Ôn thi tốt nghiệp THPT: Cách hệ thống kiến thức môn Ngữ văn có chọn lọc

Ảnh minh họa.

Hiểu về cấu trúc đề thi

Việc nắm chắc cấu trúc đề thi là yếu tố quan trọng đầu tiên trong giai đoạn này. Vài năm trở lại đây, cấu trúc đề thi môn Ngữ văn không có nhiều thay đổi, bám sát cấu trúc này cũng tạo cho các em cách ôn có trọng tâm hơn. Cấu trúc đề thi môn Ngữ văn bao gồm hai phần: Đọc hiểu và làm văn.

Về phần đọc hiểu (3,0 điểm), đề thường cho một văn bản đoạn trích mới (ngoài chương trình học), có thể là thơ hoặc văn xuôi và 4 câu hỏi. Các câu hỏi được chia thành 3 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng. Mỗi dạng câu hỏi này thường có các đơn vị kiến thức và kĩ năng trả lời riêng. Việc nắm chắc được điều này giúp các em biết cách trả lời câu hỏi đọc hiểu dễ dàng hơn.

Về phần làm văn (7,0 điểm), đề yêu cầu tạo lập văn bản nghị luận ở hai dạng: đoạn văn và bài văn. Ở cấp độ đoạn văn (câu 1 – 2,0 điểm), đề yêu cầu trình bày suy nghĩ về một vấn đề nghị luận xã hội, trong khoảng 200 chữ (tương đương 2/3 trang giấy). Ở cấp độ bài văn (câu 2 – 5,0 điểm), đề yêu cầu phân tích một vấn đề trong tác phẩm văn học (chủ yếu ở kiến thức lớp 12) và đưa ra nhận xét, bình luận một nội dung liên quan đến tác giả của tác phẩm đó. Các em chú ý phân biệt hai dạng câu hỏi về văn nghị luận này để tránh sai sót và phân bố thời gian sao cho hợp lí.

Click vào ảnh để xem nội dung

Sử dụng sơ đồ tư duy

Ở giai đoạn này, kiến thức cơ bản môn Ngữ văn các em đã phải nắm chắc trong tay. Tuy nhiên việc hệ thống lại một cách khoa học như sử dụng sơ đồ tư duy là rất cần thiết. Kiến thức các em cần hệ thống nên mang tính khái quát, trọng tâm và gắn với các dạng câu hỏi trong đề thi. Tránh hiện tượng ôm đồm, chi tiết quá gây hoang mang, nản chí.

Cụ thể, đối với phần đọc hiểu, kiến thức các em chủ yếu ghi nhớ ở các câu hỏi nhận biết và thông hiểu như: phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt, thể thơ, thao tác lập luận, các biện pháp tu từ… Tuy nhiên các em ôn tập những nội dung này, chủ yếu tìm hiểu các đặc điểm nhận dạng của chúng. Chẳng hạn đối với phong cách ngôn ngữ báo chí là văn bản có nội dung thể hiện tính thông tin thời sự - tính đặc trưng của báo chí, hay các văn bản thơ thuộc thể thơ tự do thì chỉ cần trong một dòng thơ có số tiếng khác với tất cả các dòng còn lại.

Song vấn đề không chỉ nằm ở những kiến thức về mặt hình thức của văn bản như trên, mà các câu hỏi đọc hiểu còn tập trung vào nội dung của văn bản. Việc nắm chắc được các kĩ năng về việc tìm kiếm nội dung được hỏi trong văn bản, hoặc là các câu hỏi hiểu như thế nào, tại sao, vì sao… về một ý kiến của tác giả rất quan trọng. Vì dạng câu hỏi này không có lý thuyết để học, phải phụ thuộc vào văn bản của đề thi. Cho nên khi ôn, các em chú ý kĩ năng hiểu nội dung văn bản, tìm các từ ngữ, chi tiết, hình ảnh được nhắc đến trong văn bản và cả ý nghĩa mà tác giả văn bản muốn thể hiện sau câu chữ, nhất là quan điểm, thái độ, tình cảm của tác giả.

Đồ họa: An Nhiên

Còn đối với nghị luận xã hội, nội dung cần ôn tập là khả năng lập luận các vấn đề xã hội được đề bài yêu cầu. Các em có thể tự chọn một số nội dung vấn đề nổi bật trong xã hội hiện nay để luyện tập. Chẳng hạn như: sức mạnh của sự hi sinh thầm lặng, sự cần thiết của việc thích ứng trước sự thay đổi, sức lan tỏa của lòng trắc ẩn, ý nghĩa của tuổi trẻ sống có ích…

Trước những vấn đề xã hội đó các em cần đưa ra những lí lẽ, dẫn chứng thuyết phục để làm sáng tỏ vấn đề nghị luận. Những lí lẽ các em bám sát các tác động, ảnh hưởng của vấn đề đối với con người và xã hội. Các dẫn chứng nên là những sự kiện, sự việc, đối tượng có tính nổi bật, có sự cập nhật trong bối cảnh xã hội hiện nay. Rất nhiều bạn không chú ý ôn luyện về cách lập luận ở câu này nên bài viết sơ sài, thiếu ý rất nhiều hoặc lan man, thiếu trọng tâm.

Riêng nghị luận văn học, phần kiến thức là nhiều nhất và đây cũng là phần các em lo lắng nhiều nhất. Trước hết, nội dung ôn tập các em chủ yếu tập trung ở các tác phẩm lớp 12. Vì nghị luận văn học luôn là câu hỏi được đặt ra từ tác phẩm, nên bài làm các em phải cung cấp được những kiến thức về tác giả, tác phẩm.

Lập bảng hệ thống thông tin chung về tác giả, tác phẩm. Về tác giả, các em chú ý đến những yếu tố nổi bật như: vị trí, đặc điểm sáng tác… Còn tác phẩm, cần chú ý tới nội dung như: xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác, cảm hứng chủ đạo, nội dung chính… Có thể lấy ví dụ như tác giả Tô Hoài và tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”.

Tỉnh táo, bình tĩnh, tự tin để đạt kết quả thi tốt nhất.

Các em chú ý nên đánh dấu những từ khóa để dễ nhớ và viết nhanh hơn.

Về kiến thức trọng tâm ở mỗi tác phẩm các em cần học xoáy sâu vào nội dung bố cục, cốt truyện. Về thơ, các em chú ý tới mạch cảm xúc chủ đạo và bố cục của toàn bộ bài thơ để hiểu được các nội dung trọng tâm trong bài thơ đó. Chẳng hạn ở bài thơ “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng, cảm xúc chủ đạo là nỗi nhớ của nhà thơ về đồng đội – đoàn quân Tây Tiến của ông trong cuộc hành quân và chiến đấu ở vùng núi rừng dọc biên giới Tây Bắc của Tổ quốc. Bài thơ có 4 khổ, bố cục: Khố 1. Nỗi nhớ về chặng đường hành quân gian khổ của người lính Tây Tiến qua núi rừng Tây Bắc; Khổ 2. Kỉ niệm về đời sống sinh hoạt kháng chiến (đêm liên hoan lửa trại và cảnh chia tay sông nước); Khổ 3. Chân dung người lính Tây Tiến; Khổ 4. Lời hẹn ước son sắt với Tây Tiến.

Việc nắm được bố cục trong bài thơ rất quan trọng vì nếu đề cho ở phạm vi đoạn thơ nào, các em có thể hình dung được nội dung của đoạn thơ đó và làm bài đúng hướng. Hơn nữa, tác phẩm thơ thường xây dựng hình tượng nghệ thuật trung tâm, việc hiểu được bố cục bài thơ sẽ giúp em xác định được hình tượng đó có đặc điểm gì. Chẳng hạn, người lính Tây Tiến ở 3 khổ thơ đầu hoàn toàn khác nhau: khổ 1 họ ẩn sau chặng đường hành quân gian khổ, khổ 2 hiện lên qua kỉ niệm kháng chiến, đến khổ 3 họ mới được nhà thơ khắc họa đầy đủ, chân thực, lãng mạn và bi tráng.

Còn về truyện, việc nắm được cốt truyện của tác phẩm là điều tối quan trọng. Cốt truyện được các tác giả tạo dựng qua nhiều cách thức, nhưng để ôn tập tốt nhất các em nên nhớ cốt truyện theo nhân vật và diễn tiến thời gian, không gian mà nhân vật trải qua. Chẳng hạn ở “Vợ chồng A Phủ”, đoạn trích được học kể về cuộc đời nhân vật Mị ở 4 giai đoạn: Trước khi làm dâu nhà thống lí (1) – Khi làm dâu nhà thống lí (2) – Nổi loạn trong đêm tình mùa xuân (3) – Cắt dây trói cho A Phủ và trốn thoát (4). Ở mỗi giai đoạn cuộc đời, các em có thể khái quát về chân dung nhân vật Mị và nghệ thuật miêu tả nhân vật mà nhà văn sử dụng.

Đồ họa: An Nhiên

(1) Mị là một bông hoa của núi rừng Tây Bắc, xinh đẹp, tài hoa, hạnh phúc và khao khát sống tự do.

(2) Mị dù phản ứng quyết liệt nhưng rồi vẫn phải chấp nhận và bị bóc lột về thể xác, vùi dập về tinh thần thành nô lệ, chai lì, tê liệt sức sống. Mị được miêu tả qua bút pháp tả thực.

(3) Mị trước tác động của ngoại cảnh Tết ở Hồng Ngài, đã nổi loạn: uống rượu, muốn đi chơi Tết và chuẩn bị đi chơi, nhưng bị A Sử trói mà Mị không biết. Mị hồi sinh với sức sống tiềm tàng, mạnh liệt. Mị được khắc họa chủ yếu qua nghệ thuật miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật.

(4) Mị trở nên hoàn toàn vô cảm nhưng dòng nước mắt của A Phủ khiến Mị nghĩ đến thương mình, thương người rồi quyết định cắt dây trói cho A Phủ và chạy theo A Phủ. Sức sống của Mị đã trỗi dậy mạnh mẽ, quyết liệt. Mị được miêu tả kết hợp giữa bút pháp tả thực và mỉeu tả tâm lý.

Từ đó, các em cũng nhận ra mở đầu tác phẩm, nhà văn Tô Hoài kể về Mị ở giai đoạn khi đã chấp nhận làm dâu gạt nợ và cách đảo thời gian trần thuật này đã thể hiện được rất nhiều ý nghĩa sâu sắc.

Tương tự ở nội dung khác hoặc các tác phẩm khác, các em có thể làm như vậy để cốt truyện được nhớ kĩ, khắc sâu. Đối với đề thi yêu cầu phân tích một vấn đề nào đó ở trong một đoạn trích thuộc tác phẩm, các em sẽ xác định được vấn đề trúng và không bị lạc đề.

Đồ họa: An Nhiên

Bí quyết để môn Văn đạt điểm cao

Môn Văn hay bất cứ môn nào cũng vậy, nếu có “bí quyết” riêng thì việc chinh phục được điểm cao lại không hề khó.

Bí quyết đầu tiên, các em phải chịu khó luyện đề. Việc cấu trúc đề thi môn Văn ổn định qua các năm qua là một lợi thế giúp các em học được cách làm bài sao cho hiệu quả. Việc giải được nhiều đề giúp các em quen với cách trả lời ở các dạng câu hỏi, rèn tốc độ viết nhanh và chủ động hơn khi làm bài trong phòng thi.

Bí quyết thứ hai, nắm chắc trong tay cách trả lời ở mỗi dạng câu hỏi. Mỗi một câu hỏi trong đề văn lại có cách trả lời riêng. Nếu để ý các em sẽ hình thành được kĩ năng để làm chúng. Chẳng hạn như đối với đọc hiểu, các câu hỏi thường không yêu cầu trả lời dài hay trình bày theo một yêu cầu nhất định. Câu 1 phần làm văn - nghị luận xã hội có thể tạo dựng thành một dàn ý chung, như: Nêu vấn đề - phân tích, bình luận vấn đề qua lí lẽ, dẫn chứng – rút ra bài học. Hay câu 2 phần Làm văn – Nghị luận văn học, đề chứa hai lệnh hỏi rất rõ “Phân tích… Từ đó, nhận xét…”. Căn cứ vào đó, ngoài mở bài và kết bài ra, phần thân bài em sẽ tạo được 3 ý lớn trong toàn bộ bài viết, gồm Ý 1: Giới thiệu tác giả, tác phẩm; Ý 2: Phân tích vấn đề nghị luận (lệnh hỏi 1); Ý 3: Nhận xét về … (lệnh hỏi 2).

Căn cứ vào 3 ý trên, các em có thể xác định ý 2 là ý quan trọng nhất và cần triển khai chi tiết nhất trong toàn bài. Ý 2 có thể khai thành 3 luận điểm: Khái quát vấn đề nghị luận; Phân tích nội dung vấn đề nghị luận; Phân tích nghệ thuật thể hiện vấn đề nghị luận.

Có thể lấy từ đề minh họa: Phân tích hình tượng sông Hương ở đoạn trích trên. Từ đó nhận xét về tính trữ tình trong bút kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường làm minh chứng. Với đề trên ta triển khai thành 3 ý như sau:

Ý 1: Giới thiệu tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường và “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”.

Ý 2: Phân tích hình tượng sông Hương trong đoạn trích.

Luận điểm 1: Khái quát về hình tượng sông Hương.

Luận điểm 2: Phân tích nội dung hình tượng sông Hương trong đoạn trích.

Luận điểm 3: Phân tích nghệ thuật miêu tả hình tượng sông Hương trong đoạn trích,

Ý 3: Nhận xét về tính trữ tình trong bút kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Tiếp theo, các em cần học cách căn thời gian làm bài. Bài thi môn Văn có thời gian làm bài là 120 phút. Vậy các em nên chia, đọc hiểu và nghị luận xã hội làm trong khoảng thời gian 50 phút, còn nghị luận văn học làm trong 70 phút còn lại. Để làm được điều đó, trong quá trình luyện đề các em cần học cách chia thời gian ngay để vào phòng thi sẽ chủ động.

Ngoài ra, bài thi môn Văn phải có cách trình bày bài thi tốt. Một bài thi môn Văn có điểm cao chắc chắn bài làm phải sạch sẽ, sáng sủa, dễ đọc và khoa học…

Cuối cùng, bí quyết quan trọng nhất đó là tinh thần tỉnh táo, bình tĩnh, tự tin và hết mình. Hãy coi bài thi môn Văn là một bài kiểm tra trên lớp, huy động hết những kĩ năng đã được rèn luyện để làm bài. Giai đoạn này là giai đoạn các em rèn điều đó để xuất chiêu cuối cùng quyết định đạt điểm cao.

Chúc các em thành công!