Ông Trần Bắc Hà và vợ đã có thỏa thuận chia bất động sản


Quang cảnh phiên tòa phúc thẩm ngày 28/6.
Trong vụ án sai phạm cho vay xảy ra tại BIDV, ông Trần Bắc Hà được xác định là trách nhiệm cao nhất.
Tòa sơ thẩm cho rằng, ông Hà đã lợi dụng vị trí là Chủ tịch HĐQT của BIDV, chỉ đạo các nhân viên cấp dưới, dùng ảnh hưởng của mình để áp đặt các thành viên khác trong HĐTV phải duyệt, cấp tín dụng cho Công ty Bình Hà và Công ty Trung Dũng trái quy định, gây thiệt hại cho ngân hàng hơn 1.664 tỷ đồng.
Bản án sơ thẩm xác định, ông Hà đã chết nhưng được coi là người có hành vi vi phạm pháp luật. Cơ quan tố tụng tiếp tục kê biên, phong tỏa ngăn chặn giao dịch đứng tên ông Trần Bắc Hà và các tài sản khác có liên quan đến quyền lợi của ông Hà để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án.
Theo đó, tiếp tục kê biên 5 bất động sản đứng tên đồng sở hữu vợ chồng ông Trần Bắc Hà ở TP.HCM; 2 bất động sản đứng tên bà Ngô Kim Lan (vợ ông Hà) gồm nhà đất tại số 60A Bà Huyện Thanh Quan và nhà đất tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức (đều ở TP.HCM).
Đồng thời, kê biên 3 bất động sản cùng 678.621 cổ phần CTCP Du lịch Hoàng Anh Đất Xanh Quy Nhơn đứng tên sở hữu bị can Trần Duy Tùng (con ông Hà, hiện đang bỏ trốn).
Ngoài ra, còn ngăn chặn 1.130.504 cổ phiếu của ông Trần Bắc Hà và những người liên quan; trong đó có 215.679 cổ phiếu đứng tên bà Ngô Kim Lan. Bà Lan còn bị ngăn chặn giao dịch số tiền hơn 7,9 tỷ đồng trong tài khoản.
Sau phiên tòa sơ thẩm, bà Ngô Kim Lan đã kháng cáo nhưng bà Lan đã mất nên chị Trần Lan Phương (con gái) kế thừa quyền và nghĩa vụ kháng cáo của mẹ.
Trước tòa, chị Phương cho biết, giữ nguyên nội dung kháng cáo của mẹ là bà Ngô Kim Lan.
Chị Phương không đồng tình với phán quyết của tòa án cấp sơ thẩm khi quyết định tiếp tục kê biên 7 bất động sản trên. Chị Phương cho rằng, 2 bất động sản đứng tên cá nhân bà Lan là tài sản riêng của mẹ.
Theo trình bày, bất động sản tại số 60A Bà Huyện Thanh Quan, TP.HCM là do bà Lan được em gái tặng cho vào năm 2013. Còn bất động sản sản tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM, bà Lan mua từ năm 2005.
“Mẹ tôi lo liệu tích góp để tạo lập được tài sản riêng. Ngoài ra, còn 5 tài sản khác cũng do mẹ tôi tự tạo lập ra. Mẹ tôi trước đây làm kiểm toán. Ngoài các công việc ở cơ quan nhà nước, mẹ còn kinh doanh bất động sản. Sau khi về hưu, mẹ làm giám đốc CTCP Du lịch Hoàng Anh Đất Xanh Quy Nhơn”, lời chị Phương.
Vẫn theo trình bày của chị Phương, năm 2017 vợ chồng ông Trần Bắc Hà có thỏa thuận, bất động sản ở 60A Bà Huyện Thanh Quan, TP.HCM là tài sản riêng của bà Lan.
Về số tiền 7 tỷ đồng trong tài khoản của bà Lan đang bị ngăn chặn, chị Phương khẳng định, đó là tiền mà CTCP Du lịch Hoàng Anh Đất Xanh Quy Nhơn chuyển vào tài khoản của mẹ.
“Mẹ dặn dò, đây là tiền công ty, có phiếu ủy nhiệm chi của công ty”, lời chị Phương.
Giọng sụt sùi, chị Phương nói: “Thay mặt mẹ, tôi xin HĐXX được giữ lại 2 bất động sản là nơi chị em tôi sinh sống”.
Còn chị Nguyễn Phương Uyên Bình (vợ bị can Trần Duy Tùng) cũng có đơn đề nghị giải tỏa hơn 5 tỷ đồng bị ngăn chặn trong tài khoản của chồng. Nhưng tại tòa, chị Bình đã rút đơn kháng cáo nội dung trên.
Đỗ Mến