Phim sinh tồn Việt: Loay hoay tìm cách... sinh tồn

Hậu trường phim “Rừng thế mạng”

Nếu là hài thì không vui, còn sinh tồn thì chưa tới

“Rừng thế mạng”, bộ phim điện ảnh Việt đầu tiên làm về chủ đề sinh tồn cũng chưa thực sự giúp khán giả “đã khát”. Lấy bối cảnh tại Tà Năng - Phan Dũng, cung đường phượt nổi tiếng nằm ở ba tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận và Bình Thuận, phim kể về chàng trai phượt thủ bị lạc đoàn, phải đơn độc trải qua cuộc chiến sinh tồn giữa rừng. Tuy nhiên phim thiếu các tình tiết kịch tính, nội dung và cảm xúc chưa được đẩy lên cao trào nên không mang lại sự hấp dẫn cho người xem.

Bộ phim “Cù lao xác sống” cũng gây nhiều tranh cãi. Phim lấy bối cảnh vùng Tây Nam bộ, xoay quanh đại dịch zombie đang bùng phát tại vùng cù lao thuộc hạ nguồn Mekong. Người xem theo dõi cuộc trốn chạy của một nhóm người trước hàng ngàn xác sống đeo bám. Nhân vật chính cùng những người sống sót kết hợp lại trong cuộc chiến giành giật sự sống cho bản thân và gia đình... Phim bị chê tạo hình sơ sài, thiếu đầu tư phần hóa trang. Dường như công thức tạo zombie của các đạo diễn Việt chỉ là cho diễn viên đánh phấn trắng bệch, bôi trét son đỏ giả máu lên người, đeo mắt giả, đi qua đi lại kêu gầm gừ, hoặc sử dụng khâu lồng tiếng cũ kỹ lo liệu âm thanh. Thay vì trông đáng sợ thì zombie Việt trông rất nực cười và dễ dàng bị đập chết. Nhiều khán giả nhận xét: Nếu là phim hài thì không vui, còn phim sinh tồn thì chưa tới.

“Trò chơi tử thần” - phim sinh tồn hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản, do Kazuhisa Yusa đạo diễn là cuộc chạm trán giữa 4 người bạn với một đàn xác sống để giành cơ hội sống sót trong một cuộc chơi săn tiền thưởng trị giá lên đến 100.000 đô la. Mặc dù được kỳ vọng nhiều nhưng “Trò chơi tử thần” vẫn bị chê tơi tả từ kịch bản đến diễn xuất. Cách thiết lập các ngày huấn luyện và các vòng thi dành cho người chơi khá nhàm chán, không thấy được sự khốc liệt của trận game sinh tồn.

Vừa ra mắt nhưng “Virus cuồng loạn” đã bị gắn mác “thảm họa” mới của điện ảnh Việt. Âm thanh vốn là một trong những điểm nhấn tạo nên sự kịch tính, nghẹt thở trong các bộ phim sinh tồn, thì ở “Virus cuồng loạn” lại được sử dụng một cách vô duyên. Nhiều cảnh chèn nhạc nền không liên quan, cảnh cả đoàn phim đang chạy trốn trong rừng thì ca khúc trong phim cất lên với ca từ và giai điệu không ăn nhập gì với cảnh phim. Rất nhiều điểm trừ to đùng khác như màu phim xấu, diễn xuất kém, lồng tiếng không khớp khẩu hình... Những màn tấn công của xác sống cũng không hề gay cấn mà chủ yếu cào cấu, gào thét ngoài cánh cửa, xe ô tô?

Diễn viên Thanh Trực phải ăn sống 3 con ếch để phục vụ cảnh quay trong “Rừng thế mạng”

Cái khó của người “mở cõi”

Công bằng thừa nhận, dù cách triển khai chưa đạt hiệu quả như mong muốn nhưng các phim sinh tồn Việt đều có ý tưởng tốt, cài cắm thông điệp ý nghĩa, thể hiện nỗ lực của các nhà làm phim trẻ. Họ phải đối đầu với nhiều khó khăn khi làm phim với tâm thế của người “mở cõi”.

Khi được hỏi có dám thử sức tiếp với chủ đề sinh tồn nữa không, Nhà sản xuất Hoàng Quân tỏ ra ái ngại, sau những trải nghiệm với “Rừng thế mạng”. Anh cho biết, dự án này khiến cả đoàn phim rất cực khổ và áp lực khi phải giữ an toàn cho 120 con người, bởi địa điểm quay phim cũng chính là điểm nóng từng xảy ra nhiều sự cố đi lạc trước đó. “Mọi người trong đoàn đều phải đi bộ 2-3 giờ đồng hồ mỗi ngày. Sinh hoạt và làm việc trong rừng với thời tiết sáng sớm và ban đêm, nhiệt độ là từ 7-9 độ C. Mỗi ngày phải vận chuyển 200 lít nước uống, 300 lít nước tắm, 200-300kg thực phẩm. Chỉ những diễn viên và ê-kíp thật sự yêu nghề thì mới chịu được hơn một tháng trời vất vả băng rừng, vượt dốc, đu dây, tắm thác, sống và sinh hoạt trong điều kiện bất tiện kéo dài như thế”, Nhà sản xuất của “Rừng thế mạng” trải lòng.

Cũng trong phim này, nam diễn viên chính Huỳnh Thanh Trực phải ép giảm 5kg. Trước những cảnh quay mang tính sinh tử, anh không được ăn no, chỉ uống sữa và ngủ ít, đồng thời đi bộ 3km trong rừng để hiểu được cảm giác mệt mỏi, đói khát khi bị lạc. Các cảnh leo núi, đu dây vượt thác nguy hiểm đều được anh và bạn diễn tự thực hiện mà không phải đóng thế. Chưa kể trong hầu hết các cảnh, mỗi diễn viên đều phải vác chiếc ba lô nặng tới 15kg để tạo cảm giác thật khi diễn xuất. Thậm chí, Thanh Trực lần đầu tiên trong đời phải trải nghiệm việc? ăn sống 3 con ếch để có được cảnh quay chân thực nhất về cuộc đấu tranh sinh tồn trong rừng sâu.

Để đầu tư cho bối cảnh, nhà sản xuất của “Virus cuồng loạn” phải chi ra 600 triệu đồng để tự dựng lên một làng dân tộc. Không những gặp khó khăn về bối cảnh, đạo cụ, kinh phí, khi ra hiện trường, đoàn phim còn gặp trở ngại về thời tiết. Có khi mọi việc đã được chuẩn bị xong ở hiện trường thì lại gặp mưa gió, đoàn phải lục tục dọn về... Được biết, để đảm bảo kinh phí, đạo diễn Nhất Duy đã phải bán đất còn D.O.P Thịnh Lữ thì bán vàng để làm phim.

Phim sinh tồn là một trong những thể loại phim đang được rất nhiều người ưa chuộng bởi nó kích thích được nhiều cảm xúc của người xem. Trước hoàn cảnh khắc nghiệt, con người bắt buộc phải chiến đấu để giành lại sự sống. Vô số các tình huống hồi hộp, gay cấn được các nhà làm phim khai thác khiến những bộ phim lấy đề tài này trở nên cuốn hút.

Nhà sản xuất Nhất Trung (phim “Cù lao xác sống”) cho biết tạo hình zombie là một trong những thách thức lớn nhất khi làm phim. Diễn viên đóng xác sống được anh tuyển riêng với số lượng khoảng 20 người cho cảnh thường, 100 người trong đại cảnh. Zombie được chia làm ba lớp: những vai cận cảnh sẽ được hóa trang kỹ, sau đó là tầng giữa và tầng nền. Với những cảnh quay dưới nước lại càng vất vả hơn vì phải giữ được lớp hóa trang như cũ, không bị nước làm trôi đi.

Nói về khó khăn khi viết về chủ đề sinh tồn, biên kịch Trần Khánh Hoàng (phim “Móng vuốt”- dự kiến ra mắt vào đầu năm 2023) cho biết: “Khó nhất là làm thế nào để khán giả cảm thấy đồng điệu với nhân vật. Nhân vật phải được họ lo lắng, quan tâm xem có chết hay không. Khi đặt ra các tình huống sinh tồn, đôi khi đòi hỏi biên kịch cũng phải có từ trải nghiệm thực tế nữa”.

Rõ ràng, việc thử nghiệm ở một thể loại phim mới là điều đáng hoan nghênh để các nhà làm phim mạnh dạn bước ra “vùng an toàn” của mình. Tuy nhiên, từ các dự án thời gian qua, có lẽ họ cũng nên thẳng thắn rút kinh nghiệm để không còn phải loay hoay tìm cách sinh tồn cho các tác phẩm thể loại sinh tồn.

Nhã Khanh