Nơi chắp cánh vào đời của hàng trăm em bé mồ côi

Nâng đỡ những cánh chim non

Hơn 20 năm trước, từ giáo viên dạy Hóa, Bí thư Đoàn trường THPT Thanh Chương 1, Nghệ An, thầy Lê Bá Lương chuyển về công tác ở Làng trẻ em SOS Vinh (Làng) trong sự ngỡ ngàng của nhiều học sinh, đồng nghiệp. Bởi ít ai nghĩ một thầy giáo đam mê những con số, các thí nghiệm Hóa học, luôn sổi nổi với công tác Đoàn lại về nơi chăm sóc các em trẻ mồ côi, về nhiều vùng quê xứ Nghệ để tìm kiếm đưa các em không nơi nương tựa về Làng. Hơn 20 năm công tác ở Làng, anh Lê Bá Lương trở thành "ông bố" nuôi của hàng trăm trẻ mồ côi.

Làng trẻ em SOS Vinh.

Có nhiều em khi đón về Làng mới chập chững biết đi nhưng nay các em đã được chăm sóc, nuôi dưỡng nên người, được các bố mẹ nuôi ở làng dựng vợ, gả chồng cho cuộc sống mới. Bên ấm chè xanh xứ Nghệ, anh Lê Bá Lương nhìn xa xăm nói về ngày tháng qua: "Khi tôi quyết định về Làng, nhiều anh em, bạn bè cũng ái ngại, vì thấy mình đang là giáo viên THPT, toàn tiếp xúc với các em học sinh sôi nổi, chuẩn bị hành trang vào đại học và các em ở lứa tuổi đẹp nhất của đời người. Giờ về Làng, nơi hầu hết các em có hoàn cảnh đặc biệt, các em còn nhỏ dại, Làng lại ở xa nhà mình cách năm sáu chục cây số…Nói thực lòng, đến giờ tôi thấy công việc của mình nó như một duyên phận. Khi về Làng là do tôi yêu thích, và nghĩ mình sẽ giúp được nhiều em nhỏ nên tôi chọn. Về Làng tôi phải mất gần 2 năm mới bắt nhịp kịp mô hình gia đình và cách ăn ở, sinh hoạt của các em nơi đây, và quan trọng hơn mới hiểu mình vào đây không phải làm thầy mà là làm cha làm mẹ cho các em…".

Nhiều năm trước, nhiều người đi qua Làng SOS bắt gặp một thanh niên dong dỏng cao, dẫn hàng chục đứa trẻ còn rất nhỏ đi đá bóng, tập thể dục. Những đứa trẻ cứ í a í ới gọi thanh niên kia bằng bố làm không ít người ngỡ ngàng hỏi nhau kiểu "Răng anh ấy trẻ vậy mà đã có nhiều con"; "Răng trẻ rứa mà con lớn rồi hè".

Người dân xung quanh lạ lẫm cũng phải, bởi khi ấy nhiều người chưa biết là có Làng. Mỗi khi ai hỏi chuyện con cái, anh Lê Bá Lương cũng cười bảo "con tui đó", dù anh chưa lập gia đình. Nói về những đứa con ở Làng SOS, anh Lê Bá Lương cười vui: "Khi tôi về Làng có con mới được 3 tuổi, con khóc suốt đêm vì nhớ hơi ấm của mẹ. Có nhiều con còn ẵm trên tay, giờ đã có hơn 100 con lập gia đình, ngày cưới các con, mình xúc động không khác gì một người cha ruột, lo lắng chuyện cưới xin, mừng hạnh phúc cho các con nhưng cũng buồn mất mấy ngày khi con nó rời xa mình theo cuộc sống mới"…

Nói về công việc chăm bẵm các con ở Làng, anh Lê Bá Lương khẳng định: Không thể nói hết công lao trời biển, không sinh nhưng công dưỡng của những mẹ, những chị ở Làng, họ đã hy sinh cả cuộc đời, hy sinh hạnh phúc riêng tư để dành tất cả tình yêu thương cho con trẻ.

Buổi tập võ của các cháu ở Làng SOS.

Những người phụ nữ về Làng phần lớn họ không có chồng, con. Tất cả tình thương, bản năng thiên bẩm của người mẹ họ dành cho những đứa trẻ mồ côi, những đứa trẻ có hoàn cảnh nghiệt ngã ở Làng. Tất cả trẻ em ở Làng đều xem các chị như những người mẹ của mình. Chiều tối, chị Phan Thị Thảo lại tỷ mẩn chuẩn bị từng bộ đồ để mấy đứa con mình tắm. Một mình chị đang dạy dỗ, chăm sóc cho 12 đứa con ở Làng trong đó có 8 cháu gái và 4 cháu trai.

Chị Thảo luôn tâm niệm, việc quan trọng nhất của đời chị là chăm nuôi cho các con trưởng thành, nên người có ích cho xã hội. Cũng theo chị Thảo, những bữa cơm đầu tiên khi các con về Làng luôn nặng trĩu, không đứa nào chịu bắt chuyện. Nhiều trẻ đang cầm bát cơm bỗng òa khóc nức nở vì nhớ mẹ, thương cha. Có con mồ côi cha mẹ tội nghiệp đã đành, có con còn cha mẹ ở quê nhưng cha bị bại liệt, thần kinh, hay mẹ bại não, nằm liệt giường, câm, điếc…nhưng dù sao các con vẫn luôn cảm nhận được hơi ấm tình mẫu tử.

Vì vậy, để xóa nhòa ranh giới, để các con cởi lòng, chị Thảo đã phải cố gắng rất nhiều. Nhiều đêm chị thức nhìn các con ngủ say miệng ú ớ giấc mơ, hay miệng nhai nhóp nhép, quàng tay tìm hơi ấm…nước mắt chị lại lã chã rơi. Từ tình thương yêu của chị, các trẻ đã dần nhận ra hơi ấm của người mẹ nuôi. Yêu thương sẽ nhận được thương yêu, hơn ai hết chị Thảo hiểu điều đó. Khi cảm nhận được lòng yêu thương từ người mẹ nuôi, nhiều trẻ đã dần mở lòng, kể với chị hết hoàn cảnh của bản thân và gia đình.

Cũng như chị Thảo, chị Nguyễn Thị Đông ở Làng đang làm mẹ của 9 trẻ ở Làng. Không chỉ tình cảm của chị dành cho trẻ nơi đây như tình yêu thương của người mẹ dành cho những đứa con, mà tình cảm của trẻ dành cho chị cũng luôn như những đứa con đối với mẹ mình. Ngày về Làng, chị được tập huấn, được dặn dò về công việc của mình sẽ làm, cách thức chăm sóc, dạy dỗ các cháu.

Nhưng ngày một ngày hai, ăn ở với cháu, chị cũng như bao chị em nơi đây đã dần xóa nhòa khoảng cách người chăm và trẻ được chăm, mà chỉ còn tình yêu thương đùm bọc như người thân trong một gia đình. Cũng có nạt nộ, quát mắng khi các con chưa ngoan, nhưng cũng rơi nước mắt khi trái gió trở trời con mình đau ốm. Các con đi dạ về thưa với người mẹ nuôi của mình, bởi các con cảm nhận được tình yêu thương và sự chở che ở người mẹ.

Chị Đông tâm sự: "Ngày xưa, mỗi lần thấy bạn bè cùng lứa lần lượt lập gia đình, tôi cũng buồn và suy nghĩ nhiều lắm. Nhưng từ ngày về Làng, việc lập gia đình đối với tôi không còn có ý nghĩa gì nữa, vì tôi đã có một gia đình chính là những đứa con của tôi đang chăm sóc nơi đây".

Tổ ấm chị Đông đang chăm sóc có 9 người con, mỗi con quê một nơi, hoàn cảnh gia đình xuất thân khác nhau, nên tính cách các con cũng khác nhau. Vì vậy, để dạy dỗ các con, chị Đông luôn tìm cách nắm bắt tâm lý của từng đứa. Khi dỗ dành, khi nghiêm khắc để mong các con nên người. Giờ nói về những đứa con do mình chăm, chị Đông luôn nở nụ cười mãn nguyện. Bởi, trong đám trẻ chị Đông chăm sóc, con gái lớn nhất đã đi học đại học, các con còn lại đều chăm ngoan, luôn biết yêu thương, đùm bọc nhau đúng nghĩa một gia đình…

Trao yêu thương để nhận thương yêu

Anh Lê Bá Lương-Giám đốc Làng trẻ em SOS Vinh, người được xem như người cha nuôi của hàng trăm đứa trẻ ở Làng, người đã tổ chức hàng chục đám cưới cho những đứa con của Làng xúc động cho biết: Mỗi khi dựng vợ gả chồng cho các con thì Làng đóng vai nhà nội hoặc nhà ngoại. Giờ các con làm dâu, làm rể khắp mọi miền tổ quốc.

Trước ngày tổ chức hôn lễ, các ba mẹ nuôi ở Làng luôn cố gắng lo chu đáo nhất có thể để các con có niềm vui trọn vẹn. Vui nhất là những đám cưới được tổ chức tại Làng, mọi người đều vui vẻ chung tay mỗi người một việc, ai cũng muốn dành phần thương yêu cho một đứa con của Làng trưởng thành trọn bề gia thất. Hôn lễ tổ chức do cán bộ nhân viên của Làng làm chủ hôn, văn nghệ thì cây nhà lá vườn do các em trong làng múa hát. Giám đốc Làng luôn là người cha tinh thần, chỗ dựa tin yêu cho các con.

Được biết, nhiều đám cưới các con của Làng đi lấy chồng, lấy vợ xa tận Thành phố Hồ Chí Minh, Đắc Lắc, Cao Bằng, Tuyên Quang…đại diện cho nhà gái hay nhà trai có khi cũng chỉ anh Lê Bá Lương với bà mẹ ở Làng cùng vài ba người thân của con lên để tổ chức. "Cảm động nhất là khi nhìn nhà trai, nhà gái trao nhẫn vàng cưới hỏi cho các con, lúc đó nghĩ đến những gia đình có đủ điều kiện có cha có mẹ mà thương các con rớt nước mắt. Có lúc cảm thấy cảm giác như lần đầu các con được nhìn thấy chiếc nhẫn vàng…" anh Lê Bá Lương xúc động cho biết vậy.

Các cháu quây quần bên bữa cơm mừng ngày lễ ở Làng.

Từ sự chăm chút của người cha, người mẹ ở Làng, các em như những con chim non đã dần đủ lông cánh bay đi các vùng đất mới. Nhiều em khi trưởng thành vẫn luôn thổn thức, nhớ về Làng. Nghệ sỹ ưu tú Nguyễn Thị Cần giờ là giảng viên Nhà hát Vũ kịch Việt Nam xúc động khi nói về Làng, nơi chị đã được lớn lên từ vòng tay yêu thương của những người mẹ nuôi từ bé.

Chị Cần cho biết: "Tôi được nhận vào Làng trẻ em SOS Vinh là khi 7 tuổi. Tôi cũng đã nhận biết được mọi thứ xung quanh. Trong trí nhớ, tôi biết nhà mình có ba anh chị em và bố mẹ không còn. Ngày đầu tiên đến Làng, mọi thứ thật lạ lẫm với tôi: một người mẹ mới, các anh chị em mới, ngôi nhà hoàn toàn mới có tên là nhà Hoa Ngọc Lan. Người mẹ mới đó tên là Vịnh, luôn xưng "mẹ" với tôi và còn bảo tôi gọi là "mẹ".

Cảm xúc trong tôi thật khó tả. Tôi cứ đứng đó, bối rối và không sao cất tiếng gọi mẹ được nữa. Thấy vậy, mẹ Vịnh cũng để cho tôi tự nhiên. Mẹ đưa tôi vào nhà và tắm gội sạch sẽ rồi nhẹ nhàng chải tóc cho tôi. Mẹ ần cần chăm lo cho tôi từng ngày. Mỗi ngày qua đi, từng cử chỉ âu yếm của mẹ đã xóa dần đi khoảng cách và tự nhiên không biết từ lúc nào tiếng "Mẹ" đã trở lại trên môi tôi. Tôi làm thân và gắn bó với các anh chị em trong nhà.

"Cần, con yêu quý của mẹ…" những từ này vẫn luôn in đậm trong tâm trí tôi, thậm chí đến nay khi tôi đã trưởng thành, trở thành nghệ sĩ múa chuyên nghiệp. Tôi vẫn rưng rưng nước mắt mỗi khi nghĩ về thời mới rời Làng bắt đầu học múa và nhớ đến mẹ Vịnh của tôi, người mẹ SOS từ Làng trẻ em SOS Vinh. Mẹ vẫn luôn viết thư và gọi tôi một cách âu yếm như vậy. Ở Làng, chúng tôi được học các môn nghệ thuật như múa, hát, vẽ, nữ công gia chánh... Từ nhỏ tôi đã là cây văn nghệ chính của Làng trẻ em SOS Vinh. Tôi đã từng đảm nhận vai trò người dẫn chương trình, múa và hát. Nhưng tôi thì thích múa nhất. Năm 1996, trường múa thông báo tuyển sinh…Tôi và một bạn nữa cùng trúng tuyển và rời Làng đến học tại trường múa Hà Nội, khi đó tôi học lớp 6.

Xa mẹ và các anh chị em, tôi tự nhận thức được rằng mình phải cố gắng nhiều hơn, phải luyện tập thật chăm chỉ để có thể phát huy hết khả năng của mình. Chúng tôi sống trong ký túc xá, phải tự lực trong mọi sinh hoạt thường ngày. So với các bạn ở trường múa khi đó vẫn còn bỡ ngỡ thì tôi là đứa có thể làm được tất cả mọi thứ từ nấu cơm, dọn dẹp, giặt áo quần v.v. Tôi cứ như người chị trong nhóm vậy. Tuy xa gia đình nhưng tôi vẫn cảm thấy được đồng hành của mẹ và các anh chị em trên con đường mình đã chọn. Mẹ vẫn thường gọi điện và viết thư hỏi thăm tôi. Tôi cứ khóc òa lên mỗi khi mở thư và đọc "Cần con yêu quý của mẹ…". Tôi có thể cảm nhận được tình thương mẹ dành cho tôi qua từng trang thư, qua từng câu nói dù chỉ là chia sẻ chuyện này, chuyện kia…Tôi ra trường năm 2003, khi đó tôi mới 18 tuổi. Tôi không có chiều cao, hình thức lý tưởng như những người khác.

Do đó, tôi phải vừa làm việc vừa luyện tập, và gửi gắm toàn bộ tâm huyết, tình cảm và kinh nghiệm sống của mình vào từng động tác và từng vai diễn. Nhờ đó, những động tác múa của tôi rất sâu sắc và có hồn. Đó là cách mà tôi nỗ lực không ngừng nghỉ trong suốt hơn 20 năm để trở thành một nghệ sĩ múa của Nhà hát Vũ kịch Việt Nam và giảng dạy bộ môn múa cho nhiều thế hệ trẻ.

Mẹ tôi nay đã nghỉ hưu và sống tại Làng trẻ em SOS Vinh. Nhớ lại thời điểm mẹ mới nghỉ hưu, tôi thương mẹ lắm vì tôi đã nghĩ bao nhiêu năm mẹ nuôi con như thế, giờ về hưu còn mỗi mình mẹ với căn phòng, cảm giác cô đơn lắm. Chúng tôi thường sắp xếp thời gian chạy về thăm mẹ, có khi đưa theo cả cháu về cho mẹ vui. Mỗi lần về thăm quê, nhìn gương mặt của những người dân nghèo quê tôi nắng sương in dấu, tôi lại chạnh lòng, tự nhủ: mình thật may mắn và hạnh phúc khi được vào Làng. Từ Làng trẻ em SOS Vinh, tôi đã tự mình bước đi, khắp nơi và luôn ngẩng cao đầu giữa bầu trời cao rộng".

Cũng như Nghệ sỹ ưu tú Nguyễn Thị Cần, chị Hồ Thị Sang, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Thái Bình cũng luôn đau đáu nhớ về Làng, nơi chị đã được chăm bẵm, nâng đỡ những tháng ngày tuổi thơ đến lớn lên để vào đời.

Chị Sang nhớ lại: "Thời thơ ấu của tôi đã trải qua những mất mát lớn. Bố tôi qua đời khi tôi mới 3 tuổi và một năm sau mẹ bị chết đuối bỏ lại 3 chị em chúng tôi. Lúc ấy, ba chị em tôi chỉ biết ôm nhau và khóc ngất đi…Năm 1991, tôi đã được Làng trẻ em SOS Vinh đón về chăm sóc nuôi dưỡng cho đến lúc trưởng thành. Những ngày đầu ở gia đình SOS, vì là lần đầu tiên phải xa nhà và thấy mọi thứ đều lạ lẫm nên tôi đã khóc rất nhiều. Nhưng điều kiện sống an toàn và trang bị đầy đủ cho việc học nên dần dần tôi rất yên tâm và tự tin hơn. Năm lớp 7, tôi được nhận học bổng vào học tại trường chuyên Đặng Thai Mai. Sau khi kết thúc THCS tôi thi đậu vào trường Trung học phổ thông chuyên Phan Bội Châu, là một trường hàng đầu ở Nghệ An…".

Trong cuộc đời mình đi qua bao năm tháng, trong tâm trí của chị Sang luôn nhắc nhớ về mẹ Nghiệm, người không sinh ra chị, nhưng đã dành tất cả tình yêu thương của một người mẹ đối với chị.

"Mẹ Nghiệm là người đã nuôi dưỡng tôi và có ảnh hưởng lớn tới cuộc đời tôi sau này. Mẹ hướng dẫn tôi rèn luyện nhiều thói quen tốt, sống tự lập và có kỉ luật. Mẹ cũng dạy tôi từ việc đi chợ, chọn đồ ăn tươi như thế nào, đến cách rửa rau, và nấu ăn. Tôi vẫn nhớ những bữa cơm đầy đặn, ngon miệng và những lúc vui vẻ cùng mẹ và các anh chị em ở Làng SOS Vinh. Vậy nên, giờ tôi luôn dành thời gian nấu những bữa ngon cho chồng con. Bữa cơm đơn giản thôi nhưng chúng tôi cùng quây quần và chia sẻ với những câu chuyện diễn ra hàng ngày...Khi còn ngồi trên giảng đường đại học tôi đã suy nghĩ khi ra mình sẽ làm gì? Làm sao để mình có thể tự tìm việc?

Tôi nghĩ mình sẽ phải tự lực cánh sinh vì không còn bố mẹ và gia đình hỗ trợ như những người khác. Nhưng tôi đã nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ rất nhiều từ mẹ Nghiệm và gia đình SOS. Chính tình yêu thương của mẹ Nghiệm đã động viên tôi sống tự lập và kiên cường vượt qua mọi khó khăn. Mỗi lần nghĩ đến ngày cưới của mình, tôi rất nhớ và trân quý tình cảm của gia đình SOS. Mẹ Nghiệm, các cậu, các dì và anh chị em ở Làng trẻ em SOS Vinh đã giúp tôi chuẩn bị mọi thứ trong lễ cưới và đưa dâu về tận Thái Bình. Khi tôi sinh con gái đầu lòng, mẹ Nghiệm đi từ Vinh ra Thái Bình, gần 300 cây số, để chăm cháu ở viện...".

Chặng đường 30 năm và tháng ngày nối tiếp

Sau 30 năm hoạt động, đến nay Làng trẻ em SOS Vinh đã tiếp nhận chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục được 602 cháu, trong đó có 471 cháu là trẻ mồ côi không nơi nương tựa. 181 đang học phổ thông, sống tại các gia đình ở Làng và Lưu xá thanh niên nam; 47 cháu đang học Thạc sỹ, Đại học, Cao đẳng, trung cấp, học nghề; 254 cháu học xong Thạc sỹ, Đại học, Cao đẳng, trung cấp, học nghề và rời làng đi làm, có 133 cháu đã xây dựng gia đình riêng, tự lập cuộc sống. Hiện Làng có 15 gia đình, đủ nuôi dưỡng từ 140 đến 150 trẻ và Khu lưu xá thanh niên nam đủ nuôi dưỡng từ 45 đến 60 trẻ; Nhà lưu xá nữ thanh niên nuôi dưỡng từ 18 đến 24 trẻ, ngoài ra bộ phận hỗ trợ trẻ tại cộng đồng còn hỗ trợ 325 trẻ có hoàn cảnh khó khăn…

Làng SOS Vinh đang tổ chức cuộc sống trong các gia đình SOS ở làng theo yêu cầu của tổ chức SOS và các chuẩn mực xã hội. Thực hiện mục tiêu nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ một cách toàn diện: Đức-Trí-Thể-Mỹ; vận dụng các hình thức, biện pháp giáo dục trẻ ở làng và khu lưu xá thanh niên, tạo điều kiện cho trẻ học hành, rèn luyện chu đáo, có việc làm ổn định và tự lập cuộc sống bản thân.

Niềm vui của người mẹ ở Làng SOS Vinh khi được các con ở Làng tặng hoa.

Khi được hỏi về những thuận lợi và khó khăn của Làng, anh Lê Bá Lương-Giám đốc Làng trẻ em SOS Vinh cho biết: Đơn vị luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành ở trung ương cũng như ở địa phương, đặc biệt là sự chỉ đạo của Sở LĐ-TB & XH và Làng trẻ em SOS Việt Nam; sự quan tâm sâu sát của Thành ủy, Liên đoàn Lao động và các ban, ngành của thành phố Vinh.

Bên cạnh đó Làng cũng đang gặp nhiều trở ngại khó khăn như: Số lượng trẻ ngày càng tăng lên, mặt trái của cơ chế thị trường, tác động không nhỏ đến quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng đặc biệt là công tác giáo dục và quản lý; số trẻ học ngành, học nghề, đi làm ở xa Làng nhiều, điều kiện sinh hoạt, học tập của các cháu cũng như công tác quản lý, hướng dẫn của Làng gặp rất nhiều khó khăn.

Quá trình tìm việc làm của một số trẻ sau khi tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp không mấy thuận lợi, một số cháu chưa tìm được việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo, thu nhập thiếu ổn định, gặp khó khăn trong cuộc sống. Cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ cho làm việc của của cán bộ công nhân viên, bà mẹ, học tập, sinh hoạt của trẻ và một số hoạt động của đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu trong thực hiện nhiệm vụ. Trong những năm gần đây, các bà mẹ, bà dì đến tuổi nghỉ hưu, việc tuyển mới các mẹ vào thay thế gặp rất nhiều khó khăn…