trẻ còn răng sữa, ngoài ra đều phải nhuộm đen, không ai có thể cưỡng lại quy luật trên.

(Ảnh: Flickr)

Cũng từ đó tục nhuộm răng được coi là một nét văn hóa không thể thiếu trong cộng đồng của người Việt. Nếu như không làm sẽ bị xem là đi ngược với tập tục và không được đón nhận. Những người không nhuộm răng thì không được đến cưới hỏi.

Nhuộm răng thường được chia làm 4 công đoạn:

Đầu tiên là phải làm sạch răng, thường kéo dài 3-5 ngày. Sau mỗi bữa ăn, người nhuộm răng phải đánh sạch răng bằng vỏ cau khô, có nơi còn dùng bột than củi. Sau đó súc miệng kỹ bằng nước có tính axit mạnh như chanh hay dấm. Người Huế thì ngậm nước nấu từ lá cây sôn (một loại lá có vị chua). Trước khi đi ngủ có thể ngậm thêm vài lát chanh mỏng. Các biện pháp này đều có tác dụng làm sạch răng, axit sẽ làm mỏng bề mặt ngoài của men răng, giúp thuốc nhuộm dễ kết bám hơn.

Tiếp theo là công đoạn nhuộm đỏ răng. Người ta dùng bột nhựa cánh kiến tán nhỏ, vắt chanh vào rồi để kín trong 7 ngày cho chất chua của chanh thấm vào bột cánh kiến. Có thể thay chanh bằng giấm gạo hoặc rượu gạo. Dùng hỗn hợp này quết vào mảnh lá dừa hoặc lá cau, đợi lúc đi ngủ áp vào hai hàm răng. Làm nhiều lần như vậy cho đến khi màu cánh kiến ăn dần vào răng, màu răng chuyển dần sang đỏ thẫm là được.

Sau khi răng lên màu đỏ như ý muốn, người ta bắt đầu công đoạn nhuộm đen. Lúc này vẫn dùng bột cánh kiến, nhưng hòa với phèn đen, rồi cũng quết hỗn hợp này lên lá dừa hoặc lá cau, đợi khi đi ngủ thì áp vào răng. Lần nhuộm đen chỉ cần độ 2 đêm là được.

(Ảnh: Flickr)

Cuối cùng là công đoạn chiết răng. Công đoạn này có tác dụng giữ màu đen cho răng. Người ta lấy gáo dừa già đã phơi khô để lên con dao rồi đốt cho gáo dừa chảy ra thứ nhựa đen sền sệt, lấy nhựa đó phết vào răng, răng sẽ có màu đen bóng và lâu phai. Và nếu đã sở hữu một hàm răng đen, buộc cứ khoảng gần một năm phải nhuộm lại, vì màu đen đã phai.

Được biết, tục nhuộm răng đen chỉ áp dụng rộng rãi ở miền Trung và miền Bắc. Trong đó, Kinh đô Huế được coi là nơi cực thịnh của nghệ thuật nhuộm răng. Tuy nhiên, đến đầu thế kỷ XX, ở các thành thị lớn của Việt Nam, tục ăn trầu và nhuộm răng suy yếu, dần dần theo thời gian phong tục cũng biến mất.

(Ảnh: Flickr)

(Ảnh: Flickr)

Cersei (Tổng hợp)