Phim nhiều cảnh kỹ xảo hơn cả 'Avatar 2'

Avatar: The Way of Water có hơn 3.000 cảnh phim hiệu ứng. Ảnh: 20th Century.

Cả 2 phần Avatar của Đạo diễn James Cameron đều là các phim đại chế tác với nhiều công nghệ được áp dụng. Trong đó, cảnh quay hiệu ứng hình ảnh đặc biệt góp phần quan trọng trong việc tạo ra thế giới huyền ảo của hành tinh Pandora. Tuy nhiên, số cảnh quay dùng VFX ở cả 2 bộ phim bị bỏ xa bởi các tác phẩm đến từ Bollywood.

VFX hay Visual Effect là hiệu ứng hình ảnh được ứng dụng trong các bộ phim điện ảnh, truyền hình. Công nghệ này được định nghĩa là các thước phim được tạo ra, chỉnh sửa hoặc nâng cấp, không diễn ra trong quá trình quay hình thực tế.

Với một hành tinh có cây cối khổng lồ, sinh vật kỳ lạ như Pandora trong loạt phim Avatar, việc dựng cảnh thực tế khó thực hiện. Hay việc hóa trang các diễn viên để có nước da xanh, tay 4 ngón và cao 3 m như người Na’Vi trong phim cũng bất khả thi. Do đó, Avatar hay Avatar: The Way of Water là những bộ phim phụ thuộc nhiều vào kỹ xảo điện ảnh, hay VFX.

Theo thống kê của Upcoming VFX, phần phim Avatar đầu tiên sử dụng khoảng 2.500 cảnh phim hiệu ứng. Khi tác phẩm được sản xuất, các công nghệ tạo kỹ xảo vẫn chưa phát triển đầy đủ. James Cameron phải tạo ra nhiều công cụ để ghi hình, hậu kỳ bộ phim này. Việc đó khiến nhà sản xuất phải tiêu tốn khoảng 250 triệu USD vào năm 2009 cho kinh phí làm phim.

Sau hơn 10 năm, phần phim thứ 2 được ra mắt, khai thác đại dương rộng lớn của hành tinh Pandora. Weta Digital, công ty phụ trách hiệu ứng của Avatar: The Way of Water thực hiện khoảng 3.240 cảnh VFX cho bộ phim. Trong đó, có 2.225 cảnh liên quan đến nước. Đây là con số lớn với một bộ phim điện ảnh hiện đại.

Tuy nhiên, các tác phẩm từ Bollywood từ lâu bỏ xa phim Mỹ về lượng cảnh dùng kỹ xảo. Theo sách Kỷ lục Thế giới Guinness, bộ phim có nhiều cảnh VFX nhất là Baahubali: The Beginning (Ấn Độ), ra mắt năm 2015. Tác phẩm này được áp dụng đến hơn 4.500 cảnh phim hiệu ứng đặc biệt. Nhà sản xuất cho biết họ thuê đến 600 nghệ sĩ đồ họa và 17 studio để hoàn thiện phần kỹ xảo.

Một số cảnh kỹ xảo của Baahubali - The Beginning. Ảnh: Makuta.

Xếp sau Baahubali: The Beginning lần lượt là Son of Sardaar (2012) và Ra.One (2011), đều đến từ Ấn Độ. Các tác phẩm này có số cảnh VFX vượt qua nhiều bộ phim Hollywood mới ra mắt, kể cả Avatar: The Way of Water.

Tuy nhiên, chất lượng hiệu ứng từ những tác phẩm này khó so sánh với các phim bom tấn của Mỹ. Tổng chi phí sản xuất của Baahubali: The Beginning là 18 triệu USD, bằng 1/13 Avatar. Doanh thu đạt được của các tác phẩm này cũng khá khiêm tốn, 25-90 triệu USD.

Ngoài ra, trong danh sách các bộ phim sử dụng nhiều VFX còn có Avengers: Age of Ultron (hơn 3.000 cảnh), Captain America: Civil War (3.000 cảnh), Zack Snyder’s Justice League (2.800 cảnh), Guardians of the Galaxy (2.750 cảnh).

Phần phim Avatar: The Way of Water được áp dụng nhiều công nghệ làm phim hiện đại. Đạo diễn James Cameron dùng các máy quay 8K, có thể ghi hình lập thể. Những hình ảnh biển cả được quay dưới nước và ghép chuyển động bằng mocap (motion capture).

New York Times cho biết Weta Digital mất 18,5 petabyte (1 petabtye bằng 1.024 TB) dữ liệu để lưu trữ quá trình sản xuất các cảnh kỹ xảo của bộ phim này. Khó khăn lớn nhất từ đội ngũ là việc tái tạo dòng chảy của nước, sự ẩm ướt trên nước da xanh người Na'Vi và lực cản chất lỏng khi bơi.

Xuân Sang