Rác thải 'không nghỉ', Hà Nội vẫn sạch cả khi giãn cách

Gia tăng rác nhựa, rác y tế

Hàng ngày, việc xử lý khoảng 7.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt đang là thách thức đối với Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là trong bối cảnh thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 17/CT-UBND.

Đồng thời khi thực hiện giãn cách xã hội, hàng quán đóng cửa là lúc người dân Hà Nội chuyển sang mua hàng online, mang đi, kéo theo đó là lượng túi ni lông và đồ nhựa một lần được sử dụng nhiều hơn.

Bên cạnh đó, đại dịch COVID –19 đang kéo theo sự gia tăng nhanh chóng của rác thải y tế, những sản phẩm làm từ nhựa phục vụ phòng, chống, xét nghiệm và chữa bệnh tăng vọt. Số lượng bệnh nhân tăng lên kéo theo chất thải y tế tăng cao, nhất là tại các bệnh viện, khu cách ly tập trung, từ trang phục, khẩu trang, găng tay, kim tiêm, dây truyền dịch, thuốc men, bao bì thực phẩm đóng gói..., cùng lượng lớn các hóa chất khử trùng cũng làm ảnh hưởng tới môi trường.

Lượng khẩu trang được hàng triệu người dân sử dụng và được thay thường xuyên nên khẩu trang đã qua sử dụng thải ra môi trường cũng làm tăng lượng rác thải.

Rác thải y tế đòi hỏi quy trình xử lý nghiêm ngặt

Sự gia tăng chất thải y tế đang là gây khó khăn trong công tác xử lý rác thải và bảo vệ môi trường Thủ đô, việc thu gom và xử lý rác thải đối với khu vực này cần tuân thủ nghiêm các quy định nhằm đảm bảo an toàn. Như phải phun khử khuẩn trước khi rác thải này được đưa ra khỏi hộ gia đình và khu dân cư bị cách ly, đồng thời, phương tiện vận chuyển cũng phải khép kín, tránh nguy cơ phát tán mầm bệnh ra cộng đồng.

Đảm bảo sức khỏe cho nhân viên môi trường

Do thường xuyên tiếp xúc với nguồn rác thải có nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh, lực lượng vệ sinh môi trường luôn thuộc nhóm đối mặt với không ít nguy hại tới sức khỏe.

Họ luôn được trang bị đầy đủ quần áo, thiết bị bảo hộ lao động, sử dụng các loại thuốc khử khuẩn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nên cũng làm tăng thêm lượng rác thải.

"Để đảm bảo an toàn trong xử lý rác thải trong bối cảnh COVID-19, các đơn vị quản lý các khu cách ly tập trung đã thực hiện công tác phân loại, lưu giữ chất thải và hàng ngày bàn giao cho đơn vị xử lý để thu gom, vận chuyển, xử lý theo đúng quy định" - bà Đào Thị Anh Điệp - Chi cục trưởng Chi cục Môi trường Hà Nội cho biết.

Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị hà Nội (Urenco) là đơn vị quản lý, vận hành các khu xử lý rác thải, phụ trách phần lớn địa bàn Thủ đô, đảm nhiệm việc tiếp nhận và xử lý an toàn tuyện đối toàn bộ khối lượng chất thải sinh hoạt về 2 khu xử lý Nam Sơn, Xuân Sơn (trung bình 6.400 tấn/ngày), đồng thời chỉ đạo Urenco 13 (đơn vị trực thuộc) và các đơn vị liên quan xử lý chất thải các bệnh viện, khu cách ly, vùng dịch theo đúng hướng dẫn, quy định của bộ y tế; đảm bảo thu gom, vận chuyển, xử lý an toàn.

Mỗi ngày, lượng rác thải của thủ đô Hà Nội xấp xỉ 7.000 tấn và tăng hơn trong thời gian giãn cách

Ngoài ra, đại diện công ty MTV Urenco cho biết công ty cũng chủ động xây dựng các kịch bản đảm bảo vệ sinh môi trường Thành phố; trường hợp xuất hiện nhiều khu vực cách ly, phong tỏa trên địa bàn, trường hợp người lao động thành F0,… Thành lập đường dây nóng trực 24/24 để đảm bảo công tác điều hành sản xuất kịp thời.

Chị Nguyễn Thị Xuyên, nhân viên môi trường khu vực phường Bưởi, quận Tây Hồ nói sau lớp khẩu trang kín mít: "Chúng tôi được công ty đã trang bị đầy đủ trang thiết bị phòng chống dịch như: khẩu trang, găng tay, nước sát khuẩn, mũ chống giọt bắn,… và thường xuyên phải khai báo y tế hàng ngày và quét mã QR khai báo y tế khi đến làm việc. Thêm nữa cũng đã quen đối mặt với… rác, luôn đeo khẩu trang từ trước nên chúng tôi khá yên tâm về bảo hộ, về sức khỏe".